Đôi khi người ta phải chấp nhận hy sinh hàng chục vạn nhân mạng, hàng triệu triệu USD chỉ để cắm được một lá cờ lên một mô đất nào đó. Hoặc trong chiến tranh một lá cờ dựng thẳng có thể đảo ngược cục diện của trận đánh. Vì lá cờ tuy nhỏ bé nhưng khi dựng lên đúng lúc đúng chỗ nó có khả năng hấp dẫn và định hướng tâm thức của hàng triệu triệu con người. Vậy thì chắc chắn một tượng đài không chỉ có giá trị mang tính hình tượng.Xưa nay có một nguyên lý không bao giờ thay đổi là khi đứng ở trên cao thì dù một người bình thường vẫn có tầm nhìn xa hơn thiên tài ở dưới thấp. Vì vậy (trừ những trường hợp Vua Lợn, Vua Qủy) còn ngoài ra dù thế nào thì quan chức vẫn luôn là những người nắm nhiều thông tin nhất nên ở vị trí của mình họ luôn có tầm nhìn xa hơn dân thường, khi họ hành động tất phải có lý do chứ không phải vô thức. Vấn đề chỉ là phải xem xét hành động đó xuất phát từ động cơ nào, vì cá nhân hay tập thể, vì quốc gia hay lợi ích nhóm.
Tại thời điểm 2015 này khi tình hình trong và ngoài nước đang ẩn chứa đầy nguy cơ, ngân khố thiếu hụt, nợ công vẫn còn là ẩn số, dân trí và tính minh bạch đang được cải thiện thì liệu các quan chức một tỉnh nghèo như Sơn La có ngu đến mức tự nhiên vẽ ra một cái dự án lớn 1400 tỷ để hứng chịu áp lực soi xét của dư luận rồi đối mặt với những nguy cơ mất ghế, phạm pháp ? Cho dù đi lên bằng tài năng chân chính hay bằng bất cứ con đường nào trong hệ thống chính trị Việt Nam, để trở thành lãnh đạo một địa phương có thể không giỏi nhưng chắc chắn cũng không phải là dạng thiểu năng trí tuệ. Nhất định phải có lợi ích khác hấp dẫn hơn, xứng đáng hơn và hợp lý hơn lợi ích kinh tế để họ chấp nhận vượt qua dư luận mà đẻ ra cái dự án 1400 tỷ.
Vậy giá trị nào từ quần thể công trình tượng đài bác Hồ trị giá 1400 tỷ?
Tạm chưa nói chuyện Sơn La, hãy nói chuyện ở Triều Tiên trước, hiện nay Mỹ và Hàn Quốc đang rất muốn thay đổi chế độ chuyên chính ở Triều Tiên nhưng đã bao nhiêu năm trôi qua Triều Tiên vẫn tồn tại một chế độ "phong kiến hạt nhân" khác biệt với Mỹ với toàn thế giới cho dù có thể đời sống của người dân Triều Tiên nghèo đói, khổ cực. Chỉ có một lý do duy nhất để khiến gia tộc họ Kim tiếp tục duy trì được trật tự ở Triều Tiên, đó là do tâm thức của người dân Triều Tiên vẫn hướng về lãnh tụ của họ. Mặc dù vẫn luôn xuất hiện một vài sự chống đối nhưng về cơ bản hiện nay ở Triều Tiên gia tộc họ Kim vẫn duy trì được một quyền lực tuyệt đối. Vậy điều gì đã giúp họ làm được điều đó, bí mật nằm ở đâu? Liệu có phải do Triều Tiên làm tốt công tác tuyên truyền hay mang lại cho nhân dân Triều Tiên sự giàu có như Dubai. Từ góc độ phong thủy tôi nhận thấy cả hai lý do trên đều không đúng, cơ sở quyền lực của gia tộc họ Kim là biết cách in đậm hình ảnh của lãnh tụ trong tâm thức của mỗi người dân. Và để in đậm hình tượng lãnh tụ thì tuy là một nước nhỏ và nghèo nhưng các tượng đài, các biểu tượng của Triều Tiên thì đều có quy mô hàng đầu thế giới, từ tháp Chủ Thể đến tượng đài, quảng trường Kim Nhật Thành, Kim Jong Il đều rất vĩ mô. Các tượng đài, các công trình mang tính biểu tượng mới chính là bí mật quyền lực của gia tộc họ Kim ở Triều Tiên. Không phân biệt trẻ con hay quân nhân, chắc chắn ở Triều Tiên người dân cứ mở mắt ra là nhìn thấy lãnh tụ đè lên đầu, có khi là cả trong giấc mơ họ cũng mơ về lãnh tụ. Khi hình ảnh lãnh tụ xâm chiếm toàn bộ linh hồn và cơ thể thì người dân Triều Tiên chỉ có một dạng thức hành vi là thuần phục ý chí của lãnh tụ một cách ngoan ngoãn vô điều kiện như những con cừu gầy guộc cho dù bị xén hết lông. Chỉ khi nào hiểu được sự tương tác vô hình giữa môi trường và con người thì mới giải thích được những câu hỏi "Tại sao ?", giải thích được sự thuần phục của người dân Triều Tiên đối với gia tộc họ Kim. Một quốc gia có thể nhỏ nhưng nếu sức mạnh tập trung, thống nhất thì không có kẻ thù nào tiêu diệt được họ. Tuy nhiên đó cũng chính là điểm yếu chết người của Triều Tiên, vì xã hội Triều Tiên phát triển dựa trên "niềm tin" xoay quanh lãnh đạo nên dần dần những giá trị khác của quốc gia bị tiêu giảm. Triều Tiên hiện nay giống như cái cây được dựng thẳng chỉ bởi một cái rễ cọc "niềm tin", nếu cái rễ cọc này đứt thì gia tộc họ Kim sẽ sập. Bao nhiêu năm nay dù đã tìm mọi cách nhưng Mỹ và Hàn Quốc vẫn bế tắc đối với "bài toán Triều Tiên", nhưng nếu hiểu được những nguyên lý sâu hơn thì với thời thế hiện nay ở Triều Tiên, họ sẽ không phải tốn nhiều công phu mà chỉ cần tìm cách đánh sập những biểu tượng của gia tộc họ Kim thì chế độ "phong kiến hạt nhân" của Triều Tiên sẽ tự sụp đổ từ bên trong một cách nhanh không thể tưởng.
Nhiều tượng đài lớn thì đất suy, mà đất suy thì dân đói.
Biểu tượng không xấu, thông thường biểu tượng là sự mô phỏng những điều tốt đẹp và chính vì phù hợp với số đông nên nó mới trở thành biểu tượng. Và nó đã là công cụ để gìn giữ trí nhớ về các giá trị, gìn giữ sự ổn định xã hội. Từ thời nguyên thủy, với các hình thức rất sơ khai là "Totem giáo" cho đến các biểu tượng tín ngưỡng thần linh sau này tuy khác nhau nhưng đều chung một giá trị. Cho dù hiện nay xã hội loài người đã thay đổi rất nhiều so với thời mông muội nhưng có những nguyên lý thuộc về bản chất thì mãi mãi không thay đổi nên các biểu tượng vẫn có giá trị trong việc quản lý xã hội và nó đã được phát triển một cách tinh tế hơn với những hình thức mang đầy tính mỹ thuật, tính văn hóa. Còn xét từ góc độ phong thủy thì nó là những công cụ có giá trị trấn yểm mạnh khi được đặt đúng lúc, đúng chỗ. Có những biểu tượng chỉ tồn tại trong một cộng đồng nhất định nhưng cũng có những biểu tượng được cả thế giới công nhận, ví dụ như những nhà khoa học, những văn hào nổi tiếng...Từ góc độ phong thủy mà nhìn nhận thì sự phát triển của biểu tượng chính là nguyên lý "lấy âm giữ dương", sử dụng cái hữu hình (mô hình cụ thể) để quy tụ cái vô hình (tâm thức trừu tượng). Một tượng đài lớn được dựng lên thì cũng có nghĩa là một môi trường mới đã hình thành và một giá trị tốt đẹp của đa số được khẳng định thêm, một sức mạnh mới được quy tụ. Khi thời thế hỗn loạn, tâm thức của các cộng đồng càng bất ổn, càng mất niềm tin bao nhiêu thì việc xây biểu tượng càng có giá trị bấy nhiêu trong việc gìn giữ sự ổn định. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà các quyết định xây dựng tượng đài quy mô lớn được đưa ra trong thời kỳ biến động, và nó vô thức phản ánh năng lực quản trị xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời phản ánh vận khí của quốc gia đó đang ở giai đoạn nào.
Khác với chế độ phong kiến hạt nhân của Triều Tiên, hình tượng bác Hồ ở Việt Nam không chỉ là hiện thân cho những giá trị tốt đẹp của một thời đại, mà nó bao hàm những phẩm chất cao đẹp về trí tuệ, tinh thần dân tộc của cả quốc gia. Vì vậy thời điểm mà thời đại Hồ Chí Minh đang bị những người kế thừa làm cho lem luốc và Việt Nam đang phải đối mặt với đủ thứ nguy cơ rình rập, thì cần phục dựng lại các giá trị tốt đẹp để đoàn kết nội bộ, quy tụ sức mạnh. Việc xây dựng tượng đài bác Hồ là việc làm đúng đắn ở thời điểm hiện nay để gìn giữ xã hội, nhắc nhở hệ thống hướng về những giá trị tốt đẹp, đó không chỉ là nhu cầu sự tồn vong của chế độ mà còn là nhu cầu chung của dân tộc, vì chỉ có ổn định thì Việt Nam mới có cơ hội phát triển tiếp.
Tuy nhiên không có nghĩa là xây càng nhiều biểu tượng, càng nhiều tượng đài thì càng tốt, mà phải xem xét nó trong một môi trường, hoàn cảnh cụ thể. Việc gì thái quá đều bất cập. Sự phản ứng mạnh mẽ của người dân cũng là cơ sở để các nhà quản lý lấy làm tiêu chí để xem xét việc xây dựng đã phù hợp hay chưa. Bất cứ sự việc nào xảy ra đều là có sự hợp lý tất yếu. Sơn La hiện nay vẫn còn nghèo đói, trẻ con còn thất học, nợ công quốc gia đang mong manh thì một dự án với chi phí 1400 tỷ có phải là quá lớn so với đời sống của người dân? Cũng giống như việc trong ao mà không có bèo thì nước không trong, nhưng nếu nhiều bèo quá thì nước sẽ cạn khô, và khi nước cạn thì bèo cũng tự chết.
Đất cằn mà trồng cây to thì sớm muộn cây cũng sẽ héo chết
Không có gì là ngẫu nhiên, tất cả đều có sự hợp lý từ trong vô thức
"Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra". Dự án xây dựng quần thể tượng đài bác Hồ 1400 tỷ ở Sơn La có gì đó chưa hợp lý nên lòng người mới bị kích động đến vậy. Nếu đây là một chủ trương lớn của Nhà Nước thì lẽ ra Đảng ủy và các cơ quan chức năng của Sơn La phải nghiên cứu triển khai nó một cách nghiêm túc, thông tin phải thống nhất từ trên xuống dưới để phản ánh tầm quan trọng của sự việc. Nhưng rõ ràng trước các ý kiến phát biểu không khớp nhau của quan chức tỉnh Sơn La thì người dân hoàn toàn có lý do nghi ngờ về sự cẩu thả và tiêu cực trong dự án 1400 tỷ này. Nên minh bạch mọi thứ để giải tỏa những nghi ngờ của người dân, sau đó cho dù khó khăn thì vẫn nên triển khai dự án tượng bác Hồ ở Sơn La nhưng với quy mô và chi phí được điều chỉnh cho hợp lý hơn.