Hãy thay đổi khi còn có thể!
- 00:00 - Thứ 5, 03/12/2015
-
Để đảm bảo những sự thay đổi, cải tạo môi trường của con người là đúng đắn và có khả năng kiểm soát cao thì cần phải có một lý thuyết có thể lý giải được một cách thống nhất sự vận động của vạn vật, cũng như hiểu được cơ chế tương tác giữa môi trường và con người.
"Vạn vật đều có sự liên thông với nhau. Môi trường ra sao con người sẽ như vậy”.
Diễn biến cuộc sống, tư tưởng, hành vi của con người phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của tự nhiên trên trái đất theo nguyên lý mạnh chi phối yếu. Sức người so với sức mạnh của thiên nhiên là rất nhỏ nên dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay về cơ bản tự nhiên vẫn đang quy định cuộc sống, phương thức sản xuất, văn hóa, hành vi của con người. Ví dụ nơi nóng ẩm, địa hình không bằng phẳng nông nghiệp là phương thức sản xuất cơ bản; nơi ôn hòa hoặc địa hình bằng phẳng công nghiệp, đô thị mới có cơ hội phát triển mở rộng. Những sự kiện như động đất ở Nhật Bản năm 2011, hoặc cơn bão Haiyan vừa rồi ở Philippines đã cho thấy mặc dù khoa học kỹ thuật đã phát triển nhưng sự ảnh hưởng của môi trường đối với con người vẫn là yếu tố quyết định.
Trái đất lại chịu ảnh hưởng qua lại từ những vận động khác trong vũ trụ như Mặt trời, Mặt trăng, các vì sao, các tiểu hành tinh. Vì vậy ở tầm vĩ mô, không chỉ nhìn vào diễn biến của Trái đất mà có thể dựa vào sự vận động của các hành tinh bên ngoài Trái đất để dự báo cuộc sống, hành vi của con người. Không phải ngẫu nhiên mà khi thấy trăng có quầng thì biết sắp nắng hạn, còn trăng tán thì sẽ có mưa to. Hoặc khi sao chổi xuất hiện thì loạn lạc, chiến tranh bùng phát, nhật thực xuất hiện thì dễ thay đổi lãnh đạo. Khi nội lực của Trái đất suy giảm thì những hiện tượng sụt lún, động đất, hố tử thần sẽ diễn ra phổ biến,“địa động thì nhân ứng” nên hệ quả tiếp theo là hành vi, tư tưởng của con người cũng thay đổi, suy thoái kinh tế, thay đổi chính sách, tai nạn, dịch bệnh bùng phát nhiều…
Và ở mức độ nhỏ hơn có thể quan sát môi trường nhà ở, công sở để đánh giá về một cá nhân hoặc về một tổ chức; đánh giá sự thịnh suy của một doanh nghiệp hoặc cả nền kinh tế, xã hội.
Ví dụ nơi nhiều cửa thì dễ kiếm tiền nhưng cũng dễ mâu thuẫn, đổ vỡ; môi trường sạch sẽ thanh bình thì con người hòa ái, nơi nhộn nhịp thì bon chen, tệ nạn; nơi đất cao ráo vuông vắn thì quan chức hay ở, nền tảng tích lũy nhiều, nhưng cũng bảo thủ, trì trệ; nơi đất méo, đất nhọn thì táo bạo, đột phá, phát nhanh nhưng mặt trái là tranh chấp, pháp luật. Và mỗi khi thay đổi môi trường sống, môi trường làm việc thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân, của tập thể cũng như của cả xã hội nói chung.
Giai đoạn hiện nay do những thay đổi bất thường của vũ trụ, mặt trời cũng như môi trường tự nhiên trên Trái Đất nên dẫn đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia cũng như của cả thế giới nói chung cũng đang bước vào một giai đoạn biến động lớn. Nhiều mô hình, nhiều con người cũ đã không còn phù hợp, nhu cầu đòi hỏi phải có sự thay đổi với một trạng thái mới. Và việc điều chỉnh này phải được thực hiện từ gốc rễ là môi trường sống, môi trường làm việc chứ không phải chỉ điều chỉnh từ ngọn là điều chỉnh về con người. Vì môi trường ra sao, con người như vậy, nên nếu không có sự thay đổi, cải tạo về môi trường sống, môi trường làm việc mà chỉ có sự thay đổi về nhân sự thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn nhất thời chứ không mang tính căn cơ, dài hạn vì dù là ai thì rồi cuối cùng hệ thống cũng sẽ lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm do vẫn sống và làm việc trong môi trường cũ.
Việc cải tổ lại nhân sự ở một số công ty, cơ quan ban ngành hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy việc cải tổ sẽ bị nhiều khó khăn, hạn chế. Để thúc đẩy tốt công cuộc cải tổ, ngoài vấn đề về con người thì cũng cần ưu tiên cả vấn đề cải tạo môi trường làm việc cho tốt hơn. Nếu môi trường làm việc không được tốt mà chỉ có con người tốt thì cũng giống như chuyên gia đi du học nước ngoài làm cho công ty nước ngoài thì tốt nhưng cũng con người đó về làm cho công ty trong nước thì lại không phát huy được.
Tuy nhiên để đảm bảo những sự thay đổi, cải tạo môi trường của con người là đúng đắn và có khả năng kiểm soát cao thì cần phải có một lý thuyết có thể lý giải được một cách thống nhất sự vận động của vạn vật, cũng như hiểu được cơ chế tương tác giữa môi trường và con người.
Vạn vật chỉ có thể tương tác liên thông với nhau khi có chung một “gốc”. Và để giải thích được sự liên thông của vạn vật thì phải tìm ra được nguồn gốc khởi sinh của vạn vật. Văn minh phương Tây đang cố gắng tìm ra vật chất cơ bản hình thành nên vạn vật, hiện nay họ đã tìm ra “hạt của Chúa”, và thông qua việc nghiên cứu sự vận động của “hạt của Chúa” khoa học phương Tây hy vọng sẽ hiểu được sự vận động của vạn vật! nhưng nếu truy nguyên “Hạt của Chúa đã phải là hạt cuối cùng chưa? Và khởi đầu vạn vật từ đâu, nguyên lý vận động ra sao?” thì khoa học phương Tây sẽ không tìm được câu trả lời.
Cũng giống như phương Tây, triết học phương Đông cũng tìm cách giải thích thế giới một cách hợp lý, biện chứng nhất. Và từ hàng nghìn năm trước, học thuyết về “KHÍ” đã xuất hiện. Học thuyết về KHÍ chỉ ra rằng bản thể của vạn vật đều hình thành từ một dạng năng lượng giống nhau, từ vũ trụ, trái đất, con người, cho đến cỏ cây, đất đá, “ma quỷ”, “thần thánh”…năng lượng này được gọi là KHÍ. Hiểu được các quy luật vận động của KHÍ sẽ hiểu được diễn biến của vạn vật, và từ đó đưa ra các phương pháp ứng dụng. Một trong những ứng dụng điển hình từ Học thuyết về Khí là bộ môn Phong Thủy, một phương pháp điều chỉnh được sự tương tác hữu cơ giữa con người với môi trường để đạt được mục đích mong muốn.
(còn tiếp)