Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - anh hùng vô đối!
- 15:41 - Thứ 5, 03/12/2015
-
"Tài sản lớn nhất tôi để lại cho con trai là cách mà người đời sẽ nói về tôi như thế nào". Nếu đem quan điểm đó của Hoàng đế Naponeon ở nước Pháp so sánh với những gì thế giới nói về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, một người được mệnh danh là "Vị tướng huyền thoại", thì có lẽ con cháu của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là những người đang được thừa hưởng một gia sản lớn nhất thế giới.
Những ngày gần đây không ít người đang bàn tán về việc hậu sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng việc đó nên nhìn nhận ra sao, đúng hay sai?
Nếu ví phong thủy như cái cây thì tổ sơn là gốc, tông sơn, phụ mẫu sơn là thân cành, khai oa kết huyệt là hoa quả thì phải hiểu rằng khi mạch đã kết thành huyệt như cái cây đã ra hoa kết quả ngọt thì tức là khí đã rất thanh thuần. Nhưng khi đã bác hoán từ thô trọc, xung sát thành huyệt thì tức là mạch khí cũng không còn sâu dầy như khi mạch còn đang chuyển. "Bản thể là nhất nguyên, tồn tại là nhị nguyên" nên vạn vật luôn có hai mặt, thanh đẹp thì dễ hỏng, thô nặng thì được bền lâu. Cũng giống như gốc cây có thể tồn tại vạn năm, thân cây, cành cây có thể tồn tại nghìn năm, nhưng hoa quả thì chỉ có thể tồn tại vài tháng, vài năm, vài chục năm hoặc giả lâu lắm cũng chỉ vài trăm năm. Nhất là trong giai đoạn này, vận khí đang suy, khắp nơi "hoa quả" đua nhau rụng và sẽ còn tiếp tục rụng nữa. Nên nếu chọn nơi đất đã thành cách thành huyệt thì linh khí liệu bền vững được bao nhiêu năm?.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giống như thánh nhân của nước Việt. Khi còn sống cụ đem vinh quang về cho dân tộc, khi cụ chết cụ cũng lại tạo ra sức mạnh gắn kết cho dân tộc. Người thường cống hiến đến hơi thở cuối cùng cũng đã có thể coi là ưu tú, còn cụ không chỉ dâng hiến cả cuộc đời cho dân tộc, mà kể cả sau khi thân xác chết rồi, linh hồn cụ vẫn tiếp tục đại nghiệp vì dân tộc đến cùng đến tận, bằng chứng là vào thời điểm khó khăn này gần như cả dân tộc đang tạm quên bớt âu lo, bức xúc để xích lại gần nhau bên di ảnh của cụ. Khi sống cụ không có đối thủ xứng tầm, khi chết cụ cũng không có người so sánh ngang bằng, vì cụ luôn là người chiến thắng trong các cuộc chiến và là người vĩ đại cuối cùng của thế hệ đầu tiên khai sáng thời đại Hồ Chí Minh nên cũng không còn ai để so sánh hơn cụ, để cản trở lòng người thể hiện tình yêu thương kính trọng đối với cụ. Cụ chọn thời điểm để về với tổ tiên hay non sông Việt Nam chọn cho cụ ?.
Vượt lên trên mọi lời ca ngợi, cuộc đời cụ là một sự trọn vẹn với dân với nước, kể cả những "nốt trầm xao xuyến" trong sự nghiệp cũng lại càng làm sáng tỏ thêm văn đức, nhân nghĩa của người đối với tổ quốc, với nhân dân. Giả như sự nghiệp và cuộc đời của cụ cứ thẳng băng, sáng chói như thanh kiếm thì liệu thiên hạ có hiểu rõ về nhân đức của cụ hơn là việc cụ "nhẫn" để đặt "cái tôi cá nhân" xuống chân nâng tổ quốc lên đầu. Nhân nghĩa của cụ không chỉ còn là khái niệm mà đã thấm sâu vào trong đất, trong nước để đi vào ý thức, vào máu huyết của những thế hệ chỉ biết chiến thắng Điện Biên như truyền thuyết. Đó là lý do để giải thích cho sự kính trọng của người đời với Đại Tướng chứ không có bộ máy truyền thông nào làm được điều này tốt hơn nhân đức của Người.
Những ngày này nhìn vào sự kính trọng cụ của đồng bào và thế giới mà tôi tự hỏi "Liệu các bác lãnh
đạo hiện nay đang nghĩ gì? Đã có người nào lấy di ảnh của cụ mà soi gương chưa? Bao giờ dân tộc Việt mới lại kết tinh được một người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp? ". Tôi nghiệm ra rằng, bất cứ dân tộc nào muốn tiến đến vinh quang thì phải xuất hiện những lãnh tụ xuất sắc không phấn đấu vì lợi ích cá nhân mà luôn coi việc phụng sự tổ quốc là "ý nghĩa suốt đời của tôi và nghĩa vụ của tôi là để phụng sự tổ quốc và nhân dân".
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng vô đối cho dù là khi sống hay khi chết - Và Đại tướng không còn chỉ là một thành phần của gia tộc họ Võ, mà là một phần sáng chói của lịch sử dân tộc, thân xác và linh hồn của cụ là kết tinh, là sự giao hòa của nhiều tầng cội rễ sâu trong lòng đất Việt, nên cụ sẽ sống cùng dải đất hình chữ S để làm ngọn hải đăng soi rọi cho cả dân tộc theo thời gian chứ không nên chỉ hạn hẹp trong một cuộc đất bằng manh chiếu xanh tốt vài chục năm của gia tộc họ Võ. Vì vậy các vị phong thủy gia đừng nên bàn về cách nọ, cục kia đối với danh nhân mà chỉ cần quan tâm đến cái gốc "âm - dương" là đủ. Và cũng đừng quên nguyên tắc "thiên - địa - nhân nhất thể", trời - đất và con người cùng bản thể nên luôn có sự tương ứng, tương hợp. Người có đức hạnh, tài trí cao sâu thì cho dù khi sống hay khi chết cũng sẽ có được nơi phù hợp, còn kẻ tài năng chưa tới, nhân đức không sâu thì dù học phong thủy trăm năm tầm nhìn cũng không quá manh chiếu ngắn hạn. Xưa nay danh nhân trường khí đều dầy và sát nên không ai ở nơi khí mỏng mà chỉ hợp chọn nơi đất cao, khí dầy mà cao dầy thì khí vẫn đang chuyển chưa kết huyệt nhưng sẽ trường tồn theo năm tháng. Có kiến thức phong thủy thì có thể nhìn hình đoán khí, nhưng khí sâu bao nhiêu, dầy bao nhiêu thì chỉ khi người - trời - đất "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" mới giao cảm được, mà điều này thì không có phương pháp nào hay phong thủy gia nào làm tốt hơn bản năng tự thân của người phù hợp, nhất là đối với những nơi địa hình hiểm yếu thì càng không có chỗ cho những kẻ tầm thường dòm ngó. Các truyền thuyết phong thủy đôi khi chỉ mang tính "thậm xưng".
Người đời coi trọng vinh hoa phú quý, lòng nhân không vượt qua danh giới dòng tộc, tầm nhìn không qua khỏi bốn bức tường nên cần thế cục cho con cho cháu được hưởng nhưng với Đại tướng thì cả dân tộc Việt Nam là lợi ích. Vị trí Đại Tướng đã chọn là thể hiện tâm nguyện của người vì đại nghiệp lớn. Do đó đối với sự lựa chọn của các danh nhân, không có chỗ cho phong thủy gia bàn tốt xấu.
Hãy tôn kính người như một thánh nhân và đừng mang quan điểm lợi ích của người thường để xét đoán việc của thánh nhân.