Phong thuỷ với kiến trúc nhà ở truyền thống
1. Đặt vấn đề
| Kiến trúc truyền thống của mỗi dân tộc luôn được hình thành và xây dựng từ chính điều kiện thiên nhiên, khí hậu, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống cũng như điều kiện kinh tế, công nghệ, vật liệu xây dựng… của dân tộc đó trong mỗi thời kỳ. Người Việt Nam với tập quán sinh hoạt phổ biến của nền văn minh lúa nước, trong truyền thống đã luôn biết ứng dụng phong thuỷ trong xây dựng nhà cửa để mang lại may mắn, cầu lành tránh dữ. |
Nhưng trong khi lý thuyết Phong thuỷ tại Trung Hoa phát triển không ngừng theo thời gian với nhiều trường phái khác nhau từ Bát trạch, Huyền không, Loan đầu… còn tồn tại đến hôm nay, thì ở Việt Nam chúng ta lại không thấy được những dấu ấn rõ nét về một lý thuyết phong thuỷ hoàn chỉnh của người Việt. Tuy nhiên không vì thế mà vội vã cho rằng, trong quá khứ người Việt chỉ biết ứng dụng phong thuỷ tiếp thu từ văn hoá Trung Hoa trong tập quán xây dựng nhà cửa.
Qua lịch sử kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc nhà ở truyền thống nói riêng của chính dân tộc Việt để tìm về bản chất cội nguồn của phong thuỷ cũng như để hiểu về những giá trị của phong thuỷ trong kiến trúc truyền thống của người Việt có lẽ sẽ là hướng đi cần quan tâm hơn nữa cho những nhà nghiên cứu phong thuỷ, đặc biệt cho những kiến trúc sư có cùng niềm đam mê môn lý học này để có thể ứng dụng phong thuỷ một cách nhất quán và tự nhiên, không gò ép trong sáng tác kiến trúc.
2. Nguồn gốc của phong thuỷ và khái niệm
Học thuyết phong thuỷ được hình thành và phát triển chủ yếu từ nền văn minh lúa nước của các dân tộc trên một vùng đồng bằng rộng lớn, trải dài từ phía Nam sông Dương Tử (Trung quốc) đến đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam), được đúc kết lại từ kho tàng kinh nghiệm những quan sát trong tự nhiên và phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống. Người ta có thể hiểu đơn giản phong thuỷ là gió và nước nhưng xét về bản chất phong thuỷ chính là một môn lý học nghiên cứu về những quy luật vận động, tương tác của tự nhiên và con người, và từ những quy luật trong tự nhiên, con người tìm ra các phương pháp điều chỉnh để những tương tác đó phục vụ cho mục đích của con người trong cuộc sống. Trong nghiên cứu phong thuỷ vấn đề cơ bản là tìm hiểu sự ảnh hưởng của các dòng khí do sự vận động của tự nhiên và con người tạo ra (1)
Từ khái niệm trên, có thể thấy Phong thuỷ không có gì là thần bí, tất cả đều có quy luật, cái chính là người ta có thể nhận biết và kiểm soát được hay không (2. Thông qua việc phân tích về kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt, chúng ta sẽ cùng bắt đầu tìm hiểu về những quy luật trong phong thuỷ và những giá trị phong thuỷ trong cấu trúc ở này để từ đó hiểu đúng về bản chất của phong thuỷ.
3. Nhìn lại kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt
Kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc nhà ở nói riêng được hình thành và phát triển trên cơ sở đặc trưng địa hình, khí hậu của mỗi vùng miền và các đặc điểm công nghệ, vật liệu xây dựng. Kiến trúc mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng riêng nhưng nhìn chung vẫn luôn thể hiện được cái hồn Việt trong từng ngôi nhà. Trong khuôn khổ của bài viết này, chỉ có thể giới hạn trong việc tìm hiểu qua những đặc trưng của kiến trúc nhà ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cái nôi của người Việt cổ và nền văn minh lúa nước trong lịch sử dưới góc nhìn phong thuỷ.
Hình 2: Bố cục nhà chính, nhà phụ với không gian “Sân” trước nhà là bố cục phổ biến nhất trong nhà ở truyền thống. Sân ở đây là nơi tích tụ và cung cấp Dương khí cho nhà | Hình 3: Mái dù làm bằng vật liệu nào đều là cấu trúc đặc trưng nhất của ngôi nhà truyền thống người Việt. Mái dốc là dạng mái thể hiện được rõ nét tính chất “Âm dưỡng Dương” trong phong thuỷ. Gía trị của cấu trúc này rất cần được phát huy trong kiến trúc hiện đại. |
Hình 4: “Hiên” là không gian đệm không thể thiếu trong nhà ở truyền thống. Hiên chính là không gian đệm hoàn hảo nhằm cân bằng âm dương cho ngôi nhà. | Hình 5: Tổ chức không gian sân trước, vườn sau và nguyên tắc quy hoạch vườn theo kiểu “Trước trồng cau, sau trồng chuối” là hình thức bổ Âm nhằm hạn chế “Dương sát”. |
4. Phân tích Phong thuỷ nhà ở truyền thống qua lý thuyết về Khí và học thuyết âm - dương
4.1 Cơ sở và phương pháp luận.
Khởi nguyên vũ trụ và sự sống của vạn vật là khởi nguồn bởi “Khí” với âm – dương là hai nhân tố cơ bản. Trong bất kỳ một đối tượng, một sự vật hay hiện tượng đều luôn tồn tại cặp phạm trù “âm dương” từ con người, đến ngôi nhà, môi trường sống, thiên văn, địa lý... và con người hay ngôi nhà cũng chính là những tiểu vũ trụ. Nếu như trong y học, Đông y có thể dựa vào những nguyên lý âm dương để tìm bệnh và trị bệnh thì với mỗi ngôi nhà chúng ta cũng hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên lý âm dương để làm phong thuỷ mà không cần quan tâm nhiều đến ngũ hành, mệnh tuổi, năm xây dựng hay phân tích sự vận động của các vì sao…
Qua lịch sử văn hoá của dân tộc nói chung và lịch sử kiến trúc nói riêng có thể nói rằng triết lý âm dương luôn thể hiện trong cuộc sống và con người dân tộc Việt, và khác với văn hoá Trung hoa, nơi mà lý học thường mang tính huyền bí, cực đoan, như sự xuất hiện của Hà đồ, Lạc thư… hay đến những nguyên lý còn nhiều mâu thuẫn trong Dịch học. Đời sống văn hoá của người Việt Nam thì ngược lại: giản dị mà sâu sắc. Văn hoá của dân tộc nói chung và triết lý âm – dương nói riêng tuy không còn giữ được nhiều lưu trữ qua các thư tịch cổ hay mang ảnh hưởng của những con người, những trường phái cụ thể như ở Trung hoa, nhưng vẫn tồn tại và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác qua những câu chuyện giản dị và hết sức đời thường như sự tích “bánh chưng bánh dày”, “con rồng cháu tiên”, qua ca dao, tục ngữ “lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam”, “con không cha, như nhà không nóc”, qua những câu truyền miệng như lời chúc “mẹ tròn con vuông”, qua những viên ngói âm - dương trong những ngôi nhà cổ...
Chính vì thế, với người Việt Nam, nghiên cứu phong thuỷ nên được bắt đầu từ việc nghiên cứu lý thuyết về khí, triết lý âm dương và việc phân tích các đặc điểm địa hình, khí hậu, phong tục tập quán của người Việt trong lịch sử.
4.2 Gía trị và những hạn chế trong nhà ở truyền thống
4.2.1 Những giá trị phong thuỷ:
Thứ nhất, dựa trên nguyên lý vận động của âm – dương, có thể nhận thấy trong bố cục không gian của nhà ở truyền thống, không gian sân trước nhà có giá trị rất lớn. Lúc này ngôi nhà là chủ thể được coi là “Âm” và không gian sân là “Dương”. Theo nguyên lý “dương vượng sẽ sinh âm” thì ngôi nhà sẽ có sân làm “minh đường” để cung cấp dương khí hàng ngày hay nói cách khác dương khí từ sân mang lại sẽ luôn mang lại sinh khí cho ngôi nhà. | Hình 6: Sân nhà ở truyền thống không chỉ có giá trị trong sinh hoạt và điều hoà vi khí hậu mà còn có giá trị phong thuỷ rất lớn. |
Khi đó con người trong nhà luôn có được đời sống tinh thần phong phú, có nhiều cơ hội trong cuộc sống, nhiều bạn hữu… bởi theo nguyên lý âm - dương, “Dương khí” ở đây chính là tượng trưng cho tiền bạc, sức khoẻ, cơ hội, đời sống tinh thần…. Sân, vườn và ngôi nhà lúc này luôn là một cấu trúc có sự cân bằng âm dương, phù hợp với tự nhiên trên trái đất nói riêng cũng như phù hợp với sự vận động và phát triển của âm dương trong vũ trụ nói chung (4).
Thứ hai, trong lịch sử kiến trúc truyền thống, chúng ta có thể thấy nguyên tắc xây dựng nhà cửa dựa theo địa hình khí hậu luôn được người Việt đặt lên hàng đầu. Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thì hướng Nam luôn là lựa chọn tối ưu nhất, vì vậy suốt chiều dài lịch sử, tôi chưa thấy người Việt Nam đặt quan điểm chọn hướng nhà theo mệnh tuổi lên hàng đầu như triết lý phong thuỷ phổ biến của người Trung quốc hoặc một số trường phái phong thủy phát triển sau này. Đây chính là quan điểm tiến bộ và khoa học, thể hiện đúng và gần nhất với bản chất của phong thuỷ. | Hình 7: Thay vì vận dụng những quy luật quy định sẵn như đồ hình này, hãy tìm hiểu về những giá trị trong kiến trúc truyền thống để có thể lựa chọn hướng nhà, vị trí xây nhà cho hài hoà với địa hình và khí hậu xung quanh. |
Thứ ba, cũng trên cơ sở đặc trưng địa hình, khí hậu, có thể thấy cấu trúc Mái dốc là cấu trúc phù hợp nhất với tự nhiên, còn xét theo nguyên lý âm dương thì mái nhà chính là cấu trúc tượng trưng cho người chủ trong gia đình, cho truyền thống, lễ nghĩa và trật tự trong nhà bởi xét tổng thể thì mái nhà là Âm và nóc - bộ phận cao nhất của mái nhà là dương (trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm). Một cấu trúc mái thuận lý âm dương là phải biểu hiện được các đặc trưng của nguyên lý “âm phải đủ lớn để bao bọc được dương”. Nhìn lại nền kiến trúc truyền thống qua tục lệ làm lễ cất nóc, qua câu tục ngữ “ con không cha như nhà không nóc”… ta sẽ thấy cấu trúc mái luôn được các thế hệ cha công đề cao trong xây dựng nhà cửa (5) và mái nhà cũng chính là nét đặc trưng không thể lẫn được của ngôi nhà trên mỗi vùng miền đất nước cho dù là nhà của người giàu hay dân nghèo, là mái làm bằng tre, lá hay mái ngói…
Thứ tư, như đã đề cập bản chất của phong thuỷ là giúp con người tìm ra những quy luật vận động và tương tác giữa con người và tự nhiên để bố trí, xây dựng nhà cửa phù hợp với tự nhiên và đáp ứng được nhu cầu của con người. Trong vùng ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thì hạn chế bức xạ mặt trời là vấn đề lớn nhất cần giải quyết. Một bề mặt vật liệu chịu bức xạ mặt trời lớn chính là đã bị sát khí bởi “Dương vượng quá sẽ hoá sát”, với nhà ở truyền thống, trong điều kiện công nghệ, vật liệu lạc hậu thì không gian cây xanh, mặt nước ngoài nhà (tính âm) chính là giải pháp phù hợp nhất để cân bằng âm dương (âm trưởng thì dương tiêu). Đây cũng là nguyên lý quan trọng làm cơ sở để ứng dụng trong nghiên cứu tìm ra các giải pháp hạn chế bức xạ mặt trời trong kiến trúc hiện đại.
Thứ năm, một ưu điểm nữa trong bố cục nhà ở truyền thống đó là đã vận dụng được hài hoà nguyên lý vận động của khí trong bố cục không gian. Theo nguyên tắc “Khí càng lên cao càng thanh” và “Khí vận động cần hài hoà chứ không cần nhanh” thì có thể thấy với cấu trúc nhà theo chiều ngang và không gian “hiên” luôn tồn tại, hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, mỗi ngôi nhà truyền thống đều luôn đón nhận được sinh khí từ tự nhiên một cách có chọn lọc. Khi đạt được yếu tố này, cuộc sống của con người trong nhà luôn giữ được nét thanh tao, ít bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ thô trọc của xã hội cho dù cuộc sống có nghèo khó. Mặc dù chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ về phong thuỷ trong kiến trúc thì ngôi nhà Việt truyền thống cũng sẽ đạt được sự phú túc nhưng “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” có lẽ là một tính cách đặc trưng được lựa chọn trong văn hóa người Việt trước đây.
4.2.2 Những hạn chế về Khí
Bên cạnh những ưu điểm trên, có thể nhận thấy kiến trúc nhà ở truyền thống còn có những nhược điểm nhất định. Lý thuyết về khí chỉ ra rằng con người ta sống hay chết, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo đều do hấp thụ từ trường khí trong tự nhiên mà ra. Khí vượng thì đông người, đông của, khí suy thì thiên tai, tệ nạn, khí bế thì bệnh tật, khí không tụ thì hao tán…Từ lý thuyết đó có thể thấy những nhược điểm như sau:
Thứ nhất, trong nhà ở, Bếp là nơi tập trung năng lượng lớn nhất vì thế không gian bếp cần sáng và rộng và vị trí đặt bếp phải tụ khí. Một gian bếp tốt sẽ giúp gia đình tích luỹ được của cải và có thêm nhiều năng lượng. Tuy nhiên trong nhà ở truyền thống, bếp chỉ giữ vai trò phụ trong bố cục, luồng khí vận động từ nhà chính qua sân rồi mới đến bếp vì vậy đã có sự hao tán, mặt khác do sử dụng nguyên liệu chính là rơm, rạ, củi… cho nên không gian bếp thường thấp, tối và không sạch sẽ.
Thứ hai, trong tổ chức không gian tổng thể của nhà ở truyền thống, nhà chính bao giờ cũng có cấu trúc theo phương ngang, chính điều này làm cho khí trong nhà dàn trải chứ không sâu dầy, mặt khác phần lớn bố cục đều có không gian sân, vườn, ao rất rộng so với nhà và không có tường bao. Cho nên dương khí trong nhà tuy được cung cấp thường xuyên từ tự nhiên nhưng thường “tán” mà không “ tụ”, trong khi theo lý thuyết phong thuỷ thì “vượng khí” và “tụ khí” là điều kiện tiên quyết để các cách cục phong thuỷ phát huy được hiệu quả.
4. Kết luận
Xét về bản chất, kiến trúc và phong thuỷ đều là những phương pháp để tạo ra môi trường phù hợp nhất với mục đích của con người. Phong thuỷ dựa trên nền tảng là các nguyên lý vận động khí âm và khí dương trong tự nhiên, còn kiến trúc dựa trên những tiêu chí về công năng và thẩm mỹ và điều kiện khoa học kỹ thuật xây dựng (3). Qua những phân tích về Phong thuỷ bắt đầu từ kiến trúc nhà ở truyền thống có thể thấy giữa nét đẹp của không gian kiến trúc và sự phù hợp về Phong thuỷ luôn có cùng một ngôn ngữ. Chỉ có những cấu trúc nào phù hợp với tự nhiên mới có được tính bền vững, không bị mai một qua thời gian.
Khi đã hiểu đúng về giá trị của kiến trúc truyền thống và bản chất của phong thuỷ sẽ giúp người thiết kế gạt bỏ được những khiếm khuyết trong bố cục mặt bằng, đề cao giá trị của không gian sân, vườn, mái, hiên nhà trong mỗi công trình, xác định rõ đâu là bản sắc kiến trúc dân tộc (chỉ những ngôn ngữ kiến trúc phù hợp với địa hình và tự nhiên mới có được bản sắc riêng) và quan trọng nhất là nắm được các nguyên lý hình thành nên những giá trị đó để khi sáng tác không còn bị giới hạn bởi các quan điểm phong thuỷ hay bị mâu thuẫn với thiết kế kiến trúc như việc bắt buộc phải chọn hướng nhà, hướng bếp theo mệnh tuổi, việc dùng kỳ lân, sư tử, tỳ hưu để trấn yểm... Hy vọng rằng, khoa học phong thuỷ sẽ sớm tìm về bản chất đích thực của nó để phong thuỷ luôn song hành cùng nghệ thuật kiến trúc trong hành trình hướng về cái đẹp và xây dựng môi trường sống tối ưu cho con người.
Nguồn ảnh: Internet (1), (2), (3) –Bản chất của Phong thuỷ - Kiều Quang Dũng (4), (5) –Phân tích chi tiết các tính chất của âm dương xem trong các bài viết “Phong thuỷ cho mái nhà” “Sân, vườn trong phong thuỷ” – Vũ Tuấn Dũng Tài liệu tham khảo: 2. Lý số dungkq và phong thuỷ chân thuyên - Tác giả: Kiều Quang Dũng 3. Lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam – Chủ biên: Nguyễn Sỹ Quế, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Hồng Hương và các cộng sự 2.Kiến trúc nhà ở nông thôn – Tác giả: TS-KTS Nguyễn Đình Thi | Hà nội, ngày 10/6/2012
KTS. Vũ Tuấn Dũng |