Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ đi về đâu? (P2)
- 17:47 - Thứ 6, 04/12/2015
-
Đúng như nhận định trong bài trước, lấy lý do tiêu diệt IS, Mỹ đã "mượn đường phạt Quắc" tấn công hàng loạt nhà máy lọc dầu ở Syria, một đồng minh của Nga ở Trung Đông mà không gặp bất cứ cản trở nào lớn từ quốc tế, Syria và Nga. Nguy cơ Nga mất hẳn chỗ đứng ở Trung Đông khi chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad thân Nga bị lật đổ và thay thế bằng một chính quyền do Mỹ dựng lên chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tờ USA Today dẫn tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (USCC) cho hay, hôm 24/9, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tấn công vào 12 nhà máy lọc dầu ở miền Đông Syria đang bị Hồi giáo cực đoan kiểm soát.
Theo USCC, liên minh đã tiến hành 13 cuộc không kích trên bằng cách sử dụng kết hợp cả chiến đấu cơ và máy bay không người lái. Các mục tiêu bị tấn công bao gồm 12 nhà máy lọc dầu và một xe vận chuyển của IS nằm ở phía đông của Syria, gần thị trấn Al Mayadin, Al Hasakah và Abu Kamal.
|
Liên minh do Mỹ dẫn đầu đang liên tục tấn công vào các mục tiêu IS ở Syria và Iraq. |
Các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu trên được thực hiện khi nhiều nhà phân tích cho rằng, IS hoạt động tương tự như một tổ chức mafia, sử dụng tiền chuộc con tin từ các vụ bắt cóc, tra tấn và cướp bóc, cùng với buôn lậu dầu mỏ, để gây quỹ.
Tình báo Mỹ nhận định IS kiếm được ít nhất 1 triệu USD mỗi ngày từ bán dầu mỏ và các hoạt động phạm tội khác.
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice cho hay, theo các thông tin trên mạng xã hội, các cuộc không kích trên đã tiêu diệt được cả thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Khorasan, Muhsin al-Fadhli.
Bà Rice nói: "Chúng tôi vẫn chưa thể xác nhận được thông tin đó, nhưng chúng tôi đã nghe thấy thông tin trên trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng tôi sẽ xác minh lại”.
Ngoài ra, liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng tấn công vào nhiều vị trí khác của IS ở Iraq và Syria. Tuyên bố của USCC cho hay: "Quân đội Mỹ đã sử dụng kết hợp máy bay tấn công, máy bay ném bom và chiến đấu cơ để tiến hành 5 cuộc không kích vào hôm 23 và 24/9. Hai cuộc không kích ở phía tây Baghdad đã phá hủy hai xe vũ trang và một kho vũ khí của IS. Hai cuộc không kích phía đông nam Irbil đã phá hủy nhiều vị trí chiến đấu của IS. Cuộc không kích thứ năm đã phá hủy 8 xe của IS ở phía tây bắc Syria. Tất cả các máy bay đã ra khỏi khu vực tấn công một cách an toàn".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ USA Today (Nước Mỹ ngày nay), một tờ báo được xuất bản vào năm 1982, chủ sở hữu là Tập đoàn Gannett và được phân phối khắp nước Mỹ. Theo một số thông tin không chính thức, tờ báo này có tổng số lượng phát hành lớn nhất của báo Mỹ và lớn thứ hai trong hệ thống báo tiếng Anh.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)
-------------------------------------------------------------
Ba năm trước, khi Mỹ dọa không kích Syria, TT Nga Putin đã ngay lập tức điều mấy cái chiến hạm đến căn cứ quân sự Subic Nga thuê của Syria để thị uy giúp cho chính quyền tổng thống Bashar al-Assad đứng vững. Còn hiện nay khi còn đang ngập sâu trong đống rắc rối ở Ucraina, gấu Nga đành phải chấp nhận đứng mút tay nhìn sự mất mát mà không thể cứu vãn. Nga có thể vẫn còn chống đỡ được khủng hoảng trong nước nhưng xét trên bàn cờ lớn thì đã thua đậm. Đầu năm nay người ta còn tung hô TT Putin vì những hành động quyết đoán với Crưm, nhưng giờ đây nhiều người đã nhận ra rằng mất mát của người Nga còn lớn hơn nhiều cái giành được. Một Crưm bé nhỏ đã phải trả giá bằng một đồng minh thân thiết, sự cô lập quốc tế, nguy cơ khủng hoảng kinh tế xã hội, và một cuộc chiến dai dẳng chưa có hồi kết với Ucraina, cái giá không hề rẻ, thậm chí sẽ còn phải trả thêm. Người Mỹ đang chặt chân chặt tay của Nga, và liệu sau này lịch sử có cho rằng chỉ vì quán tính dân tộc và hào quang cá nhân quá lớn mà TT Putin đã không thể "khôi phục những phẩm giá vĩ đại của nước Nga" như bài phát biểu nhận chức tổng thống lần thứ 3.
Tuy nhiên sự mất mát của Nga ở Trung Đông cũng là một vận hội lớn cho Việt Nam, vì khi xác định không giữ được Syria thì nhất định Nga sẽ phải cố giữ cho được thị trường Châu Á - TBD, trong đó có đối tác truyền thống tin cậy là Việt Nam?. Nga sẽ phải tìm mọi cách thắt chặt mối liên kết với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Và vì vậy trong khi thế giới càng hỗn loạn thì thế đứng của Việt Nam càng an toàn khi cả thế giới đều cần đến Việt Nam. Nga cần, Trung Quốc cũng cần, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Asean đều muốn có sự hợp tác của Việt Nam để đối phó với nguy cơ. Thế kỷ 20 Việt Nam đã trở thành nơi giao tranh của các phe phái, giờ đây bàn cờ lịch sử thế giới đang dần xác lập lại thế cờ xưa, nhưng hy vọng sang thế kỷ 21 khi các nhà lãnh đạo kiên định với chính sách 3 không (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) chắc chắn sẽ là cơ hội để Việt Nam thịnh vượng. Đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định trong những năm tới quốc gia có đủ can đảm để tấn công quân sự Việt Nam mà không sợ bị "ám toán" thì chỉ có Mỹ, nhưng Mỹ không có lý do nào đáng kể để làm việc đó và họ cũng mới phải trả giá cách đây vài thập kỷ nên nguy cơ bị tấn công quân sự đối với Việt Nam là không có. Rắc rối lớn của Việt Nam cần phải quan tâm là sự quấy nhiễu gia tăng xuất phát từ Campchia.