Chứng nghiệm những dự báo về Tràng Tiền Plaza (2)
- 16:01 - Thứ 5, 03/12/2015
-
Những dự báo về Tràng Tiền Plaza đã có kết quả chứng nghiệm. Và cho dù người ta có nói hay như thế nào thì bài toán của Tràng Tiền Plaza cũng rất khó giải. Chỉ khi nào Tràng Tiền Plaza hạ cấp thì mới có hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.
Tràng Tiền Plaza đại hạ giá trước ngày tái cấu trúc
Vnexpress.net - Thứ tư, 30/7/2014 | 05:00 GMT+7
Giảm giá mạnh để xả hàng nhưng các gian hàng tại trung tâm mua sắm xa xỉ giữa thủ đô vẫn không hút khách. Đơn vị quản lý tại đây thừa nhận sẽ phải có nhiều thay đổi trong đợt tái cấu trúc tới đây.
Được coi là biểu tượng thương mại của Hà Nội hơn 100 năm qua, đầu tháng 4/2013, Tràng Tiền Plaza được mở cửa trở lại sau quá trình sửa chữa nâng cấp với chi phí khoảng 400 tỷ đồng. Với sự góp mặt của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, trung tâm thương mại này được định hướng phục vụ đối tượng khách hàng cao cấp, do có vị trí đắc địa tại trung tâm thủ đô.
Sau hơn một năm hoạt động, Tràng Tiền Plaza một lần nữa bước vào quá trình tái cấu trúc, một chương trình mà những người quản lý tại đây gọi với cái tên tiếng Anh - Renovation. Để chuẩn bị cho quá trình này (dự kiến bắt đầu từ 4/8), trong khoảng một tuần cuối tháng 7, các nhãn hàng tại đây đều tiến hành "xả kho". Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Nike, Mango, Gap, Versace… treo biển giảm giá tới 50%.
|
Sau hơn một năm hoạt động trở lại, định hướng vào phân khúc cao cấp, Tràng Tiền Plaza đang đứng trước nhiều thay đổi. Ảnh: Anh Quân |
Theo ghi nhận của VnExpress, dù đang trong đợt giảm giá mạnh, hầu hết cửa hàng của các thương hiệu lớn vẫn rất vắng khách. Nhiều người đến Tràng Tiền Plaza chỉ để chụp ảnh kỷ niệm, dạo bộ và tham quan, như trường hợp của chị Thanh Hà (quận Thanh Xuân). Tranh thủ thời tiết mát mẻ và cuối tuần, chị Hà đưa cả gia đình lên Bờ Hồ, tiện thể ghé Tràng Tiền chơi, ít màng đến cuộc đua giảm giá tại trung tâm thương mại này.
Một chiếc túi hàng hiệu, giá tới 20 triệu đồng, thậm chí 60 triệu đồng là vượt quá khả năng chi trả của công chức như chị. “Ngay cả khi đã hạ giá 50% thì một chiếc túi cũng có giá cả tháng lương nên tôi không dám mua”, chị chia sẻ. Tại nhiều gian hàng quần áo, giày dép xa xỉ khác, giá sản phẩm dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, khó cân xứng với thu nhập trung bình khoảng 53 triệu đồng một năm của người Hà Nội.
Đông khách hơn một chút trong đợt giảm giá này là các cửa hàng mỹ phẩm trung cấp, cà phê và quán ăn nhẹ. Chị Tâm, một người mua cho hay, sau khi dạo quanh một vòng 4 tầng, cả gia đình chị ngồi quán giải khát để nghỉ ngơi. “Giá ở đây khoảng 87.000-100.000 đồng cho một món đồ uống nên tôi thấy chấp nhận được”, chị chia sẻ.
Năm 2012, Tràng Tiền Plaza đã được đầu tư hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa, thay đổi một số hạng mục, vật liệu, thiết bị trong tòa nhà. Không gian thoáng đãng, mát mẻ, kiến trúc đẹp và địa điểm gần Hồ Gươm là những lý do Tràng Tiền vẫn là điểm đến của nhiều người.
Cùng với định hướng vào các thương hiệu cao cấp, vị trí đắc địa cũng là nguyên nhân đẩy giá thuê mặt bằng tại đây lên mức cao. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, giá thuê mặt bằng thương mại tại Tràng Tiền Plaza khoảng trên 100 USD mỗi m2 một tháng, cao gần gấp 3 lần mức trung bình trên thị trường.
|
Dù giảm giá mạnh, phần lớn các thương hiệu tại đây vẫn vắng khách. Ảnh: Trần Tiến |
Chị Thu Mai, một người bán hàng tại thương hiệu thời trang cao cấp của Italy thừa nhận, những ngày thường trong tuần, Tràng Tiền Plaza rất vắng. Chỉ vào dịp cuối tuần, lễ tết, không khi mua sắm mới khá hơn. Song theo chị, những ai đã mua hàng ở đây đều “chi rất mạnh tay” cho các món đồ xa xỉ. Hóa đơn của khách hàng đạt "9 chữ số" (trên 100 triệu đồng) không phải chuyện hiếm. Bởi vậy, bên cạnh những cửa hàng khó khăn, vẫn có thương hiệu "sống khỏe".
“Khách hàng mua một bộ bàn ghế 150 triệu đồng, thông thường sẽ mua thêm nhiều đồ phụ kiện kèm theo nữa, nên các cửa hàng này vẫn sống ổn, mặc dù trông có vẻ rất vắng khách”, chị Mai chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền cho biết, sau một năm kinh doanh, các thương hiệu tại đây đã có thời gian để nhìn lại, tự điều chỉnh chiến lược cho phù hợp hơn. Trước mắt, đợt đại hạ giá đang được thực hiện nằm trong chiến lược chung của các thương hiệu lớn trên toàn cầu. "Theo thường lệ, tháng 7 là mùa sale của hàng hiệu thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam", ông nói.
Đại diện này cũng cho hay, vòng đời của hàng hiệu có đặc thù cứ 6 tháng lại xuất xưởng mới một lần. Tháng đầu tiên và tháng thứ hai bán đúng giá, từ tháng thứ ba, thứ tư trở đi giảm 10-20%. Cứ thế tỷ lệ giảm tăng dần đến tháng thứ bảy để xả hàng cũ, sau đó mới nhập mới về cho mùa mua sắm tiếp theo.
Vị này khẳng định sau thời gian ngắn xả hàng, Tràng Tiền sẽ có nhiều điều chỉnh theo chiều hướng mở rộng đối tượng phục vụ, đa dạng phân khúc hàng hóa. "Nếu trước đây hàng hiệu cao cấp có xu hướng lấn lướt Tràng Tiền thì sau tái cấu trúc, chắc chắn sẽ có nhiều thương hiệu mới xuất hiện", vị này tiết lộ.
Trần Tiến - Trung Tín