Theo đánh giá của tôi thì chỉ đến tháng 5 âm lịch dưới áp lực của dư luận thế giới và đối mặt với những mâu thuẫn xã hội trong nước lan rộng Trung Quốc sẽ phải dời cái giàn khoan đi chỗ khác.- Ngày 20/8/2012: Thời điểm hiện nay, nếu Trung Quốc thực sự muốn có chiến tranh thì nó nhất định sẽ chọn Việt Nam để tấn công chứ không chọn Philippin hay Nhật Bản hoặc một nước nào khác.
- Ngày 27/8/2009 - Vấn đề Biển Đông và đường biên giới ăn cướp trên biển sẽ trở thành ngòi nổ quan trọng đẩy Trung Quốc tiến nhanh hơn vào quá trình suy yếu.
- Dự báo ngày 3/3/2010, khi có tin Trung Quốc đang hoàn thành lắp giáp cái giàn khoan 30.000 tấn: Khi cái giàn khoan này của bọn Phương Bắc đi vào hoạt động thì cũng có thể sẽ là giọtnước tràn ly khiến biển Đông nổi sóng lớn.
- Dự báo ngày: 18/10/2010 – Người như ông Tập Cận Bình lên nắm giữ chức vụ chủ chốt và có nhiều khả năng thay thế ông Hồ Cẩm Đào đang chứng tỏ thế lực quân đội hiếu chiến trong nội bộ Trung Quốc đang thắng thế (về thực tế thì hiện nay TQ cũng không có sự lựa chọn nào hợp lý hơn). Và người như ông Tập có khả năng xử lý tình huống tốt, chuộng thực tiễn, thích hành động nhưng bị hạn chế về tư duy trừu tượng với những chiến lược dài hạn nên ông này có thể rất thành công trong việc xử lý những vấn đề ở quy mô cấp tỉnh, thành phố và giải quyết được những vấn đề ngắn hạn của Trung Quốc nhưng sự cứng rắn và ngắn hạn về tư duy trừu tượng của ông này sẽ là sự mở đầu cho thời kỳ sụp đổ sự thịnh vượng của Trung Quốc.
- 6/3/2014: Năm 2014 không chỉ là bước ngoặt với Nga mà sẽ là năm tiền đề quyết định đến cục diện của thế giới những năm tiếp theo, và sẽ là năm Trung Quốc bắt buộc phải đẩy nhanh cải cách nội bộ, gia tăng sự lấn ép, chi phối láng giềng để củng cố nội lực trước khi bão đến, vì vậy nhiều khả năng biển Đông sẽ nhiều bão hơn. ---------------------------------------------------------------------------------
Với những gì đang diễn ra trong những ngày gần đây ở biển Đông thì có thể nói Trung Quốc đã hoàn toàn lộ rõ rã tâm muốn xâm lược và những dự báo của tôi ở trên đã rõ ràng.
Vậy thực sự họ Tập đang nghĩ gì?
1- Có biển Đông sẽ có quyền lực chi phối chính trị trong khu vực, có tài nguyên, có hàng hải, có căn cứ quân sự và chỉ có tiến xuống phía Nam mới đảm bảo có kết quả.
2- Về quân sự, Việt Nam là một nước nhỏ có tính độc lập cao, chính vì vậy không có sự lệ thuộc nhưng đồng thời cũng không có sự liên minh, đồng minh nên so với Trung Quốc hiện nay sức mạnh có sự chênh lệch lớn.
3- Việt Nam có đường bờ biển kéo dài gần như bao trọn toàn phần "đường lưỡi bò" và vùng biển Đông có nhiều đường giao thông quan trọng có thể khống chế tự do hàng hải của các nước Đông Nam Á cũng như các nước ở Đông Bắc Á. Chỉ cần tạo ra một cuộc chiến sau đó lấy lý do phong tỏa đường bờ biển của Việt Nam thì cũng đồng nghĩa với việc đồng thời xác lập luôn ranh giới của "đường lưỡi bò", nhân cơ hội chiếm luôn các đảo lớn trên biển Đông, tiện tay chiếm luôn cả Ba Bình xây dựng cứ điểm phòng thủ liên hoàn Hải Nam - Hoàng Sa - Trường Sa (đảo Ba Bình là đảo lớn nhất Trường Sa của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm giữ). Khi đã xác lập được ranh giới đường lưỡi bò và thiết lập được các tuyến phòng thủ quân sự thì có thể đảm bảo được an toàn về tuyến hàng hải quan trọng qua eo biển Malacca và chi phối các nước trong khu vực có liên quan, đồng thời cũng ngăn ngừa hạn chế được sự lấn át của Mỹ. Trung Quốc có diện tích đất liền lớn nhưng mặt tiền vươn ra biển thì không lớn vì gần như toàn bộ phía Đông Bắc Á đều đã có sự ảnh hưởng của Mỹ, Nhật, Hàn là những quốc gia mạnh. Vì vậy chỉ có xuôi xuống phía Nam thì mới đảm bảo có kết quả và có nhiều lợi ích tối ưu hơn cả về hàng hải, chính trị, giao thương, quân sự.
4- Có biển Đông sẽ tăng cường nguồn tài nguyên từ biển phục vụ cho kinh tế khi các nguồn tài nguyên mặt đất có nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.
5- Việt Nam tuy yếu nhưng so với những nước trong khu vực Đông Nam Á có liên quan đến "đường lưỡi bò" thì vẫn là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn, nhất là về mặt quân sự xưa nay luôn là khắc tinh của giặc phương Bắc khi muốn vươn xuống phía Nam, vậy nay nếu áp đặt được Việt Nam thì tự khắc các nước khác cũng phải chùn bước không dám mạnh mẽ phản đối vấn đề lãnh thổ lãnh hải của Trung Quốc.
6- Việt Nam và Trung Quốc hiện nay gần giống nhau về thể chế, tương đồng về xã hội, nhưng Việt Nam về kinh tế đang lệ thuộc khá nhiều vào giao thương với Trung Quốc, từ nguồn vốn đầu tư cho đến mậu dịch, hàng hóa nên có thể dùng đó là một mặt trận để ép Việt Nam phải nhượng bộ trên biển Đông khi cần.
7- Tại thời điểm hiện nay, trong 3 điều Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, Việt Nam đang đều có nhiều bất cập. Một quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài nhưng gặp thời suy thoái tất sẽ gian nan; bạn thân là Nga đang lún sâu vì Ucraina và Putin cần có Trung Quốc để giữ thế; các đồng chí khác thì cũng khó khăn, xa xôi không giúp được gì nhiều; Mỹ không dại gì can thiệp mà chỉ có thể quan ngại vì với Mỹ, Việt Nam hay Trung Quốc bị tổn thất thì đều tốt cả; các nước khác dù phản ứng thế nào thì cũng chỉ mang tính ngoại giao và đều có thể mua được bằng tiền vì nguyên tắc "không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh viễn". Vị trí địa lý hiểm yếu nhưng nhiều tranh chấp, nhiều sự nhòm ngó phá hoại, khó quản lý, chịu nhiều áp lực chi phối nhưng chưa thực sự tạo được cân bằng; Cải tổ đang dang dở, nhiều vấn đề về con người, xã hội bất cập đang có nguy cơ bùng phát. Biểu hiện rõ nét gần đây nhất là Hoàng Liên Sơn cháy 2 lần; ngày biến thành đêm ở một số tỉnh thành lớn; đến tháng 4 mà khí trời Hà Nội vẫn u ám không chuyển đổi được; dịch bệnh bùng phát, Hà Nội dịch sởi khiến hơn 100 trẻ em tử vong; Các vụ án lớn gây nhiều tranh cãi,...Những điều đó cho thấy lãnh đạo vẫn còn đang bế tắc về đường hướng, giải pháp; lòng người có nhiều phân tâm; nội lực suy yếu.
Vậy bây giờ Trung Quốc không nhân cơ hội lấn tới thì còn đợi đến bao giờ? Nếu muộn hơn thì có thể Việt Nam sẽ cải tổ thành công, mấy cái hợp đồng quân sự mua vũ khí hoàn tất thì liệu cơ hội cho Trung Quốc còn bao nhiêu %?
8- Về vấn đề nội bộ, hiện nay Trung Quốc cũng đang mạnh tay cải tổ, và việc này tất yếu dẫn đến sự mâu thuẫn, xáo trộn trong xã hội. Lại gặp ngay thời suy thoái nên càng khiến nhiều vấn đề bất cập, bạo loạn, mâu thuẫn xã hội bùng phát trên diện rộng và đang có nguy cơ gây đổ vỡ tiến trình cải tổ. Cần phải hướng mâu thuẫn ra bên ngoài để giảm nhiệt bên trong.
Vì vậy việc xâm chiếm biển Đông của Việt Nam giải quyết được rất nhiều vấn đề lợi ích của chính quyền Trung Quốc, nếu Việt Nam không dám đối đầu thì coi như là một thắng lợi để tiếp tục lấn tới. Còn nếu Việt Nam chấp nhận một cuộc chiến thì cũng nhân cơ hội mà dùng sức mạnh tổng lực nhanh chóng thiết lập "đường lưỡi bò".
- Điều gì khiến Trung Quốc phải bất ngờ?
1- Phản ứng của Việt Nam rất mạnh mẽ tuy không nổ súng để Trung Quốc có lý do phát động cuộc chiến toàn diện trên biển nhưng rất kiên định, đeo bám quyết liệt với mục đích giữ vững chủ quyền.
2- Phản ứng cứng rắn, quan điểm rõ ràng của Nhật Bản, một khắc tinh của Trung Quốc từ trước đến nay và luôn lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc cũng như đường lưỡi bò trên biển Đông. Sự cam kết tham gia bảo vệ tự do hàng hải và pháp luật quốc tế của Nhật Bản sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc quyết định nổ súng khi nghĩ đến kịch bản Việt Nam - Nhật Bản liên thủ trên biển Đông. Công nghệ Nhật Bản kết hợp với chiến thuật của Việt Nam thì nhất định Trung Quốc sẽ sa lầy. Cùng một lúc Trung Quốc sẽ phải đối mặt với 2 khắc tinh lớn, một nước xưa nay luôn đánh bại Trung Quốc mỗi khi định mon men xuống phía Nam, một nước luôn là kẻ thù xâm chiếm, nô dịch thành công Trung Quốc khi có cơ hội.
3- Năng lực ngoại giao và có thể có những thỏa thuận ngầm nào đó đã giúp cho Việt Nam nhận được sự đồng thuận của đông đảo dư luận thế giới tạo áp lực nên chính quyền Trung Quốc.
4- Khả năng kiểm soát xã hội của chính quyền Việt Nam rất tốt, thúc đẩy tinh thần dân tộc dâng cao nhưng vẫn khoanh vùng được vấn đề căng thẳng trên biển Đông không để ảnh hưởng quá tiêu cực đến các mặt kinh tế xã hội khác tạo cơ hội cho sự phá hoại từ bên trong.
5- Các công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc đã không thành công trong việc bóp méo sự việc để kích động người dân khi xuất hiện từ trong lòng xã hội Trung Quốc những phản biện đúng đắn. Có thể đa số dân Trung Quốc bề ngoài cố tình không hiểu sự phi nghĩa của chính quyền Bắc Kinh nhưng trong tư tưởng của họ thì đã có sự nhận thức và điều đó sẽ làm giảm động lực chiến đấu của hải quân Trung Quốc.
6- Vấn đề xâm chiếm trên biển Đông đã không tạo được sự chú ý cần thiết để làm giảm mâu thuẫn xã hội, bạo loạn vẫn đang lan rộng ở khắp Trung Quốc. Nếu sa lầy vào một cuộc chiến trên biển với Việt Nam có thể sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt vì bị "nội công, ngoại kích".
- Việt Nam nên làm gì?
1- Kiên định với mục tiêu giữ cho được chủ quyền biển đảo, đeo bám quyết liệt bằng các biện pháp nhưng tránh nổ súng, có thể trước mắt phải tiếp tục dùng khổ nhục kế, vì kẻ yếu nếu có thắng được kẻ mạnh là ở yếu tố bất ngờ, giờ cứ để cho Trung Quốc nó chủ quan trước đã, khi thực sự không nhẫn nhịn được nữa thì lúc đó là sẽ có chiến thắng.
2- Tiếp tục dùng các giải pháp ngoại giao, tuyên truyền để thế giới và dân Trung Quốc hiểu rõ tính phi nghĩa của chính quyền Bắc Kinh, từ đó sẽ tạo ra áp lực khiến Bắc Kinh phải chùn bước mà rút giàn khoan đi chỗ khác.
3- Cần phải có tuyên truyền, định hướng rõ ràng trong vấn đề bài trừ hàng Trung Quốc, người Trung Quốc, vì chúng ta phải nhìn vào một sự thật là hàng hóa Trung Quốc đang chiếm một tỷ lệ lớn trong các chợ, siêu thị ở Việt Nam, nếu ngay lập tức bài trừ nó quyết liệt sẽ gây đổ vỡ thương mại mà nhu cầu chưa quen được với sự suy giảm, sản xuất trong nước chưa bù đắp được thì tất yếu sẽ lại phải đối mặt với lạm phát với khủng hoảng. Còn đối với người Trung Quốc cũng vậy, đa phần họ sang Việt Nam vì mục đích kinh tế nên nếu sự tẩy chay quyết liệt sẽ gây mâu thuẫn lớn với nội bộ cả tỷ dân Trung Quốc càng khiến chính quyền Bắc Kinh bị kích động và thiệt hại cho người Việt ở Trung Quốc, gây bất ổn cho đời sống xã hội ở trong nước. Phải kiên quyết nhanh chóng bài trừ nó nhưng cần có lộ trình.
4- Triệt để thanh trừng những kẻ Việt gian phá hoại sự ổn định xã hội, kích động bạo loạn. Gia giảm, ân xá một số loại hình tội phạm về kinh tế, xã hội trong nước, cho họ cơ hội khắc phục hậu quả để huy động nhân lực, vật lực cho ngân sách cho quốc phòng, vì ở đời "làm người nếu không vì mình thì cũng sẽ vì người thân", nên nếu gia ân cho một người có thể cảm hóa cả một dòng họ, một tập thể. Vì án vẫn nằm ở hồ sơ, bắt lúc nào nên lúc đó nhưng nếu có thể làm giảm bớt mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, khoan thư sức dân, huy động được năng lực của doanh nhân, huy động được tiền bạc, tài sản đang cất giấu của quan chức tham nhũng hối lộ cho mục đích bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì cũng có thể xem xét. Là người Việt thì cho dù là tội phạm hay công dân ưu tú đều có tinh thần dân tộc cả.
5- Tiếp tục kiên định công cuộc cải tổ chính quyền, nhất là về vấn đề nhân sự lãnh đạo, kiện toàn về pháp luật, củng cố quân đội, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội vì bờ có mạnh thì biển mới tiến xa được.
6- Kiên nhẫn đeo bám vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nhưng không gây kích động để chờ đợi cơ hội. Vì nếu bây giờ có lấy lại được Trường Sa, Hoàng Sa từ tay Trung Quốc thì cũng lại phải đối mặt với đám Asean nhảy vào tranh chấp, phải có lực đủ mạnh mới có thể thu hồi và nắm giữ.
Kẻ địch chỉ đánh được mình khi mình yếu, nếu mình mạnh chúng sẽ phải lùi bước. Nên chỉ cần giữ phương án đấu tranh như hiện nay, thì theo đánh giá của tôi chỉ đến tháng 5 âm lịch dưới áp lực của dư luận thế giới và đối mặt với những mâu thuẫn xã hội trong nước lan rộng Trung Quốc sẽ phải dời cái giàn khoan đi chỗ khác.
(còn tiếp)