1. Không xác định rõ mục đích sử dụngMọi vấn đề, mọi giải pháp đều có hai mặt, tích cực và tiêu cực, nên khi quyết định phương án hoặc giải pháp cho một công trình thì cần phải xác định rõ mục đích sử dụng của công trình đó.
Ví dụ mục đích nhà để ở sẽ phải quy hoạch khác với nơi công sở, văn phòng kinh doanh; nơi kinh doanh hàng chợ sẽ khác với nơi kinh doanh hàng cao cấp; nơi công quyền sẽ khác với công ty tài chính. Vì nhà ở cần sức khỏe, gia đình, công ty kinh doanh ưu tiên nhiều tiền, nơi công sở ưu tiên quyền lực.
Khi thiết kế nơi công quyền cần sắp đặt đề cao sự tôn nghiêm, nơi kinh doanh cần ưu tiên những thiết kế năng động, nhộn nhịp. Có như vậy mới tránh được trường hợp: vấn đề cần ưu tiên thì không đạt được, vấn đề không ưu tiên thì lại dư thừa.
Nơi công quyền thì tạp loạn, nơi kinh doanh thì lại quá tôn nghiêm và khi đó tất nơi kinh doanh sẽ thua lỗ vì vắng khách, nơi công quyền sẽ đổ vỡ vì tiêu cực.
2. Không ưu tiên cái lớnHiện nay quan niệm về phong thủy trong cuộc sống đa phần chỉ quan tâm đến hướng phù hợp với tuổi và các biện pháp trấn yểm, mà không ưu tiên những nguyên tắc quan trọng hơn, như vị trí địa lý, hình thái tổng thể - “nhất vị nhị hướng”.
Ví dụ, cho dù nhân viên có ngồi xoay hướng tốt đến mấy thì cũng không bằng giám đốc ngồi hướng xấu trong phòng riêng; hoặc cũng là biệt thự nhưng biệt thự ở thành phố sẽ khác biệt thự ở nông thôn; hoặc hình thái trang trí mặt tiền hoặc mái nhọn tam giác luôn là sự lựa chọn cho đại đa số những cơ quan tư pháp, hành pháp như công an, tòa án; hình thái vuông vắn cân đối luôn là sự lựa chọn cho đền đài, nhà tưởng niệm, cho dù bất cứ xoay hướng nào.
Nếu ví phong thủy như một cái cây thì mỗi một yếu tố sẽ có vai trò khác nhau. Vị trí địa lý (môi trường - cảnh quan) là yếu tố quan trọng nhất, nó giống như gốc cây.
Hình thái công trình (thiết kế kiến trúc) là yếu tố quan trọng thứ 2, giống như thân của một cái cây.
Các hình thức trấn yểm (cách tổ chức bày trí đồ vật trong không gian) là yếu tố quan trọng thứ 3, có tác dụng điều chỉnh những giá trị của địa hình hoặc hình thái kiến trúc, giống như cành, nhánh của cây.
Phương hướng là yếu tố quan trọng thứ 4, cho biết tố chất đặc trưng tiềm tàng của một công trình trong một giai đoạn nhất định, giống như ngọn cây.
Vậy nên cho dù ngôi nhà hướng tốt hay hướng xấu thì ở trung tâm TP.HCM vẫn có giá hơn ở Kiên Giang, Bến Tre. Hoặc một tòa nhà văn phòng có vị trí địa lý đẹp, kiến trúc phù hợp thì dù xoay hướng nào, bày trí đồ đạc trấn yểm ra sao thì cũng vẫn sẽ phát triển. Giống như cái cây dù có ngọn cao hay ngọn thấp nó cũng vẫn sống khỏe, thậm chí sau khi gẫy mọc ngọn khác còn cao hơn nếu như có gốc rễ tốt, thân cành tốt.
Vì vậy đối với mỗi công trình hay vấn đề của từng cá nhân thì đều phải ưu tiên tiêu chí từ lớn đến nhỏ, từ tổng quan đến chi tiết, ưu tiên vị trí rồi mới đến phương hướng.
3. Không phân biệt đúng giữa phong thủy và những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh…Nhiều người đang nhầm lẫn giữa phong thủy và tâm linh, mê tín dị đoan như cúng bái, âm binh, bùa chú, đồng cốt hoặc ghán ghép phong thủy vào đủ thứ lĩnh vực không phải là ứng dụng của phong thủy như chọn sim số theo phong thủy, chọn tên theo phong thủy...
Hoặc hiểu sai về giá trị của phong thủy khi lưu truyền những tổng kết kiểu như “nhất mệnh, nhị vận, tam phong thủy, tứ phúc đức”, “mệnh ảnh hưởng 30%, vận 30%, phong thủy 30%”…
Và đặc biệt là bị cuốn theo những điều thần bí nên quên mất nguyên lý "chân lý luôn giản dị" thành ra không tin vào những điều đơn giản mà luôn bị hấp dẫn bởi sự thần bí, phức tạp, tốn kém.
4. Cố chấp theo một định hướngMột môi trường sống cũng như một con người, luôn thay đổi, chỉ có khác nhau về mức độ và thời gian.
Ví dụ với thế đất lớn như thành phố, thủ đô, đền đài miếu mạo thì sự bền vững có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm, còn với những thế đất nhỏ như công trình nhà ở thì có thể chỉ sau vài năm hoặc vài chục năm môi trường lại có sự biến đổi, tùy theo sự biến động của vỏ Trái đất hoặc môi trường xung quanh mà sự biến đổi đó có thể làm cho giá trị công trình xấu đi hoặc tốt hơn.
Ví dụ sự thịnh suy của một công trình có thể bị ảnh hưởng khi thay đổi nội thất trong nhà, hoặc nhà bên cạnh có sự thay đổi, đường giao thông phía trước mở rộng…
Mặc dù vậy nhiều người vẫn cho rằng một công trình chỉ cần thiết kế một lần là xong mà không hiểu rằng ngày hôm nay mô hình này tuy rất hợp nhưng một ngày nào đó có thể chỉ cần một sự thay đổi thì mọi việc sẽ khác.
Do cố chấp và không hiểu nguyên lý nên hệ quả là cả người sử dụng dịch vụ lẫn người cung cấp dịch vụ tư vấn phong thủy thường có tư duy nhất thời khi giải quyết vấn đề.
5. “Sùng ngoại” quá mứcNgười Việt Nam do môi trường sống hạn hẹp nên tư tưởng thường có xu hướng “hướng ngoại”, tôn sùng, coi trọng “hàng ngoại” mà quên là hàng ngoại thì cũng có năm bảy loại, có thứ rất tốt như hàng Nhật nhưng có thứ chất lượng cũng rất kém không bằng một phần của hàng trong nước như hàng gia công của Trung Quốc, thậm chí còn độc hại.
Trong lĩnh vực phong thủy cũng vậy. Các quy luật vận động không thuộc về bất cứ sự sở hữu nào, mà tồn tại khách quan, do đó bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào cũng có thể nhận biết được miễn là có năng lực.
6. Không hiểu đúng giá trị phong thủyHiện nay có nhiều người tin vào quyền năng của phong thủy và khi có điều kiện thường tham vấn ý kiến “thầy phong thủy” về những quyết định quan trọng liên quan đến sự nghiệp, cuộc sống. Thậm chí là đặt cược cả doanh nghiệp chung và sự nghiệp riêng vào những giải pháp của phong thủy.
Nhưng ngoại trừ một số ít thực sự hiểu giá trị của phong thủy, còn lại phần lớn chỉ là niềm tin cảm tính. Vì vậy dẫn đến việc ứng xử với các chuyên gia tư vấn phong thủy phần lớn là theo kiểu “tùy tâm”, hoặc nếu không được miễn phí thì càng rẻ càng tốt, điều này đi ngược với nguyên tắc “có thực mới vực được đạo” và “cái gì dễ có được thì cũng dễ bỏ” (vì dễ dàng có được giải pháp nên người ta cũng coi thường những giải pháp đó mà không thực hiện một cách nhanh chóng, triệt để).
Hệ quả là có thể phần lớn chất lượng các dịch vụ phong thủy được cung cấp cũng chỉ mang tính chất “tùy tâm”.
7. Đặt cược vào “phong thuỷ niềm tin”Kinh tế phát triển, xã hội đã hình thành nhu cầu sử dụng dịch vụ phong thủy giống như một trào lưu của xu hướng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Dẫn đến việc, ai cũng có thể gắn danh chuyên gia phong thủy miễn là làm cho người khác tin.
Nhiều người đã đặt cược cả sự nghiệp vào những lời khuyên của “thầy phong thủy” nhưng không hề có bất cứ cam kết gì về hiệu quả công việc, đúng sai đều mang tính may rủi, kiểu “phúc chủ, lộc thầy”. Người sử dụng dịch vụ dựa trên niềm tin, người cung cấp dịch vụ cũng dựa trên niềm tin nên không có sự cam kết trách nhiệm.
Hiện nay phong thủy tuy chưa được coi là một ngành nghề chính thống và có chế tài của pháp luật. Nhưng bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng nên có hợp đồng cam kết trách nhiệm, đó là biểu hiện của xã hội văn minh. Hợp đồng thỏa thuận sẽ hạn chế được những thiếu sót trong công việc, gắn kết trách nhiệm của các bên và đặc biệt là nâng cao tính chuyên nghiệp của hai chữ “phong thủy”, vì người tư vấn chỉ dám nhận việc khi thấy có thể làm được, còn nếu chỉ dựa vào sự may rủi thì sẽ không dám nhận.
Sự tồn tại của “phong thủy niềm tin” trong nhiều năm qua là một nghịch lý, vì một dịch vụ đắt đỏ và có giá trị ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của từng cá nhân nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung nhưng lại phát triển một cách tạp loạn, không phải nộp thuế và cũng không hề có bất cứ sự quản lý hay cam kết trách nhiệm nào.
Việc “phong thủy niềm tin” tham gia vào việc kiến tạo môi trường sống, môi trường làm việc đã khiến cho không chỉ cá nhân, gia đình đã phải trả giá, mà nhiều trường hợp hàng nghìn người chưa từng biết thế nào là phong thủy cũng đã bị ảnh hưởng liên đới khi lãnh đạo sai lầm do “phong thủy niềm tin”.
Nên, đã đến lúc cần phải nghiêm túc định dạng lại vấn đề phát triển của lĩnh vực phong thủy. Môi trường ra sao, con người sẽ như vậy. Nếu coi mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi một vùng quy hoạch là một bộ phận cơ thể của đất nước thì khi càng nhiều công trình xây dựng không hợp lý cũng có nghĩa là sự phát triển chung của đất nước sẽ còn bị kìm hãm.