SÁNG TẠO VÀ KẾ THỪA LIÊN TỤC
- 21:27 - Thứ 3, 12/12/2017
-
SÁNG TẠO ĐỂ KHÔNG TỤT LÙI – KẾ THỪA LIÊN TỤC ĐỂ PHÁT TRIỂN LỚN MẠNH
----------*****-----------
1- NGUYÊN LÝ VÀ THỰC TIỄN
-“Nếu cộng đồng không được gắn kết bởi Đức tin, thì khi lợi ích kinh tế chung được thoả mãn mâu thuẫn sẽ nảy sinh”-
Vạn vật luôn vận động như một dòng chảy không ngừng nên nếu không sáng tạo thì sẽ tụt lùi, thoái hóa; không có sự kế thừa liên tục sẽ không phát triển lớn mạnh. Để sáng tạo được thì cần có một trong hai điều kiện, một là phải thường xuyên vận động giao lưu du nhập cái mới, cái hay từ bên ngoài (người Do Thái là một ví dụ) hoặc hai là phải có thể trạng cơ học tốt để tạo lực đẩy cho tinh thần sáng tạo (người Nga là điển hình). Nhưng nếu sự sáng tạo không được tích luỹ và kế thừa liên tục thì cũng giống như đựng nước bằng bình bị thủng đáy, không bao giờ đầy, sự sáng tạo sẽ tản mát rồi từ từ biến mất khỏi mặt đất chứ không thành hồ, thành biển. Bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào (thậm chí là đối với từng doanh nghiệp, từng cá nhân) nếu không có sự sáng tạo và kế thừa liên tục thì không bao giờ có được thành tựu to lớn hoặc đủ sức mạnh để trở thành dân tộc lãnh đạo, quốc gia lãnh đạo.
Muốn có sự kế thừa liên tục thì thành quả sáng tạo phải được gìn giữ, muốn gìn giữ được thì phải có khuôn hình chắc chắn, muốn có khuôn hình thì phải có sự gắn kết, muốn gắn kết được thì phải có chung lợi ích hoặc có chung niềm tin. Nếu một tổ chức, một quốc gia được gắn kết bởi cả lợi ích lẫn niềm tin thì đó là tổ chức mạnh, quốc gia mạnh.
- Một dân tộc mâu thuẫn là một dân tộc yếu, một dân tộc yếu sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược, can thiệp từ bên ngoài. Vòng luẩn quẩn của chiến tranh, xây rồi lại phá sẽ luôn đeo bám dân tộc đó -
“Sông có khúc, người có lúc”, vận mệnh của một quốc gia, một dân tộc cũng vậy, có lúc thăng lúc trầm nên nếu như nó không được gắn kết chặt chẽ thì khi gặp biến cố sẽ rã đám. Một phương cách đoàn kết xã hội để kế thừa sự sáng tạo hiệu quả nhất đã được nhiều cộng đồng trên thế giới gìn giữ phát triển là Đức tin tôn giáo. Tôn giáo chính là phát kiến vĩ đại nhất giúp loài người xa dần dã tính để tiến tới văn minh. Tôn giáo mạnh thì quốc gia mạnh, tôn giáo yếu thì quốc gia yếu. Những quốc gia mạnh trên thế giới có khoa học kỹ thuật phát triển cũng là những quốc gia có Đức tin tôn giáo mạnh. Dân Do Thái tuy hàng nghìn năm trong quá khứ phải ly tán, bị khinh bạc nhưng nhờ có đức tin tôn giáo gắn kết nên không những họ không đánh mất bản sắc hay tan rã mà còn trở thành một dân tộc có khả năng chi phối thế giới nhờ tích luỹ và kế thừa được túi khôn của thiên hạ trong hơn 2000 năm phiêu bạt. Nếu không có Do Thái giáo gắn kết người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới lại với nhau thì cũng sẽ không có dân tộc Do Thái như ngày hôm nay và túi khôn của thiên hạ cũng chỉ là nhiều mảnh vụn tản mát.
- Khi xã hội mâu thuẫn, suy thoái các quốc gia hữu thần thường tìm giải pháp để thay đổi chính trị từ bên trong, còn các quốc gia vô thần thường gây mâu thuẫn với bên ngoài để giải quyết mâu thuẫn bên trong -
Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia Châu Âu hoặc các quốc gia phát triển khác có nền tảng tôn giáo thống nhất cho dù dư thừa vật chất nhưng vẫn duy trì được văn minh và sự phát triển. Bởi vì ngoài việc được giáo dục trong nhà trường, điều chỉnh hành vi bằng pháp luật, con người còn luôn được bồi dưỡng hướng thiện thường xuyên liên tục hàng tuần hàng tháng ở nhà thờ nên Đức tin chung và các giá trị văn hóa có tính chuẩn mực được giữ vững. Vì vậy mà xã hội luôn có tính thống nhất cao, thuần hơn, lợi ích chung được coi trọng từ đó giảm áp lực quản trị của Nhà Nước, nguồn lực được dành cho phát triển văn minh nên đã mạnh lại càng mạnh hơn. Nhà thờ không tạo ra văn minh nhưng là cái gốc của văn minh Châu Âu. Do Thái Giáo không phải là sức mạnh của người Do Thái nhưng là nền tảng kết nối tạo ra sức mạnh của người Do Thái khắp thế giới.
Còn tất cả các quốc gia vô thần, không có tôn giáo chủ đạo thì cộng đồng chỉ được gắn kết với nhau bởi các giá trị về lợi ích kinh tế, lãnh thổ. Nhưng khi lợi ích kinh tế, lợi ích lãnh thổ được thỏa mãn, thì cũng là lúc mất đi mục tiêu chung, không còn đạo lý để gắn kết nên đều mâu thuẫn bởi chính những lợi ích về kinh tế. Bởi vì khi nghèo đói, thiếu thốn vật chất cộng đồng thường gắn kết do cần phải chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Còn khi vật chất gia tăng, lợi ích được thỏa mãn không cần chia xẻ, giúp đỡ, thì các cá nhân cũng không còn tìm thấy sự gắn kết chặt chẽ nào với cộng đồng nên kinh tế càng phát triển thì sự gắn kết càng giảm đi. Và khi không còn mục đích lớn là “chống xâm lược” để đoàn kết, phấn đấu, ý thức sẽ co lại tập trung vun vén cho lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm là nơi có nhiều điểm chung tạo được liên kết chặt chẽ hơn như quan hệ huyết thống, tín ngưỡng. Nhưng khi lợi ích của các nhóm nhỏ phình to còn tài nguyên và không gian sinh tồn không thể mở rộng do thiếu sức mạnh đoàn kết thì tất yếu sẽ xảy ra sự va đập về “cái tôi cá nhân” và xung đột về lợi ích kinh tế dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ lớn ngay trong nội bộ các quốc gia đó, dân tộc đó. Vì vậy dân hay Nhà nước có giàu quốc gia cũng không mạnh, thậm chí còn hao tổn, tan vỡ. Bởi vì ai cũng tư lợi nên thành ra vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Và không chỉ người dân chia rẽ mà thành phần lãnh đạo do không có Đức tin chung với số đông còn lại, chỉ gắn kết vì lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị nên khi lợi ích kinh tế được thỏa mãn, nắm được quyền lực sẽ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nhỏ mà coi nhẹ lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Sự mâu thuẫn nội tại của quốc gia đó, dân tộc đó vì vậy sẽ tỷ lệ thuận với sự gia tăng về vật chất. Điều này cũng giải thích cho việc tại sao ở các quốc gia hoặc những cộng đồng lớn có chung đức tin tôn giáo tuy luôn đề cao vai trò cá nhân, coi trọng vật chất nhưng con người dễ cảm thông, dễ tin tưởng, đoàn kết với nhau hơn và trong thời nào cũng có những cá nhân sẵn sàng hiến tặng toàn bộ tài sản hoặc cả đời hoạt động vì những giá trị của cộng đồng hoặc của chung nhân loại. Còn ở những quốc gia vô thần, hoặc những cộng đồng thiếu Đức tin chung thường đố kỵ, luôn đề phòng không tin tưởng nhau, thiếu trách nhiệm xã hội, nên khó tập hợp lực lượng, chỉ có thể đoàn kết khi nghèo khó và lãnh thổ bị xâm phạm. Nên mỗi khi nội bộ mâu thuẫn xã hội căng thẳng thì Nhà nước lại gây ra tranh chấp với láng giềng để có lý do đoàn kết. Đích đến cuối cùng của các cá nhân cũng chỉ dừng lại ở mức độ gia tộc hoặc địa phương cục bộ.
Và khi không có Đức tin chung để gìn giữ đạo đức cộng đồng vì một giá trị sống, mà đặt lợi ích kinh tế là mục đích cao nhất thì người ta sẽ làm mọi thứ vì tiền, vì lợi ích cá nhân nên xã hội càng trở nên xô bồ, bon chen. Dân tộc đó dù muốn hay không cũng sẽ bị lưu manh hóa từ trên xuống dưới.
-“Dân tộc không có huyền thoại, quốc gia không có tôn giáo chủ đạo thì cũng giống như người say, dễ dàng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, không đi theo đường thẳng được lâu nhưng lại luôn nghĩ mình tỉnh táo. Thậm chí giống như một đứa trẻ mồ côi”-
So với vũ trụ, con người vô cùng nhỏ bé, nên con người luôn cần thần thánh để cắt nghĩa cho những hiểu biết còn hạn hẹp của mình về thế giới vạn vật, cũng như kỳ vọng về sự tái sinh, bất tử. Vì tham vọng của loài người là vô cùng nên đau khổ cũng luôn song hành vô tận. Mà mỗi khi đau khổ thì luôn cần được xoa dịu và hy vọng ở những điều thần kỳ. Vì vậy nhu cầu về niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng siêu nhiên là nhu cầu rất tự nhiên cần phải có của một cộng đồng không bao giờ mất đi được. Từ thủa sơ khai trước khi có Nhà nước, trước khi có thể chế chính trị thì niềm tin vào thần thánh, siêu nhiên đã xuất hiện.
Chỉ khi nào loài người hết tham vọng, không còn muốn tái sinh, bất tử thì khi đó tôn giáo sẽ lụi tàn. Không chỉ thứ dân mà kể cả lãnh tụ hay nhà khoa học dù đã biết rõ về các vì sao thì vẫn có những thời điểm cần dựa vào "ông Trời", dựa vào thần thánh để đi. Cho dù người ta duy ý chí áp đặt lý tưởng chủ quan phủ định tôn giáo thì cuối cùng cũng không thể tiêu diệt được đức tin tôn giáo mà còn làm cho sự mâu thuẫn xã hội trở nên phức tạp.
- Ý thức sinh vật chất, vật chất quyết định ý thức - Cũng như dân chúng lập ra thể chế, thể chế quyết định cuộc sống người dân. Nên nếu dân chúng không có Đức tin đúng đắn thì kết quả là thể chế cũng chẳng ra gì.
Karl Marx đã hiểu sai hoặc người đời sau đã hiểu sai tư tưởng của Marx về quy luật vận động của xã hội loài người khi áp đặt tư tưởng “Vật chất quyết định ý thức” vào tổ chức xã hội. Bởi vì các quy luật thì vận động khách quan nhưng trong xã hội loài người vạn vật đều từ ý niệm của con người mà ra, nên trước khi vật chất quyết định ý thức thì ý thức đã quyết định “sinh ra” vật chất như thế nào. Ý thức mạnh thì vật chất nhiều, ý thức yếu thì vật chất kém, ý thức tích cực thì vật chất tích cực, ý thức tiêu cực thì vật chất tiêu cực. Vũ trụ tồn tại khách quan, nhưng ý thức hay vật chất là do con người định ra. Nên đối với xã hội loài người, nếu coi nhẹ vấn đề phát triển ý thức để định hướng thì vật chất cũng sẽ hỗn loạn. Con Người làm tất cả vì tiền nhưng tiền là do con người sinh ra nên con người cũng có thể quyết định sự tồn tại của tiền. Và con người sẵn sàng hy sinh thể xác vì đức tin, vì lý tưởng chứ không mấy ai tự nguyện hy sinh vì tiền, tức là ý thức đã làm thay đổi vật chất. Tư tưởng của Karl Marx chỉ hợp lý khi ý thức đã xác định được giới hạn giá trị của vật chất hoặc khi đặt thế giới con người trong sự vận động tương quan với tự nhiên, vũ trụ. 100 triệu USD và 1 khối vàng có thể làm thay đổi ý nghĩ, hành vi của nhiều người hiện đại nhưng với người ở rừng thì nó cũng chỉ như lá khô, đá cuội. Triết học của Marx cũng có đúng có sai và chỉ là một trong nhiều triết học của văn minh loài người chứ không phải duy nhất. Nên chỉ khi nào triết học, tôn giáo phù hợp với các quy luật vận động khách quan thì khi đó mới có giá trị dẫn dắt, còn ngược lại nó sẽ đưa con người đến chỗ bế tắc.
-“Khi hiểu thế giới vật chất sẽ thấy được giá trị của niềm tin tôn giáo. Thần thánh không có thật, nhưng Đức tin thì có thật nên thần thánh luôn hiện hữu”-
"Quan nhất thời, Dân vạn đại", triều đại nào rồi cũng qua đi, nhưng tôn giáo vẫn sẽ ở lại. Trí thức có thể sáng tạo nhưng nhân dân mới gìn giữ được sáng tạo. Trí thức có thể tôn thờ lý tưởng nọ, lý tưởng kia nhưng đại bộ phận nhân dân cần một tôn giáo đủ mạnh để đoàn kết gìn giữ sự sáng tạo làm nền tảng cho thế hệ sau kế thừa và tiếp tục sáng tạo. Những quốc gia xác lập được quốc giáo một cách chính thức thì quốc gia đó phát triển bền vững. Các quốc gia có tôn giáo gốc, nền tảng triết học sâu đều sẽ là những quốc gia gìn giữ được bản sắc và tạo được nhiều thành tựu văn minh. Và niềm tin tôn giáo là thứ phù hợp nhất để đoàn kết một cộng đồng. Trong mọi giai đoạn, hoàn cảnh, thần thánh đều có ý nghĩa.
- Sự tin tưởng là năng lượng cơ bản để vận hành xã hội loài người
Niềm tin chính là năng lượng cơ bản để xã hội loài người vận hành trơn tru, nếu không có niềm tin thì vật chất nhiều đến đâu cũng trở nên vô nghĩa, xã hội sẽ rối loạn. Người ta chỉ vào nhà hàng ăn uống khi tin rằng thức ăn không có thuốc độc, chỉ dám mua thực phẩm khi tin rằng rau không phun đẫm thuốc trừ sâu, chỉ ra đường khi tin rằng người đi sau không bị điên và sẽ đi đúng luật, chỉ gửi tiền vào ngân hàng khi tin rằng tiền không bị cướp, nếu không có niềm tin thì bố mẹ cũng sẽ bỏ rơi con cái, loài người không tồn tại những thứ được gọi là bạn bè, vợ chồng, đồng chí...Không có niềm tin thì sẽ không có gì cả. Tất cả các xã hội giàu có, phát triển bền vững trên thế giới đều có 1 đặc điểm chung là tôn giáo phát triển khá thuần nhất, là nền móng của các quy chuẩn xã hội, khắp nơi đâu đâu cũng có nhà thờ tôn giáo gìn giữ niềm tin. Niềm tin không phải là tiền, nhưng nó là thứ năng lượng tạo ra nhiều tiền nhất. Điển hình là Thụy Sỹ, một quốc gia nhỏ bé không có tài nguyên gì đáng kể nhưng lại là quốc gia giàu có bậc nhất, hấp dẫn được các dòng tiền lớn trên thế giới đổ về cũng chỉ vì người Thụy Sỹ trong nhiều thế kỷ đã bán được niềm tin về chữ Tín cho cả thế giới.
-“Đức tin khiến người ta có thể dễ đoán, dễ bị lừa gạt. Nhưng về lâu dài, những kẻ lừa gạt là những kẻ thất bại vì không thể đoàn kết với nhau để tập trung sức mạnh do trong lòng luôn phải đề phòng. Khi một xã hội không có Đức tin định hướng thì xã hội đó sẽ không giữ được chuẩn mực và dễ dàng đánh mất đi sự thành tín. Khi xã hội đánh mất sự thành tín thì quan chức sẽ tham nhũng, thương nhân sẽ sản xuất hàng giả, người dân sẽ trộm cướp, làng trên xóm dưới nơi nào cũng có tiểu nhân gian trá lừa gạt người khác và luôn có mâu thuẫn, tranh chấp. Nên xã hội không có đức tin là một xã hội yếu và sớm muộn nó sẽ bị chinh phục bởi sức mạnh đoàn kết và cảm thông của chính những người có đức tin mà trước đó nó đã lừa gạt” -
Tất cả các quốc gia vô thần, hoặc không có tôn giáo chủ đạo đều phải đối mặt với mâu thuẫn nội tại, tệ nạn gia tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển của kinh tế và đổ vỡ nhanh hơn so với các quốc gia có tôn giáo chính thống. Còn các quốc gia có tôn giáo chính thống là những quốc gia ít tiêu cực, ít mâu thuẫn hơn. Thực tế đã chứng minh, nước Mỹ có thể để toàn dân sở hữu súng đạn nhưng vẫn bền vững, thịnh vượng bởi vì nhà thờ Cơ Đốc giáo với một Thiên Chúa duy nhất hiện diện ở khắp nơi trên đất Mỹ đã giúp người Mỹ kiềm chế tiêu cực, định hướng con người sống tôn trọng chuẩn mực. Các quốc gia vô thần người dân không được sở hữu súng đạn nhưng đều nhược tiểu hoặc nhanh chóng sụp đổ mỗi khi thời thế có biến động. Bởi mỗi người dân là một tế bào của quốc gia, khi người dân không có nhiều năng lực phản kháng tức là tế bào yếu, và các tế bào yếu đó cũng không được gắn kết chặt chẽ bởi một Đức tin chung thì tức là cả quốc gia yếu.
- Trong mỗi người luôn tồn tại cả phần thiện và phần ác nhưng Tôn giáo luôn ươm mầm phần thiện, vì tôn giáo là đại diện cho sự cứu vớt. Tôn giáo giúp cho thế giới vật chất của loài người trở nên bớt thô cứng và nhân văn hơn - Và tôn giáo là bộ khung cho các quy chuẩn đạo đức ứng xử, khế ước xã hội và thậm chí là cả pháp luật.
Nếu không có tiêu chí thì khó phân định thế nào là đạo đức và luân lý, vì đạo đức chỉ là những chuẩn mực quy chiếu vô hình rất dễ thay đổi theo thời gian, theo cảm tính của một cộng đồng. Tôn giáo sẽ là bộ khung bền vững cho các chuẩn mực đạo đức ứng xử, khế ước xã hội và thậm chí là cả pháp luật. Không có tôn giáo đúng nghĩa thì đạo đức và luân lý sẽ bị tuỳ tiện diễn giải lung tung theo thời gian và sức mạnh của quyền lực. Điều đó khiến cho một cộng đồng luôn mâu thuẫn, tha hóa, suy đồi, một quốc gia không thể có sự kế thừa để phát triển lớn mạnh, vì kẻ sau sẽ phủ định thành tựu của kẻ trước vì tư tưởng và luân lý không giống nhau.
2- TÔN GIÁO VÀ LÃNH TỤ
-“Tôn giáo và sùng bái lãnh tụ đều là thuốc phiện của nhân dân, nhưng theo thời gian khi sự sáng tạo được tích lũy dân trí sẽ tăng lên và lúc đó người dân sẽ không còn bị mê muội thì tự nhiên thuốc phiện sẽ thành thuốc bổ, nhưng thần thánh có tính dài hạn hơn lãnh tụ” -
Pháp luật là bộ khung của lý trí để điều chỉnh hành vi. Đức tin là bộ khung tình cảm để điều chỉnh tư tưởng. Hai công cụ này giống như 2 chân đế nâng bước tiến hóa của xã hội loài người cũng như các quốc gia. Thần không có thật nhưng quốc gia "vô thần" giống như người cụt một chân, quốc gia sẽ không bền vững. Quốc gia đa thần, đa tôn giáo nhưng không có tôn giáo chủ đạo đạo (tôn giáo lớn chung cho đa số) thì cũng giống như người tàn tật, chân thấp chân cao, khó tập trung được sức mạnh, yếu đuối.
- “Đức tin định hướng cho hành vi, thần thánh quy tụ đức tin. Giống như kim chỉ Nam, nếu không có đức tin rõ ràng thì hành vi của con người không có chuẩn mực, dễ mất tập trung, lan man, chệch hướng, lãng phí năng lượng. Nếu không có thần thánh thì cũng khó quy tụ đức tin” –
Nếu chỉ có mỗi đức tin thì sẽ chung chung, trừu tượng, khó quy tụ nên cần phải có hình tượng cụ thể để quy tụ đức tin vô hình và trả lời cho câu hỏi đức tin từ đâu ra, vì sao tin? Và thần thánh được cụ thể hoá để định tâm cho đức tin. Nên thần thánh chính là gốc của đức tin. Trong khi xã hội các quốc gia phát triển có tôn giáo chủ đạo với đức tin và thần thánh rõ ràng để đoàn kết xã hội, định hướng vật chất thì các quốc gia vô thần phải vẽ ra lý tưởng và thần thánh hóa lãnh tụ thay thế cho đức tin tôn giáo, để “định tâm” xã hội. Nhưng giải pháp đó có nhiều hạn chế nên không thể bền vững lâu dài.
Không phải ngẫu nhiên mà ở những quốc gia không có tôn giáo chính thống hoặc đi theo con đường của Chủ Nghĩa Cộng Sản đều xuất hiện tình trạng tôn thờ lãnh tụ, lãnh tụ nói thế này, lãnh tụ nói thế kia, sống và làm việc theo gương lãnh tụ. Đó là giải pháp mà chính phủ các quốc gia đó cần phải làm để "định tâm" xã hội, bù đắp khoảng trống của "một vị thần". Nhưng cái hữu hạn, ngắn hạn không thể thay thế cho cái siêu nhiên, vô hạn.
Lý tưởng khác với Đức tin. Lý tưởng gắn với mô hình chính trị trong một giai đoạn nên niềm tin đó chỉ dành cho lãnh tụ và tầng lớp lãnh đạo. Còn với đông đảo quần chúng sau giai đoạn ban đầu hồ hởi đón nhận lý tưởng thông qua ngôn từ của lãnh đạo thì khi bình tĩnh lại cảm thấy khó hiểu, lúng túng với sự cao xa của lý tưởng và thậm chí không hiểu lý tưởng đó là gì. Nên xã hội sẽ dễ lâm vào tình trạng mất phương hướng, tự diễn biến. Và so với Đức tin thì lý tưởng là vô hình, còn Đức tin là hữu hình vì Đức tin luôn đi cùng với “thần thánh độ trì”. Quần chúng nhân dân trí tưởng tượng không đủ phong phú để hiểu được cái lý tưởng xa vời mà cái họ cần là sự vỗ về, là hình ảnh cụ thể của thần thánh siêu nhiên vừa gần vừa xa để neo đậu đức tin.
Hình tượng lãnh tụ cũng không thể thay thế cho hình tượng thần thánh của tôn giáo. Bởi vì lãnh tụ là người còn thần thánh là sản phẩm của con người. Lãnh tụ thường gắn liền với chính trị, mà chính trị thì đại diện cho lợi ích hạn hẹp của phe nhóm, của đấu tranh giai cấp nên không có tính bao trùm và chính trị thì luôn có đối kháng nên hình tượng của lãnh tụ không thể bền vững lâu dài. Đồng thời lãnh tụ là một hình ảnh quá gần với đời thực, quá cụ thể nên cũng có đúng có sai, có vĩ đại có méo mó nên không có tính thuyết phục cao để trở thành một biểu tượng kết dính cộng đồng một cách phổ quát và bền vững như hình tượng siêu nhiên cứu thế của thần thánh. Vì là sản phẩm của trí tưởng tượng siêu nhiên nên hình tượng của thần thánh có thể tùy ý định dạng trong đức tin chủ quan của con người mà không sợ bị thực tế phản biện. Và hữu thần hay vô thần đều có thể tàn bạo, nhưng có một thực tế là vì đại diện cho phe nhóm nên các lãnh tụ vô thần luôn gây ra cho dân tộc mình nhiều cái chết đau thương nhất, hậu quả còn thảm khốc hơn cả thiệt hại do kẻ thù từ bên ngoài gây ra. Bởi vì lãnh tụ vô thần là những kẻ có quyền lực chính trị lớn nhất, nhưng vô đạo không có “thần thánh” kiềm chế thì vô thức sẽ hình thành nên “quyền lực tuyệt đối”, mà quyền lực tuyệt đối thì “tha hóa” tuyệt đối, tội ác tất yếu sẽ diễn ra. Nhưng do họ là nhất, là số 1, là “tuyệt đối” nên họ thường không ý thức được thế nào là tội ác mà luôn biện minh rằng mình đang làm điều tốt.
- Thần thánh là gốc của đức tin tôn giáo, lãnh tụ là gốc của lý tưởng vô thần. Nhưng vì lãnh tụ có quá nhiều hạn chế nên gốc của lý tưởng không bền vững. Gốc không vững thì lý tưởng sẽ nhạt phai là tất yếu khách quan không cách nào ngăn cản được -
Đức tin tôn giáo và sùng bái lãnh tụ đều là thuốc phiện của nhân dân, nhưng theo thời gian khi sự sáng tạo được tích lũy dân trí sẽ tăng lên và người dân sẽ không còn bị mê muội thì tự nhiên thuốc phiện sẽ thành thuốc bổ, nhưng thần thánh sẽ có tính dài hạn hơn lãnh tụ. Ví dụ như Trung Quốc, họ dùng Cách Mạng Văn Hóa sùng bái Mao Trạch Đông để thống nhất về mặt tư tưởng, văn hoá, dọn đường cho Trung Quốc cải cách phát triển như ngày hôm nay. Tuy nhiên Mao Trạch Đông chỉ là đại diện của giai cấp và lợi ích nhóm chứ không thay thế được cho thần thánh có tính phổ quát. Nên chỉ sau một thời gian ngắn khi vật chất gia tăng thì các giá trị truyền thống của xã hội của Trung Quốc bị phá vỡ, kim tiền ngự trị, con người cũng tàn nhẫn, lừa gạt, luôn có hành vi phá cách, không tôn trọng chuẩn mực chung dẫn đến mâu thuẫn cũng trở nên gay gắt. Ngay thời điểm này hình tượng Mao Trạch Đông đã bắt đầu bị phủ định và còn tiếp tục bị phủ định. Sự phát triển của Trung Quốc cũng vì thế mà sẽ không duy trì được lâu, càng nhiều tiền, càng tăng trưởng thì càng nhanh ly tán, thanh trừng lẫn nhau do không còn điểm chung gắn kết về mặt tư tưởng. Người Trung Quốc luôn tự hào về văn hóa truyền thống nhưng khi kinh tế phát triển thì tỷ lệ người Trung Quốc mang tiền chạy ra nước ngoài định cư cũng lớn nhất thế giới. Nếu có điều gì hiện nay còn giữ cho người Trung Quốc dễ đồng thuận và gắn kết với nhau thì đó là “cái tôi” dân tộc muốn trả thù thế giới do trong lòng vẫn mang nỗi đau từng bị nhiều nước đô hộ và luôn bị coi thường.
Cách “định tâm” xã hội cũng vừa phản ánh nhưng đồng thời cũng vừa giới hạn tầm nhìn và tư duy của một quốc gia. Thay đổi Đức tin cũng là thay đổi tầm nhìn và tư duy của quốc gia đó. Kinh tế hay chính trị thì cũng bắt đầu từ con người mà ra nên gốc rễ của vấn đề phải là các phương cách điều chỉnh tư tưởng hành vi của con người còn các công cụ kinh tế chính trị chỉ là bề nổi.
Thần thánh hóa lãnh tụ cũng có nghĩa là giới hạn sự phát triển của quốc gia bởi vì hình ảnh lãnh tụ chỉ có ý nghĩa với những “bên thắng cuộc” nhưng sẽ tạo hàng rào ngăn cách đối với những bên còn lại. Không những vậy khi lãnh tụ chính trị được thần thánh hóa cũng dễ dẫn đến sự đồng nhất lẫn lộn giữa pháp luật và đạo đức cá nhân cảm tính nên xã hội sẽ thiếu minh bạch, pháp luật không công bằng, chuẩn mực đạo đức hỗn tạp.
- Một quốc gia phải được hiểu là thành quả mà nhiều thế hệ của cộng đồng đó xây dựng lên chứ không nên bao trùm dấu ấn cá nhân lãnh tụ vì nó sẽ bị bó hẹp thành triều đại của số ít người có liên quan với lãnh tụ rồi tự làm mất đi sức mạnh đoàn kết, mất đi không gian, mất đi nguồn lực để phát triển lớn mạnh -
Công lý là lý lẽ chung của đa số trong cộng đồng được đặt ra để điều chỉnh cuộc sống của cộng đồng. Nên đạo đức của cộng đồng chính là cái gốc của luật pháp, nếu như cái gốc hỗn tạp không có Đức tin định hướng thì sẽ không xây dựng được cái gì tử tế cả. Vì vậy cần phải có một Đức tin chung rồi Đức tin dẫn đường cho công lý chứ không phải đạo đức của cá nhân lãnh tụ. Chỉ khi đạo đức của cộng đồng và luật pháp có sự đồng điệu xã hội mới ít chiêu trò đối phó với nhau, ý thức tự giác tuân thủ quy ước đạo đức và pháp luật của các cá nhân được nâng cao, còn ngược lại thì sự chống đối và lưu manh hóa của xã hội sẽ không thể kiểm soát. Sự lưu manh của con người là vô cùng linh hoạt trong khi pháp luật luôn cứng nhắc và năng lực điều chỉnh của Nhà Nước rất hữu hạn thì tất yếu sẽ dẫn đến bế tắc, đổ vỡ không duy trì được sự kế thừa liên tục nên không thể hình thành những giá trị văn minh lớn.
- Niềm tin là gốc rễ của quốc gia thịnh vượng. Khi người dân tin vào chính quyền và tin tưởng lẫn nhau thì người dân sẽ tự giác, chính quyền sẽ vì người dân, khi đó dù muốn hay không quốc gia vẫn sẽ thịnh vượng. Đức tin tôn giáo minh bạch là phương cách đơn giản nhất để tạo dựng niềm tin chung cho một quốc gia -
Một xã hội có sự độc lập tương đối giữa tôn giáo và chính trị thì đó là xã hội bền vững bởi con người luôn được giữ ổn định trong các chuẩn mực. Và tôn giáo chủ đạo mới là phương thức đoàn kết dân tộc bền vững nhất chứ không phải lãnh tụ. Lãnh tụ có thể vô thần nhưng đông đảo quần chúng nhân dân cần phải có Thần vì đó là cái gốc của Đức tin. Khi chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân không có Đức tin chung thì xã hội luôn tồn tại hố sâu ngăn cách giữa tầng lớp cai trị và tầng lớp bị trị chứ không thể hiểu khác đi được. Sự phủ định lẫn nhau chỉ là vấn đề thời gian.
- Tôn giáo là phát kiến vĩ đại nhất giúp loài người xa dần dã tính để tiến tới văn minh. Tôn giáo mạnh thì quốc gia mạnh, tôn giáo yếu thì quốc gia yếu –
3- VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ TÔN GIÁO CHỦ ĐẠO
-“Đối với một quốc gia, đa thần là phá hoại, vô thần là bị đầu độc, chỉ khi có tôn giáo chủ đạo mới phát triển bền vững”-
Quốc gia đa thần là nguồn lực bị chia rẽ, giống như cỗ xe bị kéo về nhiều hướng sớm muộn cũng sẽ mâu thuẫn, ly tán. Còn quốc gia vô thần giống như người say điên cuồng, lạc lối. Chỉ khi xác định được tôn giáo chủ đạo, thuần nhất cho đa số thì quốc gia mới phát triển bền vững.
Việt Nam không có nền tảng triết học sâu, đa dân tộc, phải vay mượn các tư tưởng, các tôn giáo lớn từ bên ngoài nên tín ngưỡng đa thần, không có định hướng nhất quán, nên luôn thất thường từ thái cực này sang thái cực khác, mâu thuẫn, yếu đuối, chỉ đến khi bị xâm phạm về mặt lãnh thổ, bản năng sở hữu gắn kết vì lợi ích kinh tế chung được kích hoạt, xuất hiện lãnh tụ độc tài mới tập hợp được sức mạnh xung quanh mục đích dân tộc, lãnh thổ. Nhưng sau khi đạt được mục đích dân tộc, lãnh thổ thì do tín ngưỡng đa thần không có đức tin chung nên lại mâu thuẫn. Chỉ có giai đoạn Lý - Trần, Việt Nam được các sử gia coi là mạnh khi Phật giáo phát triển rộng và được coi là quốc giáo. Nhưng đó là khi Việt Nam chỉ là một cộng đồng nhỏ, được gắn kết với nhau bởi các giá trị khác chứ không phải đạo Phật, đạo Phật mở rộng thì cũng là lúc quốc gia suy yếu.
Tôn giáo là hiện diện cho Đức tin siêu nhiên, nhưng bản thân Phật giáo không thờ thần linh, thượng đế vì vậy không được coi là tôn giáo. Phật giáo cũng không phải triết học vì không hướng đến việc giải thích thế giới, tìm hiểu nguyên lý sâu xa của vạn vật. Còn khi được coi là tôn giáo thì là một tôn giáo yếm thế, định hướng rũ bỏ để giải thoát nên con người sẽ thu hẹp hành vi và mất động lực chiến đấu, không thể đoàn kết cộng đồng. Vì vậy khi càng phát triển mở rộng thì càng mất đi sự nhất quán do ngược với tinh thần bản chất ban đầu của đạo Phật, mà khi đã mất đi sự nhất quán thì sẽ phải biến hóa tạp loạn. Tạp loạn sẽ lại sinh mâu thuẫn, đổ vỡ. Chưa có quốc gia nào lấy đạo Phật làm quốc giáo mà trở thành cường quốc.
Vì vậy khi cương vực lãnh thổ mở rộng vào phía Nam, Phật giáo đã không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, việc mở rộng lãnh thổ rất vất vả, luôn song hành với chia rẽ, loạn lạc và cuối cùng bị nô dịch. Lý tưởng Cộng Sản xuất hiện trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Tư tưởng triết học này thay thế cho tôn giáo tập trung được sức mạnh, thống nhất về mặt lãnh thổ nhưng “vô thần”, không có gốc vững nên không thống nhất được về mặt ý thức dân tộc, không giáo hóa được người dân, không tập hợp được sức mạnh lâu dài và đi ngược quy luật khách quan khi chủ trương tập hợp người nghèo cưỡng đoạt tài sản của người giàu chia nhau để quân bình xã hội, triệt hạ trí thức để đưa giai cấp công - nông lên làm lãnh đạo, vì lợi ích giai cấp sẵn sàng phá vỡ các giá trị đạo đức và nhân văn truyền thống.
Tục lệ thờ tổ tiên ông bà cũng vậy, chỉ giải quyết được vấn đề tâm thức cá nhân và tập thể nhỏ chứ không giải quyết được vấn đề phát triển quốc gia. Thậm chí chính là một nguyên nhân gây ra tình trạng mâu thuẫn, chiến tranh liên miên trên mảnh đất hình chữ S, vì tổ tiên của mỗi người, của mỗi tập thể, mỗi cộng đồng nhỏ là khác nhau. Tổ tiên của người Kinh khác tổ tiên của người Thái, tổ tiên của người Mường khác tổ tiên của người Khơ me, người H'mông, tổ tiên của họ Nguyễn khác tổ tiên của họ Trần, tổ tiên họ Kiều khác tổ tiên họ Lê, tổ tiên của Cộng Sản khác tổ tiên của Cộng Hòa....ban đầu các nhóm chung sống hòa bình với nhau, thậm chí liên kết để với nhau để phủ định nhóm khác nhưng khi thịnh vượng thì theo nguyên lý "lượng đổi chất đổi" sẽ tiếp tục tìm cách phủ định lẫn nhau, rồi khi mâu thuẫn suy yếu sẽ bị lực lượng khác từ bên ngoài nhẩy vào phủ định lại và cứ thế cho đến hôm nay, và mai sau.
-"Để đi được xa thì quan trọng là hướng đi, chứ không phải tốc độ. Nếu đi sai hướng, tốc độ cũng chẳng là gì. Để chắc chắn hướng đi có đúng hay không hãy soi rọi nó bằng các quy luật vận động khách quan”-
Tầm nhìn ngắn hạn của một thể chế thì chỉ cần nhiều tiền, nhiều vũ khí nhưng tầm nhìn trăm năm, nghìn năm của một dân tộc trường tồn, tầm nhìn của một Đế quốc thì phải sắp xếp lại Đức tin mới có thể tiến hóa được, còn không càng cố tăng trưởng sẽ càng mâu thuẫn, chia rẽ. Dân tộc không thể trường tồn, quốc gia không thể vững mạnh nếu không có phương cách dài hạn mà chỉ với những giải pháp kỹ thuật ngắn hạn như "đốt củi, nhóm lò", vì câu hỏi đặt ra là sẽ được bao lâu? Để giải quyết nạn tham nhũng tràn lan sẽ nảy sinh độc tài, nhưng có độc tài thì tất rồi sẽ thoái hóa, phá luật. Thoái hóa, phá luật lại sinh tham nhũng, tham nhũng lại cần có độc tài…một vòng luẩn quẩn ngắn hạn cho đến khi đổ vỡ. Gốc đã sai thì dù có loay hoay trên ngọn cũng chỉ là nhất thời chứ không thể cản được sự tụt lùi của một dân tộc đang dần bị lưu manh hóa bởi kim tiền, chính trị thì vô thần giả tạo, quần chúng thì đa thần hỗn tạp, mâu thuẫn, bạo lực, không có thành tín, thiếu hụt sự tử tế, dư thừa bệnh ung thư, ngổn ngang tai nạn giao thông. Lượng đổi thì chất đổi, nếu tích lũy nhiều thuốc súng, bệnh tật thì khi đủ lượng sẽ biến thành cát bụi. Chỉ khi nào tích lũy nhiều điều tốt đẹp thì khi đủ lượng mới thành hoa thơm quả ngọt. Một dân tộc thoái hóa, một quốc gia tụt lùi thì sẽ chỉ là kẻ ăn bám bị thế giới khinh thường và từng bước trở thành nô lệ.
Việt Nam, một quốc gia có lãnh thổ trải dài trên nhiều vùng địa hình phức tạp, khác nhau về văn hóa, phong tục, thậm chí cả ngôn ngữ, nếu chỉ gắn kết bằng pháp luật, chính trị trộn lẫn với đạo đức cảm tính của giai cấp lãnh đạo thì đó là một hạn chế lớn, không thể bền vững, không thể tiến xa. Vì pháp luật hay thể chế là những mô hình cứng nhắc mang tính lợi ích hạn hẹp chỉ phù hợp với một khoảng thời gian nhất định trong khi lịch sử thì luôn vận động không ngừng nên sẽ không có giá trị gắn kết dân tộc lâu dài.
Nước Mỹ là tập hợp của những người xa lạ, bị chia rẽ bởi nội chiến và tư bản hoang dã nhưng cuối cùng vẫn dàn xếp được một trật tự dân chủ dẫn đầu thế giới cũng bởi đa số có chung một Đức tin Thiên Chúa gắn kết. Nếu không có Đức tin để kế thừa liên tục mà cứ xây lại phá thì dù phát triển thế nào Việt nam cũng chỉ là con số 99 rồi lại quay đầu chứ không vượt lên được đẳng cấp nhiều con số. Tất cả những sự hợp lý, hay mô hình hợp lý của thế giới rất khó ứng dụng hiệu quả ở Việt Nam. Vì xã hội Việt Nam từ nguồn vốn vay mượn đã có nhiều thứ không hợp lý nên nó chỉ có thể dùng những cái không hợp lý, nhưng vì phủ định của phủ định là khẳng định nên nó vẫn tồn tại được. Tuy nhiên tồn tại khác với vượt lên. Trên một nền tảng bất hợp lý thì cho dù trong giai đoạn ngắn hạn nào đó có phát triển vươn lên thì cũng chỉ là phát triển so với chính nó chứ sẽ dễ dàng bị vượt qua và luôn ở đẳng cấp dưới so với dân tộc khác, quốc gia khác và không hòa được vào dòng chảy của thời đại để tiến hóa thành dân tộc mạnh. Mà khi không phải là dân tộc mạnh thì chúng ta sẽ còn nhiều niềm tự hào của kẻ yếu là những ngày lễ long trọng kỷ niệm chiến thắng quân xâm lược. Năm xưa triều đại Hồ Quý Ly nắm được quyền lực, có đội quân triệu người, vũ khí tiên tiến so với thời đại nhưng kết cục vẫn đưa đất nước đến chỗ bại vong cũng chỉ bởi vì không có chung niềm tin với người dân.
- “Người không có đường không thể đi xa, quốc gia không có tôn giáo chủ đạo không phát triển bền vững” -
Mặc dù hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng xét ra thì gần 100 năm qua, từ khi chúng ta du nhập chủ nghĩa vô thần, chưa khi nào đất nước thực sự thịnh vượng một cách trọn vẹn, những hạn chế cơ bản trong quá khứ từ thời “mang gươm đi mở cõi” vẫn còn đấy, sự cực đoan, mâu thuẫn về tư tưởng khiến Việt Nam nếu không phải đối mặt với ngoại xâm, nội chiến thì cũng đối mặt với nghèo đói khó khăn, còn khi có tiền thì lại đối mặt với đủ thứ tiêu cực. Nếu cho rằng Việt Nam chỉ phù hợp với CNCS vô thần là sai lầm, lý luận và thực tiễn đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có những lựa chọn tốt hơn.
- “Bất cứ điều gì cũng có thể thay đổi, chỉ có nhu cầu thay đổi của con người là không thay đổi” -
Bất cứ sự thay đổi nào cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng khi vạn vật vận động không ngừng thì không thay đổi chính là rủi ro lớn nhất. Thay đổi là một quá trình, và bất cứ sự thay đổi lớn nào đều dẫn đến những sự xáo trộn. Nhưng ngày hôm nay không thay đổi thì không có nghĩa ngày mai cũng không thay đổi. Bất cứ điều gì cũng có thể thay đổi, chỉ có nhu cầu thay đổi của con người là không thay đổi. Vì vậy nếu ngày hôm nay chưa thể thì hãy chuẩn bị cho trong tương lai. Lựa chọn một tôn giáo để thay đổi căn bản sức mạnh quốc gia có ý nghĩa hơn rất nhiều tàu to súng lớn hay GDP triệu đô, tỷ đô.
- Sức yếu thì thần cũng lung lay. Nâng cao tỷ lệ chế phẩm động vật trong bữa ăn để khỏe về thể lực; xác lập tôn giáo chủ đạo để mạnh về tinh thần thì sẽ trở thành dân tộc mạnh -
Để có thể sáng tạo và kiên định được với Đức tin của tôn giáo thì vấn đề thể trạng rất quan trọng. Sức yếu thì thần cũng lung lay. Người Việt thể trạng thấp, sức bền ngắn, không chịu được áp lực cao nên thái độ làm việc mang tính đối phó, cẩu thả, tư duy xã hội cũng thiếu chiều sâu, manh động, thiếu kiên định, không tuân thủ quy trình, thích đi tắt, đi cửa sau nên cũng chỉ giỏi sáng chế, đối phó chứ không giỏi sáng tạo, định hướng. Muốn tiến hóa phải có sự sáng tạo, nhưng muốn sáng tạo phải có thể lực, muốn có thể lực phải ăn nhiều thịt sữa. Trên thế giới này, tất cả các giống loài ăn nhiều thịt đều là những giống loài cai trị. Không có giống loài nào ăn nhiều rau cỏ mà có sức mạnh trở thành kẻ cai trị. Cần phải dịch chuyển dần tỷ trọng thức ăn có nguồn gốc động vật nhiều hơn để trở thành một dân tộc mạnh. Việc này cần thời gian để thích nghi, nhưng đó là con đường ngắn nhất để nâng cao đẳng cấp. Người da trắng, cụ thể là người gốc Châu Âu có thể sáng tạo ra được nhiều thành quả văn minh, tôn trọng và gìn giữ được tôn giáo của họ cũng là bởi vì thể lực của họ tốt. Thể lực tốt giúp cho con người có sức làm việc bền bỉ, có sự tự tin, ổn định về mặt tinh thần nên sức sáng tạo mạnh mẽ và kiên định với tôn giáo đã lựa chọn.
Tôn giáo và thể trạng dân tộc tuy không phải là chiến lược phát triển kinh tế, thành tựu văn minh, hay mô hình chính trị, cũng không phải tiền hay hỏa lực mạnh nhưng nó là tiền đề để tạo nền tảng sức mạnh, từ nền tảng đó mới nảy sinh sáng tạo, chiến lược, mô hình chính trị đúng đắn, tạo ra tiền, tạo ra công nghệ, tạo ra hỏa lực, hình thành nên thành tựu văn minh. Và khi một dân tộc mạnh, một quốc gia mạnh thì việc chính của nó là xây dựng các kế hoạch có tính toàn cầu để thống lĩnh dân tộc khác, còn khi một dân tộc yếu thì nó chỉ loanh quanh lo đối phó với mâu thuẫn và tự tiêu diệt chính mình. Cũng như người khỏe sẽ có cách làm khác với người yếu, loài sư tử, khi đi săn theo đàn thì chiến lược săn mồi sẽ khác với sư tử đi săn đơn độc. Đàn sư tử khỏe sẽ có chiến lược mở rộng lãnh thổ khác đàn sư tử yếu.
Ở những quốc gia, những cộng đồng có thể trạng tốt thì tôn giáo được hình thành tự nhiên từ thấp lên cao, nhưng đối với những quốc gia như Việt Nam, con đường ngắn nhất để đạt được thành tựu văn minh lớn là lãnh đạo phải lựa chọn cho quốc gia, cho dân tộc mình một tôn giáo mạnh, có giáo lý rõ ràng, thuần nhất, phù hợp với quy luật khách quan rồi từng bước định hình nó trở thành tôn giáo chủ đạo để giải quyết tận gốc vấn đề đoàn kết dân tộc.
Giải quyết được hạn chế của vấn đề thể trạng và tôn giáo thì cũng giống như định ra được cho dân tộc, cho quốc gia một bản quy hoạch lớn có tầm nhìn phát triển hàng nghìn năm mà không ai và không có thế lực nào ngăn cản được. Đồng thời sẽ giải quyết được tất cả những vấn nạn của một xã hội lúc nào cũng có nguy cơ mâu thuẫn, bất ổn trong ngắn hạn và dài hạn.
Sẽ là rất sai lầm nếu như có sự mâu thuẫn đa tôn giáo trong một quốc gia. Nhưng để xác lập được tôn giáo chủ đạo thì cần phải làm rõ 2 vấn đề:
- Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì?
- Cái gì cần phải giữ, cái gì có thể thay đổi?
Rõ ràng được 2 vấn đề này thì sẽ không còn nhiều khoảng trống cho mâu thuẫn, tranh cãi tồn tại, những hạn chế lớn của quốc gia sẽ được giải quyết và phát triển nhanh chóng.
Thánh nhân hay vĩ nhân cuối cùng cũng về với sông với biển, chỉ có di sản để lại cho con cháu, cho dân tộc, cho nhân loại và thế hệ mai sau mới thực sự vĩ đại.
Hà Nội, 12/2017
Kiều Quang Dũng