Có nên cứu BĐS hay không?
- 16:07 - Thứ 6, 04/12/2015
-
Hiện nay đang có 2 luồng ý kiến trái chiều đối với TT BĐS, một bên cho rằng cứ để BĐS chết; ý kiến còn lại thì cho rằng cần phải cứu BĐS.
Đã có nhiều bài viết, nhiều ý kiến của cả hai bên bảo vệ cho quan điểm của mình nên ở đây tôi sẽ không bàn nhiều, chỉ chốt lại những giá trị cốt lõi để làm cơ sở lý luận của 2 phía như sau:
- Ý kiến cho rằng cần phải cứu BĐS : cứu BĐS là cứu nền kinh tế, nếu để BĐS sụp đổ thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác đối với đời sống toàn dân.
- Ý kiến cho rằng nên để BĐS rơi tự do: Tiền của dân thì dùng để cứu dân, chứ ko nên dùng để cứu nhà giàu vì ngân hàng và BĐS là “đám bất lương” nguyên nhân gây ra những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. BĐS rơi tự do thì dân mới mua được nhà.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng:1- Ngân hàng hay BĐS đều là những mắt xích quan trọng của nền kinh tế, nếu 1 mắt xích nào đó bị đứt thì tức là cả nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng mà điều đó tức là toàn dân bị ảnh hưởng dù có ý định mua nhà hay không. Cho dù các chuyên gia hay ai đó có nói rằng BĐS chỉ chiếm một phần rất nhỏ của GDP nên BĐS chết cũng chẳng ảnh hưởng quá lớn thì điều đó không đáng tin, và Việt Nam nên học các nước khác cứ để BĐS chết là sai lầm. Vì sự phụ thuộc của nền kinh tế VN vào BĐS là quá lớn, thử nhìn lại xem ở VN ngoài việc múc tài nguyên ra bán thì ngành nghề nào tạo ra nhiều tăng trưởng nhất ngoài BĐS và các ngành liên quan. Một minh chứng điển hình cho điều đó là phần lớn các tỷ phú hoặc siêu tỷ phú giàu nhất của Việt Nam đều “từ đất” mà lên, mà muốn có 1 tỷ phú thì phải có hàng nghìn thậm chí hàng vạn người khác làm nền. Ở Mỹ hoặc các nước khác tỷ phú của họ xuất hiện đủ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, còn tỷ phú BĐS chỉ chiếm một phần và không phải là những tỷ phú giàu nhất, tức là nền kinh tế của họ có nhiều điểm tựa, nhiều thế mạnh, dù BĐS có chết nền kinh tế vẫn có thể đứng bằng những chân khác. Còn ở VN trong những năm gần đây sự phụ thuộc tăng trưởng quá lớn vào BĐS đang giống như nếu bạn vay ngân hàng 1 đô bạn là con nợ của ngân hàng nhưng nếu bạn vay được 1 triệu đô ngân hàng sẽ thành con nợ của bạn. Cho dù định hướng tương lai sẽ chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng sang những lĩnh vực khác nhưng tại thời điểm hiện nay và trong trung hạn khi chưa hình thành cơ cấu kinh tế mới mà để BĐS chết thì cũng giống như phúc chưa kịp hưởng họa đã đến nơi, hay chết trước giờ giải phóng. Vì vậy đối với nền kinh tế VN cho dù chuyển dịch cơ cấu sang phát triển nông nghiệp hay lâm nghiệp thì hiện tại cứu BĐS là việc tất yếu phải làm nếu như muốn giữ cho chính thể bền vững, giữ cho đời sống xã hội ổn định để từng bước làm quen với sự suy giảm mà không bị sốc gây hiệu ứng đổ vỡ.
2- Người ta cho rằng BĐS giảm tiếp thì người dân có cơ hội mua nhà nhưng sai lầm ở đây là quên đi việc BĐS đã và đang tạo ra rất nhiều việc làm, nhiều cơ hội giàu có cho nhiều người dân, kể từ khi BĐS suy giảm đến nay thì thu nhập của người dân cũng giảm theo tương ứng, thậm chí còn giảm hơn mức giảm của BĐS mà như vậy thì BĐS có giảm thế giảm nữa phần lớn người dân cũng không có cơ hội mua nhà. Và thực tế là doanh nghiệp BĐS có thể chết nhưng các ông chủ BĐS, những người nhiều đất đa phần dù có “chết” cũng vẫn giàu hơn nhiều người dân khác nên họ vẫn có thể thi gan được mà không cần bán rẻ BĐS.