Việt Nam nên hay không ăn Tết "gộp"?
- 12:49 - Thứ 2, 21/12/2015
-
Phố Khâm Thiên (Hà Nội) một ngày Tết cuối thập niên 1980 - Ảnh: Dương Minh Long.
Đó là một trong những quan điểm đáng chú ý của ông Kiều Quang Dũng, giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực khá đặc thù là… tư vấn phong thủy cho các doanh nghiệp, nhân cuộc trò chuyện với BizLIVE khi những ngày xuân đang đến.
Trước hết là một câu hỏi mang tính cá nhân. Ông thường dành những ngày Tết vào việc gì, thăm họ hàng, đi du lịch hay vẫn làm việc như ngày thường?
Những ngày Tết tôi thường đưa gia đình về quê ăn giỗ, họp mặt gia đình, tảo mộ, đi chơi, thăm người thân và suy nghĩ về một vấn đề gì đó.
Dưới góc độ của một người nghiên cứu phong thủy, Tết mang những ý nghĩa với ông?
Với tôi, Tết là thời điểm điều hòa, chuyển đổi âm dương để định hình chu kỳ vận động, sản xuất của một năm.
Về tự nhiên, từ thời điểm Tết cái lạnh bớt dần, nhiệt độ ấm lên, âm dương hài hòa nên mưa xuân xuất hiện tạo cơ hội cho cây cối đâm chồi nẩy lộc.
Về con người, Tết cũng là thời điểm để điều hòa lại một số giá trị cơ bản, ví dụ như nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc, củng cố lại lễ nghĩa, đạo lý thông qua những hình thức như tụ họp gia đình, thăm viếng người thân, lễ tổ tiên, tảo mộ. Phân chia lại thu nhập, người có tiền thì tiêu tiền, người không có tiền thì có cơ hội kiếm tiền.
Tức là, một thời điểm quan trọng để nới lỏng về mặt vật chất và củng cố về mặt văn hóa, tinh thần tạo tiền đề phát triển cho những tháng còn lại trong một năm.
Để năm mới hanh thông, cách dọn dẹp, bài trí nhà ở dịp Tết cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
Dưới góc độ phong thủy thì để một năm mới hanh thông bạn nên sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng để khai thông tạp khí, tạo ra khoảng trống và sự thông thoáng để đón sinh khí tươi mới vào nhà, nếu nhà bí, hơi tối thì nên lắp thêm đèn, quạt thông gió, mở rộng cửa sổ, cắm thêm hoa tươi trong nhà, tránh đặt gương lớn đối viện với cửa.
Sự thay đổi đó sẽ giúp cho sức khỏe tốt lên, tư duy sáng suốt mà tạo ra tài lộc cho năm mới hanh thông hơn. Cũng đừng nên kiêng quét rác ngày đầu năm, thậm chí ngày đầu năm càng phải giữ cho không gian thoáng sạch, tưới cây, rửa sân để đón khách, đón sinh khí tươi mới.
Thứ nữa là nếu bạn nào muốn cầu mong sự may mắn thì nên củng cố lễ nghĩa, thờ cúng tổ tiên bởi vì khi bạn thực hiện các hành vi đó cũng là khi ý thức của bạn đang kết nối với nguồn năng lượng quá khứ của những người có cùng huyết thống với bạn và có thể bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng từ đó theo nguyên lý “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.
Những việc này là những việc đơn giản và năm nào các bạn cũng làm, tuy nhiên năm nay nên có sự chăm chút hơn và sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nữa nếu như bạn duy trì được trong cả năm.
Tuy nhiên cần lưu ý là mọi việc nên đơn giản, không nên quá rườm rà hoặc sa đà vào mê tín dị đoan thì sẽ sinh ra hiệu ứng ngược lại.
Còn đối với nơi làm việc thì sao?
Đối với nơi làm việc thì cũng nên thu dọn đồ đạc, sắp xếp lại trang thiết bị, mở rộng các cửa vệ sinh thông thoáng, để đẩy hết tạp khí cũ ra ngoài đón khí mới vào, tăng thêm ánh sáng, trang trí hoa tươi, ánh sáng.
Ông có ủng hộ ghép Tết Dương lịch và Tết Âm lịch tại Việt Nam thành một, như đã có dư luận gần đây?
Về câu hỏi này thì tôi có thể nói chuyện với bạn cả ngày, nhưng trong phạm vi một cuộc phỏng vấn thì chỉ xin đưa ra vài ý kiến cơ bản như sau.
Thứ nhất, khi đặt ra vấn đề gộp Tết Âm lịch và Tết Dương lịch với nhau, người ta đặt ra những vấn đề về sự lãng phí, về sự cản trở hội nhập với thế giới, về năng suất lao động, về ý thức làm việc… Tựu chung lại, mục đích cuối cùng cũng chỉ là vì muốn có nhiều tiền hơn.
Nhưng trước tiên, phải nhìn nhận Tết Âm lịch là một di sản văn hóa và cũng là một phần bản sắc của dân tộc. Tết không chỉ là một sự kiện đơn lẻ mà nó còn định hình cả một cơ cấu lễ hội văn hóa đi kèm. Tết không đơn giản là vấn đề ngày nghỉ, là vấn đề tiền tài vật chất, mà là di sản, là bản sắc đã được gìn giữ qua rất nhiều thế hệ. Đây là điều mà chúng ta sẽ phải rất cân nhắc, lựa chọn, giữa giá trị của bản sắc văn hóa và tiền…
Thứ hai, trong giai đoạn kim tiền lên ngôi, các giá trị đạo đức, bản sắc, lễ nghĩa truyền thống ngày càng sa sút, các giá trị vật chất hiện đại đang xâm lấn làm cho tư tưởng của người dân ngày càng bất ổn định. Thì Tết Âm lịch hiện nay vừa là một sự khác biệt, lại vừa là một dịp rất quan trọng để người ta củng cố lại lễ nghĩa, củng cố lại truyền thống của dân tộc. Thế thì tại sao lại phải bỏ đi?
Cứ nhìn vào những giá trị văn hóa tinh thần của Việt Nam hiện nay xem còn cái gì là thuần khiết, từ âm nhạc, ẩm thực, văn thơ, phim ảnh, đến cả tôn giáo, tín ngưỡng cũng đang bị tạp loạn… Chỉ còn mỗi Tết Âm lịch là không cách gì lai được, vì Âm lịch không thể trộn lẫn với Dương lịch, cũng như mặt trăng và mặt trời là không thể giống nhau.
Và chính sự khác biệt đó là lý do càng khiến người dân Việt tưởng nhớ về quê hương đất nước tha thiết hơn, cho dù là đang ở bất cứ đâu trên thế giới, và đó là cách giữ gìn bản sắc tốt nhất, bền vững nhất.
Tôi cũng đọc một số ý kiến, cho rằng người Nhật đổi cách ăn Tết mà đâu có sao, và người Việt cũng có thể làm như vậy. Xin thưa, nghĩ như vậy là sai lầm, vì Nhật Bản khác Việt Nam ở chỗ xã hội Nhật Bản có luật lệ nghiêm minh hơn, đã có nhiều giá trị văn hóa rất thuần khiết, bền vững, ví dụ như từ ẩm thực cho đến tinh thần samurai của họ đều đạt đến một đạo lý như một tín ngưỡng, như một tôn giáo. Nên việc họ có thay đổi một trong nhiều giá trị truyền thống là Tết Âm lịch thì cũng không làm cho họ bị suy yếu hay hòa tan. Việt Nam mình có được như vậy hay không mà muốn gộp Tết?
Có hai giải pháp để giữ ổn định xã hội là dùng Lý (luật pháp) và Tình (tình cảm), nếu dùng được cả hai thì tốt nhất, còn không thì cũng không được để hỏng cả hai. Cái Lý của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập, vậy thì phải giữ cái Tình cho tốt, mà Tết là một túi Tình.
Hoặc nếu cho rằng đổi cách ăn Tết sẽ tách dần được sự ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc thì tôi nghĩ cũng không hợp lý, vì ăn Tết như thế nào, thời điểm nào là do điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất, chứ Tết Âm lịch không phải là bản quyền của Trung Quốc. Vì có điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất gần giống nhau ở quy mô lớn, nên văn hóa của Việt Nam và văn hóa của Trung Quốc có sự tương đồng và ảnh hưởng qua lại là vậy.
Còn nếu cho rằng lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến năng suất lao động do gần Tết tâm lý người dân không chú tâm vào công việc khi cận Tết thì cũng không hẳn đúng.
Năng suất lao động và sự mất tập trung là do ý thức bản chất của người Việt, đã được định hình từ môi trường sống, từ phương thức sản xuất chưa đạt đến sự chuyên nghiệp cao, và việc gộp Tết không thay đổi được điều đó. Cứ cho là gộp Tết thì nếu vẫn tiếp diễn phương thức sản xuất như hiện tại, môi trường sống như hiện nay, thì cứ cận Tết là tâm lý của người dân Việt Nam vẫn sẽ lại mất tập trung như bình thường.
Năng suất lao động, ý thức chống lãng phí, sự mất tập trung chỉ thay đổi khi cải thiện được môi trường sống, cải thiện được phương thức sản xuất tốt hơn. Muốn thay đổi môi trường sống, muốn thay đổi phương thức sản xuất thì phải có tiền, nhưng để có nhiều tiền thì có nhiều cách khác hiệu quả hơn đó là cơ cấu nền kinh tế, đó là cải cách thủ tục hành chính, là chống tham nhũng, đó là phát huy trí tuệ của người Việt… chứ không nhất thiết phải gộp Tết.
Việc gộp Tết có thể làm thay đổi cả một nền văn hóa, nên hiện tại cá nhân tôi không ủng hộ việc này. Hãy để nhu cầu tự thân của nhân dân quyết định, ít nhất cho đến khi đất nước có đại đa số người dân sống ở thành thị, có phương thức sản xuất chủ yếu là công nghiệp.
Có thể áp dụng những nguyên lý phong thuỷ trong việc dự báo những nét lớn của bức tranh kinh tế đất nước không thưa ông, và vì sao? Nếu có thể, ông vui lòng chia sẻ với bạn đọc BizLIVE một vài dự báo về kinh tế Việt Nam 2014 dưới góc nhìn của một người nghiên cứu phong thuỷ?
Hoàn toàn có thể áp dụng những nguyên lý phong thủy trong việc dự báo những nét lớn của bức tranh kinh tế đất nước.
Vì đơn giản là vạn vật đều liên thông với nhau, diễn biến cuộc sống, tư tưởng, hành vi của con người phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của điều kiện tự nhiên trên trái đất, sự vận động của các hành tinh trong vũ trụ theo nguyên lý mạnh chi phối yếu, sức người so với sức mạnh của thiên nhiên là rất nhỏ, nên dù đã cố gắng chế ngự nhưng đến nay về cơ bản tự nhiên vẫn đang quy định cuộc sống, phương thức sản xuất, văn hóa, hành vi của con người. Quan hệ hữu cơ giữa môi trường và con người là không thể tách rời.
“Địa động thì nhân ứng” xưa nay chưa bao giờ sai lệch. Nên từ những nguyên lý phong thủy chuyên nghiên cứu về đất đai, nhà cửa cũng có thể suy ra được những biến động về kinh tế xã hội.
Ví dụ, trong một bài viết trong ngày đầu năm 2014, tôi có chia sẻ với bạn đọc dự báo về cơ hội của một vài lĩnh vực cụ thể. Với thị trường chứng khoán, trong quý 1/2014 tuy thị trường lúc lên lúc xuống nhưng về cơ bản vẫn là tăng trưởng hơn so với năm 2013, và cơ hội của các nhà đầu tư là không nhỏ. Thị trường bất động sản thì ai cũng đoán được xu hướng của nó sẽ ra sao. Thị trường vàng thì năm nay sẽ có sự hồi phục tương đối, mặc dù vẫn là nằm trong xu hướng giảm giá lớn. Biến động tỷ giá có thể khó giữ được 2% như cam kết điều hành. Hệ thống tài chính ngân hàng mặc dù đã được âm thầm cải tổ từ mấy năm nay nhưng qua đánh giá một số trụ sở ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán thì mọi thứ có vẻ vẫn chỉ là bài toán tình thế chứ chưa tạo ra bước ngoặt có căn cơ chiều sâu. Vấn đề cần giải quyết vẫn còn lớn, và với hệ thống tài chính ngân hàng thì năm nay là tiền đề của một sự cải cách mới.
Nói chung, về cơ bản, năm 2014 nền kinh tế vẫn sẽ phải tiếp tục nới lỏng sở hữu không chỉ đối với các công ty mà đối với cả sở hữu bất động sản để có nguồn vốn chống đỡ với khó khăn. Vì vậy, tuy về cuối năm diễn biến kinh tế có phải đối mặt với nguy cơ gì, thì cũng vẫn là cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị.
Giáp Ngọ - 2014 - là năm hứa hẹn nhiều sự đổi thay bất ngờ, theo xu hướng “tiền cát hậu hung” nhưng theo tôi vẫn là năm có thể củng cố, thắt chặt về tinh thần, pháp luật nhưng nới lỏng, thậm chí có thể mạo hiểm về tiền tệ, vật chất.
TUỆ MINH