Vì sao công chức, quan chức hiện nay hay cố chấp, thích lộng quyền ?
- 16:33 - Thứ 4, 19/07/2017
-
Nhiều nguyên nhân khiến quan chức Việt Nam hay cố chấp, thích lộng quyền nhưng theo mình thì có 2 nguyên nhân chính:
1- Xuất phát điểm thấp (tài năng kém hoặc môi trường phát triển thấp).
2- Cơ chế "tạo" Quan không công khai, minh bạch.
Một trong những nhu cầu bậc cao của con người là thể hiện bản thân, được mọi người công nhận. Đã là người thì không ai không có, kể cả quan chức. Nhưng nếu người nào đã đạt được điều đó, đã được xã hội nhìn nhận thì nhu cầu đó sẽ giảm đi, ví dụ như với Warren Buffet hoặc với Billgate thì không nhất thiết phải thể hiện cho người khác biết mình giàu có vì điều đó ai cũng biết cả rồi. Hoặc với Anhxtanh với Newton cũng vậy, họ không có nhu cầu cần thể hiện sự thông minh, vì tài năng của họ đã được chứng minh và vốn dĩ ai cũng biết họ rất giỏi..và những người thực sự giỏi họ luôn nhận được sự tôn trọng từ mọi người trong xã hội nên nhu cầu thể hiện "cái tôi" hoặc "sĩ diện hão" bằng hình thức, bằng đồ trang sức, bằng quyền lực của họ là không lớn. Nên võ càng giỏi càng hiền từ, quyền càng cao càng nhã nhặn. Chỉ có những người bị thiếu hụt sự tôn trọng thì nhu cầu thể hiện mới lớn. Ví dụ những người thiếu thực tài mà phải đi lên bằng sự luồn cúi bị khinh thường thì mới cần có nhu cầu thể hiện sự giàu có, thể hiện quyền uy để bù đắp lại cho "cái tôi" của họ đã bị tổn thương trong quá khứ. Nên việc cố chấp, lộng quyền về bản chất sâu xa nó chỉ là phản ánh sự tổn thương về tâm lý do xuất phát điểm thấp dẫn đến nhu cầu cần chứng minh quyền lực để nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, của xã hội.
Và do hoàn cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam hiện nay một bước từ phong kiến, bị đô hộ đi "trực thăng lên XHCN", bỏ qua giai đoạn tích lũy tư bản, nên quan chức Việt Nam đa phần có xuất phát điểm thấp, từ vị thế nông dân chịu nhiều áp bức bởi giai cấp quan lại phong kiến và sự áp bức của thực dân đô hộ chỉ sau một thời kỳ làm cách mạng ngồi luôn vào ghế lãnh đạo nên họ chưa thể rũ bỏ (bác hoán) được quá khứ mà vẫn mang trong tiềm thức sự ức chế do bị áp bức. Nhu cầu trả thù giai cấp, trả thù dân tộc về hình thức tuy không rõ ràng nhưng cũng chưa mất đi. Điều này cũng góp phần giải thích cho những gì đã trải qua trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại. Và đến đến nay, phong kiến không còn, ngoại xâm đã bị đuổi nhưng sự tổn thương về tâm lý thì vẫn còn. Vì vậy một cách vô thức nhu cầu thể hiện quyền lực luôn xuất hiện khi có cơ hội.
Thứ 2, do cơ chế tạo Quan của chúng ta không đủ công khai minh bạch, mà dựa trên sự cơ cấu của tổ chức, của bè nhóm nên nhiều khi "hay không bằng hên" tài năng không so sánh được hậu duệ, quan hệ, tiền tệ và sự luồn cúi. Người trên đè người dưới, người dưới đè người dưới nữa, người dưới nữa đè dân chúng, cả hệ thống đè nhau, cả xã hội đè nhau, áp bức lẫn nhau và dẫn đến cả một xã hội bị tổn thương, cả một dân tộc bị khuyết tật về tâm lý. Nên khi có bất cứ ai có được quyền lực thì đều hình thành nhu cầu thể hiện quyền lực, đều mắc bệnh "sĩ hão" để bù đắp cho quá khứ bị cấp trên đè nén áp bức, bị khinh thường. Đó là lý do giải thích việc tại sao nhiều người có quyền lớn, được nhiều sự tôn trọng rồi nhưng vẫn chưa cảm thấy đủ mà vẫn lộng quyền, vẫn muốn thể hiện. Đa phần người Việt Nam đều như những cái lò xo bị dồn nén, khi có cơ hội là sẽ "bật lên" áp chế người khác để thể hiện quyền lực, thể hiện oai phong bù đắp cho sự tổn thương trong quá khứ và giải tỏa áp lực hiện tại, đánh hôi hoặc chửi tập thể là một minh chứng. Không phải ngẫu nhiên mà một ông Trung tướng quyền nghiêng thiên hạ lớn tiếng mắng chửi người khác chỉ vì bị làm phiền khi vi phạm pháp luật, việc lẽ ra xét về mặt lý trí với bản lĩnh và vị thế của ông ấy thì không đáng. Hay một bà Phó chủ tịch quận quyền to bằng cái thúng đỗ xe sai quy định bị người dân nhắc nhở nên tiếp thu thì lại cố chấp thách thức để thể hiện quyền lực của bà là lớn. Nếu họ, những người đó có tài năng được nhiều người tôn trọng, có môi trường quyền lực tốt công khai minh bạch, không phải "đội trên" thì tâm lý của họ sẽ điềm đạm, từ tốn chứ không cố chấp, không "đạp dưới". Có gì đảm bảo rằng Trung uý CSGT Nguyễn Văn Thành bị tướng Liêm đe dọa chửi mắng như vậy mà sau này có quyền lực sẽ quên chuyện cũ. Sự cố chấp sẽ khiến người ta sẵn sàng phạm nhiều tội lớn để bao che cho một sai sót nhỏ nên dần dần sẽ khiến cho cả hệ thống đang từ chỗ tôn nghiêm có nguy cơ trở thành một tập đoàn tội phạm.
Người ta sẽ có nhiều lý do để giải thích cho việc mình làm, nhưng tôi đã đọc ở đâu đó 1 đoạn đại ý như thế này:
"Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta lên kế hoạch cho mọi hành động của mình và rồi tự làm nó, nhưng thực tế thì trong tiềm thức đã định hướng trước chuyện muốn làm rồi nên khi chúng ta hành động thì đó chỉ là phản ánh lại tiềm thức bằng việc nghĩ rằng mình quyết định nó...và đánh lừa sự tồn tại của nhận thức. Hoặc đơn giản là để cho lý trí kể một câu chuyện thuyết phục bản thân, thuyết phục mọi người rằng chúng ta muốn làm điều đó, đó là kế hoạch của chúng ta..." Sự lộng quyền và cố chấp của quan chức hiện nay cũng vậy, nó không chỉ đơn giản là vấn đề của mỗi cá nhân đơn lẻ mà nó đã là tiềm thức của cả hệ thống. Ngay cả khi được rèn luyện trong môi trường kỷ luật quân đội như trung tướng Liêm cũng không rũ bỏ được. Trả thù vặt, luôn muốn thắng dân để thể hiện quyền lực cũng là minh chứng cho sự tổn thương về tâm lý luôn tồn tại trong tiềm thức của quan chức. Tiềm thức được hình thành từ môi trường. Nếu môi trường sống và cơ chế tạo quan không thay đổi thì yên tâm sẽ còn nhiều ông "trung tướng Liêm" và bà "phó chủ tịch quận Thanh Xuân" nữa. Và ai ngồi lên đó rồi cũng sẽ như vậy, chỉ khác nhau là đồng chí nào đã bị lên báo còn đồng chí nào may mắn chưa phát lộ. Nếu là một dân tộc mạnh thì nó sẽ mang được sự ức chế trong lòng trút lên đầu dân tộc khác để giải tỏa, kiểu như Nga ngố hiện nay chẳng hạn, nhưng còn đối với một dân tộc nhược tiểu không áp bức được thằng khác thì nó sẽ tìm cách đổ lên đầu nhau, rồi đến ngày tự suy yếu, diệt vong.