PHONG THỦY VÀ NỀN TẢNG CỦA TƯ DUY
- 08:21 - Thứ 6, 16/10/2020
-
Tư duy là sự ưu thế tuyệt đối của con người so với loài vật, đóng vai trò quyết định đối với quá trình tiền hóa và phát triển của xã hội loài người. Có thể chia hình thức tư duy thành 2 dạng chính là Tư duy phân tích và Tư duy tổng hợp. Đây là hai hoạt động tư duy khác nhau và có đặc điểm hình thành riêng trên nền tảng môi trường địa hình khác nhau theo nguyên lý "môi trường ra sao con người như vậy".
Xét các môi trường đặc trưng hình thành những nền văn hóa lớn của con người trên thế giới hiện nay, có thể phân chia địa hình thành 2 dạng cơ bản. Dạng thứ nhất là những bình nguyên rộng lớn, bằng phẳng, cao có khí hậu ôn đới, ví dụ như lục địa châu Âu và một phần Châu Á gồm toàn bộ khu vực Đông Á kể cả phía bắc sông Dương Tử của Trung Quốc. Còn dạng thứ hai là châu thổ các dòng sông lớn, địa hình nhỏ hẹp, thấp trũng hơn và bị chia nhỏ bởi các nguồn nước, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nắng nhiều. Ví dụ cho dạng địa hình thứ 2 này là vùng thung lũng phía nam sông Dương Tử và khu vực Nam Đảo.
Ở dạng địa hình đầu tiên, do không gian bằng phẳng, rộng lớn, khí hậu ôn đới khô lạnh ổn định, dễ di chuyển, thích hợp với việc phát triển các hoạt động săn bắn, chăn nuôi, cũng như các hoạt động thương mại tích lũy ở quy mô lớn. Các hoạt động sản xuất đòi hỏi con người phải di chuyển, định lượng, đo lường sản phẩm tốt. Do đó, dần dần định hình tính cách trọng động, phát triển mạnh tư duy phân tích từ trừu tượng đến cụ thể, từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ bản thể luận đến nhận thức luận chẻ nhỏ, lượng hóa từng chi tiết của sự vật hiện tượng, và phát triển thành hệ thống có quy trình chặt chẽ, ví dụ như các ngành khoa học, kiến trúc hiện đại.
Dạng địa hình thứ hai là đồng bằng châu thổ các dòng sông, có đặc điểm khí hậu nóng ẩm, nắng nhiều, mưa nhiều, địa hình bị chia cắt nhỏ hẹp, chỉ phù hợp với sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ và trồng trọt theo mùa vụ theo chu kỳ của con nước và nhiệt độ, địa hình nhỏ hẹp lại bị chia cắt nên di chuyển khó khăn nên giao thương cũng ít phát triển, khó hình thành sự tích lũy lớn. Vì vậy, con người có xu hướng định cư lâu dài 1 chỗ đợi mùa vụ, tính cách trọng tĩnh, ngại di chuyển, thể trạng nhỏ hơn so với khu vực địa hình ôn đới lạnh, hướng nội, thích ổn định. Từ đó, dần dần hình thành lối tư duy từ cụ thể đến trừu tượng, từ nhân sinh quan đến thế giới quan, tư duy tổng hợp tốt được đúc kết thành hệ thống triết học mang tính phổ quát, trừu tượng, định tính, nhìn nhận sự việc hiện tượng qua các mối quan hệ hữu cơ, điển hình là các bộ môn lý học, phong thủy.
Xét theo phong thủy thì có một điều dễ nhận thấy là về mặt bằng chung, ở những môi trường có địa hình cao rộng, thế đất dầy, nguồn nước trong, khí hậu lạnh thường sẽ xuất hiện nhiều người tư duy phân tích tốt, giỏi toán, giỏi các môn tự nhiên hơn các địa hình thấp trũng nên về nền tảng khoa học kỹ thuật của quốc gia đó cũng phát triển hơn. Còn ở những vùng đất thấp, thì tỷ lệ giỏi về toán học thường chỉ dừng ở mức độ cá biệt, quy mô nhỏ và hầu hết những gia đình có người đạt thành tựu xuất sắc về toán học đều có những đặc điểm không hoàn chỉnh như là khắc cha sớm, khi trẻ nhà nghèo, thậm chí bị đánh giá là bảo thủ, lập dị hoặc phải ly hương đến những vùng khí đất cao dầy lập nghiệp
Hiểu được việc này ta có thể giải thích được sự khác nhau trong tính cách, phương pháp làm việc, cách ứng xử, sự va chạm văn hóa Đông Tây, từ đó chọn ra những phương án dung hòa cho phù hợp . Ở thời điểm hiện tại, khi loài người phát triển đông, nhu cầu về vật chất lớn, cần ưu tiên những mô hình sản xuất quy mô lớn thì lối tư duy định lượng và nền văn minh của phương Tây đang có chiếm ưu thế dẫn dắt. Các sản phẩm của nền tư duy tổng hợp phương đông như Phong thủy, Tử vi hiện nay không còn nhiều hấp dẫn là do ngày càng bị biến chất, cảm tính, đi về hướng huyền học, hoặc thậm chí là mê tín dị đoan không có nhiều tính thực tiễn, không tạo ra được thành tựu nổi trội.
Tuy nhiên ở đỉnh của Kim Tự Tháp các cạnh đều giống nhau, nên nếu tập trung phát triển đúng hướng và thuần khiết thì mọi phương pháp dù khác nhau cũng dẫn đến cùng một chân lý và đều có giá trị lịch sử, thậm chí là tối ưu trong những hoàn cảnh khác nhau.