Bất cứ sự thay đổi nào cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng nếu không thay đổi thì có thể sẽ là rủi ro lớn nhất. Do vậy không nên vì cảm tính mà vội vàng phản đối việc chặt bớt những cây xanh không phù hợp với đô thị, già cỗi, sâu hỏng gây nguy hiểm cho giao thông ở Hà Nội. Ai cũng sẽ có tình cảm gắn bó, níu kéo đối với truyền thống, với những sự quen thuộc, với kỷ niệm nhưng không nên vì thế mà cho mình cái quyền được đại diện cho tất cả. Có nhiều học giả, trí thức cảm thấy nuối tiếc với quá khứ nhưng còn rất nhiều tầng lớp khác trong xã hội cần một cuộc sống mà ở đó có sự gọn gàng, thông thoáng, an toàn. Việc Hà Nội thay đổi cây xanh là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của số đông, nên việc đó cần nhận được sự ủng hộ. Giống như một người bệnh suốt ngày rên rỉ vì đau đớn, rất muốn khỏi bệnh nhưng lại từ chối uống thuốc thì tất yếu sẽ gánh hậu quả.
Vấn đề ở đây chỉ là cách làm của cơ quan quản lý có gì đó chưa hoàn toàn phù hợp, ví như hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, truyền thống của người Hà Nội thì cơ quản quản lý chỉ cần đưa ra những tuyên truyền phân tích lợi ích của sự thay đổi từ sớm và hạn chế đưa ra những phát biểu tiêu cực thì có lẽ mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Còn xét từ quan điểm phong thủy thì việc thay đổi hàng loạt cây xanh không phù hợp ở Hà Nội là việc làm cần thiết, nên làm và sớm muộn cũng sẽ phải làm nếu như không muốn mọi việc xấu hơn. Có một sự thật là không riêng gì Hà Nội, mà tâm thức của hàng triệu người dân cả nước đều đang mong chờ những sự thay đổi tích cực hơn của cuộc sống, của xã hội, và thay đổi cây xanh cũng là một thay đổi tích cực. Nó báo trước một sự gọn gàng, thoáng đãng, sạch sẽ về cảnh quan đô thị, đồng thời cũng sẽ là tiền đề của những sự thay đổi tích cực hơn về con người vì "địa động thì nhân sẽ ứng".
Mục đích tốt đẹp, việc làm đúng đắn, dám thay đổi, chấp nhận thay đổi quá khứ nhiều chục năm là một sự can đảm lớn nhưng sẽ là rủi ro lớn nếu như Hà Nội làm ẩu hoặc nói nhưng không làm được, cây cũ chặt rồi, nhưng cây mới không mọc được.