-------------------------------------------------------------------------------------------------
T.S Lê Thẩm Dương: Năm 2012 là năm của phòng thủ
Thứ 6, 25/05/2012, 16:02
Chúng ta đang nằm trong thế cờ rất khó “yếu mà lại có nguy cơ”, vì thế không phòng thủ mới là lạ. Doanh nghiệp hiện nay không biết phải “đánh” theo hướng nào, có khi đang “đánh võ say”.
Đó là quan điểm của T.S Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh-ĐH Ngân hàng TP.HCM trong buổi Hội thảo “Thấu hiểu môi trường kinh doanh & khơi dòng vốn cho doanh nghiệp trong khủng hoảng” do Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) và Khoa QTKD (HSB) – ĐHQGHN phối hợp tổ chức.
Có thể nói, trong tháng 4 vừa qua chính sách tiền tệ đã được nới lỏng ra khá nhiều, từ cho vay doanh nghiệp, cho vay cá nhân, thậm chí đầu cơ cũng cho vay. Giữa tháng 4, NHNN tuyên bố mở van tín dụng cho hầu hết các lĩnh vực, chỉ trong vòng 1 tháng lãi suất huy động đã hạ từ 14% xuống 12%, lãi suất cho vay cũng theo đó hạ xuống đáng kể, tuy nhiên, mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn khá cao.
Xét về mặt vĩ mô, các biện pháp áp dụng từ chính sách tài khóa, tiền tệ đang dần mở rộng hơn. Lãi suất chắc chắn sẽ hạ xuống, các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, từ việc giải quyết đầu ra cho lĩnh vực có lượng hàng tồn cao như xi măng, sắt thép bằng cách tăng đầu tư công,….
Theo T.S Dương, gần như các giải pháp nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong lúc khủng hoảng Nhà nước đều đã làm, thậm chí còn làm một cách trọn vẹn. Nhưng, vấn đề ở chỗ không phải là giải pháp mà nằm ở khâu thực hiện. Phóng viên có cuộc chia sẻ với T.S Lê Thẩm Dương.
Dòng vốn đang tắc ở chỗ nào, thưa ông?
Trước đây, doanh nghiệp nói là ngân hàng không cung ứng vốn cho họ, nhưng nay điều đó đã mở ra, trong khi đó thị trường tài chính, chứng khoán cũng không lo được nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đáp ứng vốn trên thị trường tài chính chỉ được khoảng 3%. Gần như, nguồn vốn hiện nay chỉ trông chờ vào ngân hàng.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng có lý trong việc cho vay, nếu doanh nghiệp không đạt chuẩn cho vay thì họ cũng không cho vay, còn một số doanh nghiệp đạt chuẩn thì họ lại không vay. Đây là một thực trạng đang diễn ra trên thị trường vốn.
Bây giờ chỉ còn một giải pháp, đó là cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nguyên nhân dẫn đến các ngân hàng không cho vay là hàng tồn kho tăng cao, nợ xấu cao. Chỉ còn cách là làm sao giải quyết được hàng tồn kho. Phải tháo được nút thắt này cho doanh nghiệp.
Để làm được việc này, Chính phủ đã và đang có những động thái đó là hỗ trợ doanh nghiệp bằng gói giảm và giãn thuế 29000 tỷ đồng, để cung cấp dòng tiền “tạm thời” chờ chính sách giảm lãi suất ngấm vào doanh nghiệp là vừa. Bởi chính sách hạ lãi suất có độ trễ nên trước khi ngấm được vào doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp có “cháo” ăn.
Như vậy, ở đây sẽ dần giải quyết hàng tồn kho để chờ cho lãi suất thấp ngấm vào nền kinh tế.
Ngoài ra, Nhà nước cũng dần giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng, và điều này cần phải làm triệt để, để các ngân hàng có cơ sở cho các doanh nghiệp vay. Chính vì thế, Nhà nước đang cho phép 14 ngân hàng đứng ra mua bán nợ, ngoài Bộ tài chính. Biện pháp này nhằm mục đích để “gỡ” đầu ngân hàng. Bây giờ chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước gỡ khó cho doanh nghiệp, còn hai bên vẫn cứ để nguyên thì cục diện sẽ rất “căng”.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã cho phép doanh nghiệp được giãn nợ, cơ cấu lại nợ, thậm chí là đảo nợ.
Biện pháp thì đã đưa ra rất nhiều, gần như đã hết các biện pháp nhưng vấn đề ở chỗ rất gay go đó là khâu thực hiện.
Tổng cầu nền kinh tế đang suy giảm mạnh, vậy kích cầu bằng cách nào để khơi thông dòng vốn?
“Trong bối cảnh khủng khoảng nền kinh tế toàn cầu, ở một số quốc gia Chính phủ bơm tiền cho dân để kích cầu, chẳng hạn như Hàn Quốc đã làm biện pháp này. Và đây được xem là biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên, còn ở Việt Nam nếu bơm tiền vào trong dân chúng, thì vì đặc điểm văn hóa dân lại không sử dụng tiền để đi mua hàng hóa mà lại “để dành”. Vì thế năm 2008, Việt Nam buộc phải kích cầu qua lãi suất, và chỉ có Việt Nam làm như vậy, nhưng điều này dễ sinh ra tiêu cực, thậm chí dòng tiền đó còn đến không đúng địa chỉ.” T.S Lê Thẩm Dương nói.
Chính phủ đã quyết định thông qua gói 29000 tỷ đồng, nhưng lại không dám đưa trực tiếp vào dân chúng thông qua miễn giảm thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, chúng ta không dám làm vì dân sẽ không mua.
Vì thế, gói 29000 tỷ đồng này được đưa thẳng vào doanh nghiệp bằng cách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp có điều kiện giảm giá hàng hóa, tăng tính thanh khoản của thị trường.
Bên cạnh đó, Nhà nước gián tiếp mua lại các sản phẩm đang có lượng hàng tồn tăng cao như xi măng, sắt thép bằng cách tăng chi tiêu công, đầu tư công, tăng giải ngân đầu tư cơ bản, những công trình nào cần triển khai phải triển khai nhanh. Khi đó sẽ mua được xi măng, sắt thép để tránh hàng tồn tăng cao.
Có thể nói, những biện pháp của Chính phủ được đưa ra thời gian qua là trọn vẹn. Những vấn đề là ở khâu thực hiện. Vấn đề ở đây là gói 29000 tỷ đồng đó đưa cho ai?
Vì thế, tác dụng của nó chỉ dừng lại ở động viên, thực chất của gói 29000 tỷ đồng thì trong đó chỉ có 9000 tỷ đồng được trực tiếp “cho”, còn đến 20000 tỷ đồng là hoãn chứ không “cho”.
Nhiều giải pháp được đưa ra như vậy, theo ông nền kinh tế sẽ có biên động như thế nào trong thời gian tới?
Quan điểm cá nhân của tôi khá lạc quan, nhưng kinh tế bên ngoài đang có tác động xấu đến Việt Nam. Kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, khủng hoảng tại Châu Âu chưa gỡ ra được. Vì thế, môi trường bên ngoài không thuận cho Việt Nam, đang chặn đầu tiêu dùng của Việt Nam, vốn nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Tình hình quốc tế vô cùng khó khăn như vậy, cho dù có lạc quan bao nhiêu đi nữa nhưng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang hết sức khó khăn, không có “cửa”, chưa có tia sáng nào rõ ràng.
Có một tia le lói là hạ thật nhanh lãi suất xuống nhưng một mình lãi suất thì không thể làm nên “mùa xuân” được. Về mặt lãi suất thì chắc chắn là sẽ tiếp tục hạ. Nhưng cái gay nhất hiện nay vẫn là vấn đề tiêu thụ, đầu ra, thành ra năm 2013 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn đó.
Nếu bây giờ chúng ta bơm tiền ra, thì chắc chắn nền kinh tế sẽ lại “sáng bừng” lên nhưng không ổn định, chúng ta sẽ lại rơi vào một chu kỳ lạm chống lạm phát mới. Bởi cái căn bản của nền kinh tế của mình thì vẫn chưa giải quyết được.
Chúng ta chưa đủ cơ sở luận để giải quyết cái căn bản, mà vẫn phải đối phó bằng chiến thuật, làm bài toán chiến thuật cho ổn song sẽ làm bài toán chiến lược.
Đó là “chặt” ngay 9 ngân hàng yếu, làm ngay tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, nhưng không có thời gian để làm, vì kinh tế đang khó khăn như này thì không làm được. Theo dự báo của tôi, kinh tế phải khoảng năm 2015 mới có thể phục hồi được.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Tất cả bây giờ còn lại là chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nào “khôn” thì sẽ sống. Để thích nghi thì năm nay là năm của phòng thủ, những tất cả mà phòng thủ thì lập tức GDP chắc chắn sẽ xuống vì doanh nghiệp phải bảo vệ bản thân họ, và đặc biệt là ngân hàng đang “thủ” tận cùng. Cho bên, hiện nay một không khí “thủ” của nền kinh tế đang diễn ra khá mạnh, kinh tế đang rơi vào trường hợp “yếu mà lại có nguy cơ”, thì doanh nghiệp không thủ mới là lạ.
Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay, giải quyết dòng vốn là giải quyết hàng tồn kho, nhưng dòng vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Tốt nhât, các doanh nghiệp hãy tự cứu mình, trông chờ vào sức mình, bằng cách bố trí lại vốn, có như vậy mới lưu thông được.
Doanh nghiệp đang sống trong môi trường vô cùng khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài, không biết “đánh” đâu là thắng, có khi “đánh võ say” lại thắng.
Xin cám ơn ông! Gia Hân (thực hiện)
Theo TTVN
------------------------------------------------------------------------------------------------------
Những dự báo của TS. Lê Thẩm Dương cũng rất hợp lý và có sự tương đồng với dự báo ngày 3/2/2010 của tôi khi phân tích Bản quy hoạch Thăng Long. Tương lai còn ở phía trước nhưng dù sao thì đây cũng là một minh chứng cho sự tương đồng giữa phong thủy và kinh tế học khi đạt đến giới hạn "chân lý chỉ có một" và "con đường nào cũng dẫn tới thành Rome". Tuy nhiên TS. Lê Thẩm Dương không nói rõ được là sự phục hồi này chỉ là sự phục hồi ở mức độ thấp, ổn định những sự biến động, định hình được trật tự mới mà công cuộc cải tổ đang thực hiện chứ không thể phục hồi được như trước khủng hoảng 2008.