Thay đổi lối mòn tư duy trong nghiên cứu và học phong thủy
- 23:56 - Thứ 5, 03/12/2015
-
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn bài đầu tiên trong loạt bài viết về kiến trúc và phong thủy của KTS Vũ Tuấn Dũng, một học viên Nâng Tầm Tri Thức khóa đầu tiên, trên tạp chí kiến trúc số 218 (tháng 6/2013). Tuy thời gian nghiên cứu chưa lâu nhưng tôi tin rằng qua bài viết này thì bạn đọc cũng đã có thể bước đầu đánh giá được năng lực của KTS Vũ Tuấn Dũng cũng như sự khác biệt của phương pháp Lý số dungkq.
|
Phong thủy là một môn khoa học cổ đại Phương Đông ra đời cùng với lịch sử tiến hóa của loài người. Chính những kinh nghiệm cư trú được tích lũy từ đời này sang đời khác trong đời sống và kinh nghiệm sản xuất của cư dân thuộc nền văn minh lúa nước dần dần đã hình thành nên thuật phong thủy. |
Khác với các môn lý học khác như Tử vi, bốc dịch…, Phong thủy ngày nay không những được quan tâm ở Phương Đông mà còn là đối tượng nghiên cứu của khoa học Phương Tây do tính chất gắn bó trong đời sống và có nhiều điểm tương đồng với những lý thuyết nghiên cứu về vật lý kiến trúc. Tuy nhiên trong khi khoa học xây dựng phát triển không ngừng theo thời gian và đạt nhiều thành tựu mới thì Phong thủy đông phương dường như vẫn chưa thoát khỏi sự mơ hồ, thần bí bởi hệ thống lý luận cũ và rời rạc. Sở dĩ có điều đó bởi đa phần, khi nghiên cứu phong thủy các nhà nghiên cứu đang đi theo lối tư duy cảm tính sẵn có là chỉ nghiên cứu phong thủy qua cổ thư nền văn minh Trung hoa hoặc kết hợp phong thủy với nhiều môn lý học khác như Tử vi, quẻ dịch, tướng thuật…. trong ứng dụng để tìm ra giải pháp. Hầu hết chưa nhận thức được rằng nếu có sự đột phá trong tư duy, thế hệ ngày nay hoàn toàn có thể xây dựng nên một hệ thống lý thuyết phong thủy hiện đại, phù hợp hơn với thực tiễn và có đầy đủ cơ sở lý luận logic theo các tiêu chí khoa học.
- Xu hướng nghiên cứu và đào tạo phong thủy hiện nay
Thực tế hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu và đào tạo kiến thức về phong thủy trong xã hội. Qua tham khảo giáo trình đào tạo tại một số trung tâm đào tạo online như
www.lyhocdongphuong.org.vn;
www.lyso.vn;
www.hocphongthuy.vn …. và giáo trình đào tạo phong thủy tại Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị – Trường Đại học xây dựng ta sẽ thấy giáo trình dạy phong thủy hiện nay phần lớn là phổ cập lý thuyết của hai trường phái Bát trạch, Huyền không, lý thuyết về âm dương, ngũ hành, dịch học…kèm theo vô vàn các khái niệm thần bí, vô hình hay trừu tượng như sự xuất hiện của Hà đồ, Lạc thư, Tiên thiên, Hậu thiên… , những khái niệm mà thế hệ chúng ta rất khó có thể cảm nhận được sự tồn tại trong đời sống.
Có thể thấy, do lý thuyết các trường phái trên thường có nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí đối nghịch nhau, không trường phái nào có thể giải thích thấu đáo mọi vấn đề bằng phương pháp luận của mình cho nên xu hướng nghiên cứu và ứng dụng đồng thời lý thuyết của các trường phái với mục đích tìm ra sự tương hợp, loại bỏ mâu thuẫn theo tinh thần “Gạn đục khơi trong” đang là hướng tư duy chung của rất nhiều nhà nghiên cứu phong thủy.
Câu hỏi đặt ra: Phải chăng khi ứng dụng phong thủy đây là công thức đúng: Phong thủy = Bát trạch + Huyền không + Loan đầu?
Một sai lầm trong nghiên cứu phong thủy
Rất dễ nhận thấy, việc nghiên cứu và ứng dụng đồng thời lý thuyết các trường phái trên sẽ không giúp cho công tác nghiên cứu lý luận có bước đột phá về chất lượng mà còn hình thành lên lối mòn khiến cho lý luận về phong thủy ngày một thêm phức tạp, thần bí. Nếu là một kiến trúc sư, trước khi nghiên cứu về phong thủy, ta hãy cùng suy ngẫm về lời khuyên của FRANK LLOYD WRIGHT “Hãy tư duy bằng phạm trù đơn giản"... Nên nhớ rằng mọi sự trọn vẹn đều quy về những bộ phận và những chi tiết đơn giản nhất, dựa trên nền của những nguyên lý ban đầu. Hãy đi từ cái tổng thể đến cái cá biệt và đừng bao giờ làm ngược lại …”. (1). Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần tư duy một cách nghiêm túc nhằm tìm ra hướng đi mới trong nghiên cứu và ứng dụng phong thủy, đưa lý luận phong thủy trở về bản chất thực của một môn khoa học.
Hình 1: Đồ hình phân cung trong Bát trạch. Khi phải dựa theo tính bất biến trong Bát trạch sẽ rất khó để tìm ra tiếng nói chung giữa Kiến trúc và Phong thủy do lúc này nguyên lý về tương tác Khí hay Vật lý kiến trúc đã bị coi là thứ yếu.
|
Hình 2: Đường di chuyển của Cửu tinh. Liệu có mấy kiến trúc sư có thể hiểu được cấu trúc này trong Huyền Không và phải chăng ai không nghiên cứu quy luật này sẽ không thiết kế phong thủy được?
|
2. Những rào cản tư duy trong nghiên cứu và ứng dụng phong thủy
Cùng với sự tam sao thất bản trong các tài liệu cổ thư để lại thì lý thuyết của các trường phái lớn về Lý khí như Bát trạch, Huyền không … đều mang trong mình một sự thần bí và phần lớn là trình bày các cách cục định sẵn, thiếu nguyên lý, thiếu phương pháp luận để người làm phong thủy có thể sáng tạo các giải pháp trong thiết kế đã tạo nên một rào cản lớn với bất kỳ những ai bước đầu bước vào con đường nghiên cứu, tìm hiểu hay ứng dụng phong thủy. Chính lối tư duy theo cảm tính và thói quen sẵn có luôn coi các lý thuyết phong thủy trong cổ thư là kim chỉ nam trong lối tư duy đã dẫn đến những lối mòn định kiến khiến cho Phong thủy ngày một xa rời với bản chất vốn có.
2.1 Đối với xã hội: Trong lối tư duy tiềm thức đa số người dân, do không có định hướng và hiểu biết mơ hồ về phong thủy nên đã vô hình chung bị ảnh hưởng bởi sự áp đặt trong suy nghĩ, định hướng khi xây dựng nhà cửa. Vi dụ như:
2.1.1. Chọn hướng nhà, hướng bếp… đều phải theo trường phái Bát trạch: Nhà có hợp hướng mới dám mua, dám ở…
2.1.2. Lựa chọn màu sắc cho nhà cửa đều phải dựa trên quy luật Ngũ hành: Khi sơn nhà, làm nội thất phần lớn chọn mầu cho hợp mệnh mà không bao giờ cảm nhận được hiệu quả có hay không trên thực tế.
2.1.3 Không xác định được đâu là tín ngưỡng dân gian, đâu là khoa học phong thủy: Hay bị nhầm lẫn giữa “thầy cúng” và“thầy phong thủy”.
2.1.4. Không biết đâu là phương pháp nào là đúng hay sai và không dám phản biện lại các thầy phong thủy như phản biện lại kiến trúc sư trong quá trình trao đổi phương án thiết kế: Ứng dụng phong thủy chỉ dựa trên niềm tin mà không có cơ sở khoa học.
2.2 Đối với kiến trúc sư: Do bị ảnh hưởng bởi lối tư duy cho rằng phong thủy là thần bí và cho rằng phong thủy chỉ làm cản trở quá trình sáng tạo do bị áp đặt như việc chọn hướng nhà, hướng bếp phải theo mệnh tuổi cho nên số lượng kiến trúc sư tìm hiểu về phong thủy là không nhiều. Ngoài ra với kiến trúc sư trong cái nhìn về phong thủy còn một số rào cản trong tư duy như:
2.2.1. Mặc nhiên coi hệ thống lý thuyết các trường phái cũ là vĩnh cửu, không có giá trị khác có thể thay thế cho nên không thể tiếp tục phát triển về mặt lý luận.
2.2.2. Phong thủy rất khó tiếp cận theo lối tư duy sáng tác thông thường. Chỉ có người có năng lực đặc biệt trong lĩnh vực tâm linh mới lĩnh hội được.
2.2.3. Nghiên cứu phong thủy không thể giúp cho sáng tác kiến trúc có chiều sâu trong sáng tác. Phần lớn kiến trúc sư không cảm nhận được những triết lý sâu sắc trong lý thuyết phong thủy hay nói cách khác là thiếu hiểu biết về những ưu việt do khoa học phong thủy mang lại trong đời sống.
2.2.4. Tuy có rất nhiều cơ sở đào tạo hay nhiều người hành nghề phong thủy, tuy nhiên trong các hội thảo khoa học liên quan thì công tác phê bình, phản biện gần như không tồn tại cho nên nghiên cứu phong thủy đang trong tình trạng thiếu định hướng.
2.3 Những hệ lụy từ ứng dụng phong thủy theo cách thức truyền thống
2.3.1. Ứng dụng phong thủy đang trở thành một niềm tin hơn là một phương pháp. Hiệu quả gần như không ai nhận thấy được, không ai kiểm soát được.
2.3.2. Con người tự mình hạn chế cơ hội của mình khi lựa chọn đất xây nhà , mở cửa hàng… khi bắt buộc phải chọn hướng nhà theo mệnh quái.
2.3.3. Kiến trúc và phong thủy thường tồn tại sự mâu thuẫn trong giải pháp thiết kế.
2.3.4. Ý kiến thầy phong thủy là số một, kiến trúc sư và chủ nhà nếu có bất đồng cũng không phản biện được do không có nguyên lý hay cơ sở lý luận cụ thể để phản biện.
2.3.5 Trong các dự án, công trình thiết kế mới tính tiên tri hay khả năng dự báo của phong thủy rất thấp do phần lớn là áp dụng lý thuyết có sẵn mà không có hệ thống nguyên lý để ứng biến với sự phát triển của khoa học kiến trúc.
2.3.6. Kết quả trong ứng dụng phong thủy phụ thuộc nhiều vào dữ liệu thu thập được (hướng nhà, năm xây dựng, tuổi chủ nhà…) cho nên trong trường hợp dữ liệu cung cấp bị sai thì vẫn là ngôi nhà đấy nhưng sẽ ra kết quả luận đoán khác nhau. Điều này là không phù hợp với tính tiên tri cần thiết của một hệ thống lý thuyết khoa học hoàn chỉnh.
|
Hình 3: Vòng tròn Sinh – Khắc của Ngũ hành Phân tích về phong thủy theo tư duy thông thường người ta hay phân tích về tính chất Sinh – Khắc của “Ngũ hành” nhưng thực tế thì mọi sự Vượng – Suy trong cuộc sống đều có nguyên nhân do mất cân bằng Âm – Dương mà ra chứ ảnh hưởng từ “Ngũ hành” là không nhiều. |
3. Thay đổi lối mòn tư duy
Một lý thuyết mới được thừa nhận đều phải trải qua thời gian dài thử nghiệm, ứng dụng và hoàn thiện. Con đường nghiên cứu, xây dựng lý thuyết phong thủy hiện đại cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó. Qua phân tích ở trên, chúng ta nhận thấy nhược điểm lớn nhất trong hệ thống lý thuyết của các trường phái phong thủy như Bát trạch, huyền không… là tính chất phức tạp, thần bí và cơ sở lý luận không rõ ràng. Vì vậy việc đầu tiên cần phải thay đổi trong tư duy là gạt bỏ sự thần bí, coi phong thủy là một môn “khoa học nghiên cứu về trường khí trong kiến trúc” với nền tảng lý luận là học thuyết âm dương và đối tượng nghiên cứu là “Hình” và “Khí”. Việc đơn giản hóa khái niệm, tìm về bản chất và xác định đúng đối tượng trong nghiên cứu sẽ giúp tìm ra chân lý của vấn đề để từ đó xây dựng hệ thống cơ sở lý luận riêng.
4. Đâu sẽ là nền tảng cho lý thuyết phong thủy hiện đại
Khi xây dựng hệ thống lý thuyết phong thủy mới thì điều đầu tiên là cần phải có hệ thống nguyên lý riêng có logic, có phương pháp luận cụ thể và quan trọng hơn là có thể giải thích được mọi vấn đề, hiện tượng liên quan và có tính tiên tri. Nếu như trong kiến trúc có nguyên lý sáng tác cho từng bộ môn thì trong lý thuyết phong thủy hiện đại cũng hoàn toàn có thể làm được điều đó một khi xác định được rõ ràng đối tượng nghiên cứu trong phong thủy là Hình (là cấu trúc, là cái vỏ nhà…) và Khí ( là không gian, là cái hồn của công trình trong kiến trúc…). Trước khi xây dựng nền tảng cho lý thuyết mới chúng ta cùng tìm hiểu về các khái niệm liên quan đến phong thủy thường gặp trong tư duy.
4.1 Các khái niệm cũ cần thay đổi để thay đổi tư duy:
4.1.1 Cần phân biệt rõ hai phạm vi tín ngưỡng với phong thủy: Mọi hình thức xem ngày, cúng bái .. cần được coi là tín ngưỡng dân gian chứ không nằm trong phạm vi lý thuyết phong thủy.
4.1.2 Khái niệm “Thầy phong thủy”: Cần được thay thế bằng khái niệm “Chuyên gia phong thủy”. Điều này sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng một phạm vi nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng của với những người hành nghề phong thủy như những bộ môn tư vấn khác.
4.1.3 Nghiên cứu phong thủy là phải nghiên cứu tổng thể về dịch học, âm dương, ngũ hành, bát quái, …: Với mục tiêu quy mọi sự phức tạp về đơn giản trong nghiên cứu để tìm ra bản chất của mỗi hiện tượng hay sự vật thì trong lý thuyết phong thủy hiện đại đã đến lúc tạm bỏ qua việc nghiên cứu về Hà đồ, Lạc thư, Tiên thiên, Hậu thiên, Cửu tinh… trong cơ sở lý thuyết. Cần chú trọng tính chất bao trùm của cặp phạm trù “âm dương” trong mọi tương tác và giảm bớt sự lạm dụng các tính chất của “ngũ hành” trong các định luật sinh, vượng, chế, hóa… khi thiết kế trấn, yểm hay phân tích về Hình và Khí.
4.1.4 Nghiên cứu phong thủy cần bắt đầu bằng việc tìm hiểu các trường phái Phong thủy Trung hoa: Nên bắt đầu ngay từ việc tìm hiểu về lịch sử kiến trúc của dân tộc và văn hóa dân tộc qua ca dao, tục ngữ như “ Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam”; “ Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; Con không cha như nhà không nóc; Đất lành chim đậu”…. để từ đó rút ra cho mình các nguyên lý cơ bản để hiểu về bản chất của vấn đề.
4.2 Nền tảng trong lý thuyết phong thủy hiện đại
Qua các phân tích ở trên, có thể thấy rõ, để lý thuyết phong thủy hiện đại gần gũi hơn với quan điểm khoa học phương tây hay các lý thuyết trong sáng tác kiến trúc thì trong giai đoạn đầu chỉ nên tập trung nghiên cứu và phát triển cơ sở lý luận trong lý thuyết xoay quanh ba nội dung sau:
4.2.1. Lý thuyết về âm – dương: Hoàn thiện hệ thống các quy luật và nguyên lý trong học thuyết âm dương trong kiến trúc và đời sống. Học thuyết âm dương sẽ là nền tảng để phát triển cơ sở lý luận về Hình và Khí trong phong thủy.
Hình 4: Âm dương và Bát quái
|
- Khi nghiên cứu Phong thủy dựa trên học thuyết âm dương từ Hình đến Khí sẽ giúp người nghiên cứu đi sâu vào bản chất của đối tượng và không bị áp đặt bới các công thức có sẵn trong phong thủy truyền thống bới vạn vật tồn tại đều được quy định bởi âm – dương. Áp dụng tính chất cơ bản của 8 cung trong Bát trạch vào thiết kế như cung Khôn (Tây Nam) sẽ tượng trưng cho Tình duyên, cho người phụ nữ….,cung Tốn ( Đông Nam) là cung Tài lộc…để dựa vào nguyên lý vận động của Khí đưa ra phương án thiết kế tối ưu. |
4.2.2. Lý thuyết về Khí: Xây dựng lý thuyết về Khí và các nguyên lý tương tác, vận động của Khí trong Kiến trúc.
4.2.3. Quan hệ giữa Hình và Khí: Xây dựng hệ thống lý thuyết đánh giá “Hình và Khí” trong phân tích và thiết kế tạo hình kiến trúc.
Lời kết
Phong thủy và kiến trúc luôn song hành cùng nhau trong đời sống kiến trúc, chính vì vậy đã đến lúc lý thuyết phong thủy phải được xây dựng trên một hệ thống các nguyên lý rõ ràng để người thiết kế có thể chủ động thiết kế các giải pháp phong thủy khác nhau ứng dụng trong đời sống mà không bị phụ thuộc hay áp đặt bởi bất kỳ công thức hay cách cục cố định nào. Nếu như trong xã hội, kiến trúc sư là người có thể cảm thụ không gian tốt nhất thì chính giới kiến trúc sư cũng nên là những người đi tiên phong trong việc xây dựng lý thuyết phong thủy hiện đại để ứng dụng trong sáng tác kiến trúc góp phần đem lại may mắn và thịnh vượng trong mỗi công trình.
Không đơn thuần là ứng dụng để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong xã hội, người thiết kế khi đã hiểu được các quy luật vận động và tương tác của “ Âm – Dương”, của “Hình” và “ Khí” trong phong thủy sẽ nắm bắt được cái hồn của môn khoa học này và qua đó có thể khám phá những triết lý sâu sắc mà vô cùng giản dị ngay trong tự nhiên, trong đời sống để từ đó nâng cao tri thức cũng như năng lực sáng tác của mình.
“Chân lý có thể mỗi ngày khoác một bộ áo khác nhưng dưới bộ áo ấy chân lý luôn luôn không thay đổi” (2) – Chính vì vậy lý Phong thủy và Kiến trúc với cùng một mục đích, cùng một đối tượng phục vụ là con người, không thể mãi mang trong mình những mâu thuẫn.
Trích dẫn: (1 )Trích dẫn từ sách LƯỢC SỬ KIẾN TRÚC THẾ GIỚI của KTS. Trần Trọng Chi - Mười hai điều FRANK LLOYD WRIGHT KHUYÊN THANH NIÊN (2). Trích dẫn từ tư tưởng triết học PLATON
Tài liệu tham khảo:
- Lý thuyết về Khí. Tác giả: Trương Tải – Internet.
- Thẩm thị huyền không học. Tác giả: Thẩm Trúc Nhung. Nguyễn Anh Vũ biên dịch
- Vân đài loại ngữ - Chương Luận về Lý Khí. Tác giả: Lê Qúy Đôn.
- Một số tài liệu trong các bài giảng về Phong thủy của nhà nghiên cứu Kiều Quang Dũng.
Nguồn ảnh: Internet.
|