Hữu Thần hay Vô Thần
- 10:29 - Thứ 5, 18/05/2017
-
Người không có đường không thể đi xa, quốc gia không có tôn giáo không phát triển bền vững.
- Pháp luật để điều chỉnh hành vi.
- Đức tin tôn giáo để điều chỉnh tư tưởng.
Hai công cụ này giống như 2 chân đế nâng bước tiến hóa của loài người cũng như các quốc gia. Thần không có thật nhưng Quốc gia "vô thần" (không tôn giáo) giống như người cụt một chân, quốc gia sẽ sụp đổ nhanh chóng. Quốc gia đa thần (đa tôn giáo) nhưng thiếu chủ đạo thì cũng giống như người tàn tật, chân thấp chân cao, khó tập trung được sức mạnh, trì trệ, yếu đuối.
Việt Nam không có nền tảng triết học sâu, các tư tưởng, tôn giáo lớn đều vay mượn từ bên ngoài nên tư tưởng luôn thất thường từ thái cực này sang thái cực khác, nhược tiểu, cho đến khi bị xâm phạm về mặt lãnh thổ, bản năng sở hữu được kích hoạt, xuất hiện lãnh tụ độc tài tập hợp được sức mạnh xung quanh mục đích dân tộc, lãnh thổ. Nhưng sau khi đạt được mục đích dân tộc, lãnh thổ thì do tín ngưỡng đa thần, hỗn tạp thiếu Đức tin chung nên lại mâu thuẫn, đổ vỡ. Chỉ có giai đoạn Lý - Trần, Việt Nam được coi là mạnh khi Phật giáo phát triển rộng và được coi là quốc giáo. Nhưng bản thân Phật giáo là một tôn giáo yếm thế, càng phát triển cao càng thu hẹp và mất động lực chiến đấu, nếu cố phát triển mở rộng thì sẽ bị biến tướng thành đa thần, tạp loạn do mất đi sự nhất quán vì ngược với tinh thần bản chất của đạo Phật (chưa có quốc gia nào lấy đạo Phật làm quốc giáo mà trở thành cường quốc) nên khi cương vực lãnh thổ mở rộng vào phía Nam, Phật giáo đã không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, việc mở rộng lãnh thổ rất vất vả và luôn song hành với chia rẽ, trì trệ, loạn lạc. Lý tưởng CS xuất hiện trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Tư tưởng triết học này thay thế cho tôn giáo tập trung được sức mạnh, thống nhất về mặt lãnh thổ nhưng không thống nhất được về mặt dân tộc, không giáo hóa được người dân, không tập hợp được sức mạnh lâu dài do nó có quá nhiều hạn chế và nó đã đang chết yểu trên thế giới.
Cũng là triết học nhưng lý tưởng khác với tôn giáo. Lý tưởng chỉ dành cho lãnh tụ và tầng lớp lãnh đạo. Còn với đông đảo quần chúng sau giai đoạn ban đầu hồ hởi đón nhận lý tưởng thông qua ngôn từ của lãnh đạo để đạt được mục đích cụ thể thì khi bình tĩnh lại cảm thấy khó hiểu, lúng túng với sự cao xa của lý tưởng và thậm chí không hiểu lý tưởng đó là gì. Nên xã hội sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng mất phương hướng, tự diễn biến. Để giải quyết vấn đề này thì lãnh tụ bắt đầu được thần thánh hóa. Không phải ngẫu nhiên mà ở những quốc gia không có tôn giáo chính thống hoặc đi theo con đường của CNCS đều xuất hiện tình trạng tôn thờ lãnh tụ, lãnh tụ nói thế này, lãnh tụ nói thế kia, sống và làm việc theo gương lãnh tụ. Đó là giải pháp mà chính phủ các quốc gia đó cần phải làm để "định tâm" xã hội, bù đắp cho khoảng trống "một vị thần". Nhưng giải pháp đó cũng chỉ là nhất thời do nó cũng có rất nhiều hạn chế không thể bền vững lâu dài.
Dù bất với cứ lý do nào thì muốn trở thành cường quốc, Việt Nam hiện nay cần phải có một tôn giáo đủ mạnh. Sẽ là rất sai lầm nếu như có sự mâu thuẫn tôn giáo trong một quốc gia. Nhưng để xác lập được tôn giáo chủ đạo thì cần phải làm rõ 2 vấn đề:
- Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì?
- Cái gì cần phải giữ, cái gì có thể thay đổi.
Rõ ràng được 2 vấn đề này thì sẽ không còn nhiều khoảng trống cho mâu thuẫn, tranh cãi tồn tại, những hạn chế lớn của quốc gia sẽ được giải quyết và phát triển nhanh chóng.