Phong thuỷ trong sân nhà (P1)
- 15:46 - Thứ 5, 03/12/2015
-
Trong xây dựng hiện đại, vấn đề thiết kế sân vườn dường như đã bớt được ưu tiên chú ý, vì diện tích có giới hạn nhưng nhu cầu của con người ngày càng nhiều nên phần lớn các công trình đều cố gắng tận dụng hết diện tích đất, đặc biệt là đối với xây dựng ở đô thị. Hy vọng qua bài viết này của KTS Vũ Tuấn Dũng, một học viên NTTT khóa 1 sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về giá trị của việc thiết kế sân vườn trong phong thủy để có sự cân nhắc phù hợp với mục đích sử dụng khi xây dựng.
Ngày trước, khi thiết kế một khoảng sân cho nhà, tôi chỉ nghĩ rằng Sân nhà đơn giản chỉ là giúp xử lý vi khí hậu kiến trúc, là chỗ để xe khi khách đến nhà… rồi thiết kế nhà có vườn cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao cho vườn đẹp, trồng cau hay trồng lộc vừng cho sang…và cũng lại nghĩ, cái sân ở quê trong ký ức nó đẹp chẳng qua là do ngày đó chẳng có gì để chơi nên đứa trẻ nào cũng tha thẩn với nó còn bây giờ trong cuộc sống hiện đại thì làm gì có nhiều ý nghĩa tinh thần nữa…..Chưa bao giờ nghĩ rằng Sân nhà lại có vai trò rất lớn trong Phong thuỷ bởi quan niệm Phong thuỷ phải là cái gì huyền bí, cao siêu lắm…. Xét qua các trường phái phong thuỷ thịnh hành như Bát trạch, Huyền không cũng chưa thấy có phân tích nào cụ thể về Phong thuỷ của không gian này.
Cho đến giờ đây, khi đi sâu vào nghiên cứu phong thuỷ trong kiến trúc, tôi mới có đủ tư duy để nhận ra rằng Sân nhà có nhiều ý nghĩa trong phong thuỷ là bởi nó luôn gắn bó mật thiết với ngôi nhà và tự nhiên qua sự vận động của âm dương và rằng bản chất của Phong thuỷ chính là thể hiện những triết lý từ thiên nhiên mà thôi …
Trong kiến trúc nhà ở truyền thống, sân nhà luôn là cấu trúc không thể thiếu trong không gian tổng thể. Nếu như ai đã từng trải qua tuổi thơ gắn bó với góc sân và khoảng trời thì khi trưởng thành, có đi đâu, làm gì chắc chắn sẽ không bao giờ có thể quên được những ký tuổi thơ đã từng in dấu qua từng góc sân nhỏ trong nhà… |
Sân là nơi cả gia đình quây quần mỗi tối mùa hè, nơi những đứa trẻ có thể thả tâm hồn và trí tưởng tượng bay bổng theo những vì sao trên bầu trời. Là nơi mà các anh, các chị và chính ta ta lẫm chẫm những bước đầu tiên trên cuộc đời… Những giá trị đó nói nó là quý, là gắn bó với con người bởi tự thân cấu trúc “sân trước nhà” đã mang trong hồn những triết lý sâu sắc của tự nhiên, một sự cân bằng âm dương hoàn hảo. Người ta thường nói “cái sân nó lân cái nhà” vì vậy thiếu đi cái sân cấu trúc ngôi nhà Việt dường như đã bị mất đi một phần sự hoàn thiện của tạo hoá.
Đa số chúng ta đều cảm nhận được giá trị tinh thần của sân nhà trong đời sống là như thế, tuy nhiên là một người thiết kế, bạn nhất định phải hiểu được các nguyên lý cốt lõi đã tạo nên giá trị đó để có thể chủ động thiết kế những cấu trúc nhà ở hợp lý, hài hoà âm dương, gắn bó với con người như bản chất tự nhiên để mang lại hạnh phúc và may mắn cho cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào phân tích ý nghĩa đó.
Trong phong thuỷ nói chung không gian phía trước công trình (minh đường) luôn được coi trọng, nhưng với nhà ở nói riêng khi thiết kế phong thủy đôi khi người ta lại quá chú trọng đến hướng nhà, hướng bếp, mệnh tuổi của từng gia đình…mà quên mất rằng sân nhà chính là minh đường lớn, là nơi tích luỹ Dương khí góp phần mang lại sự thịnh vượng cho ngôi nhà. Một bố cục sân nhà tụ khí sẽ đem lại nhiều cơ hội trong cuộc sống, nhiều tiền bạc, sức khoẻ… bởi theo nguyên lý của học thuyết âm dương thì “dương vượng sẽ sinh âm” và từ khái niệm “ dương hóa khí, âm thành hình”, ta sẽ thấy trong trường hợp này “dương” là tượng trưng cho tiền bạc, sức khoẻ, cơ hội, bạn bè, văn hoá tinh thần…, “âm – là vật thành hình” chủ về tài sản, ngôi nhà, con người trong nhà… cho nên với nhà ở có dương khí vượng và tụ khí thì may mắn và tài lộc sẽ đến gõ cửa.
Nghiên cứu về phong thủy chúng ta sẽ nhận thấy “Môi trường sống như nào tư duy của bạn sẽ như thế” hay nói như cách của cha ông ta “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cho nên với cấu trúc “sân trước nhà” thì dương khí trong nhà sẽ rất vượng, nhiều sinh khí, ít tà khí. Khi ở những môi trường này và được trải qua một quá trình tích luỹ và trải nghiệm về không gian và thời gian, những thế hệ sống trong nhà, đặc biệt là trẻ em sẽ có đời sống tinh thần phong phú, có tâm hồn và lối suy nghĩ sâu sắc hơn những đứa trẻ sống trong những căn nhà mặt phố đóng kín ... Điều này, chỉ cần qua chiêm nghiệm trong cuộc sống chúng ta cũng sẽ thấy.
Xét theo nguyên lý vận động và biến hóa của Khí thì với những nhà có cấu trúc sân cao hơn đường, nền nhà lại cao hơn sân, thì sân trước nhà lúc này sẽ có tác dụng lọc bớt tạp khí từ bên ngoài, giúp sinh khí vào nhà thanh sạch hơn. Khí vận động từ ngoài đường vào đến nhà đã qua hai lần thanh lọc và biến hóa, chính vì vậy những gia đình sống trong đó sẽ luôn giữ được sự thanh tao trong tính cách, ít bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ, thô trọc bên ngoài của xã hội.
Đi vào chi tiết, ta nhận thấy trong thực tế xây dựng, sân có thể không đứng độc lập với nhà mà đi cùng với nó là không gian của cây xanh, mặt nước gắn liền. Khi thiết kế Sân và vườn trong nhà ở có thể chia làm các dạng cấu trúc chính như sau:
Theo Tạp chí kiến trúc số 223 ra tháng 11 năm 2013
(còn nữa)
Nguồn ảnh: Mạng Internet. Tài liệu tham khảo: - Lý số dungkq – Tác giả: Kiều Quang Dũng.
- Lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam – Chủ biên: Nguyễn Sỹ Quế, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Hồng Hương và các cộng sự.
- Kiến trúc nhà ở nông thôn – Tác giả: TS-KTS Nguyễn Đình Thi.
| Hà nội, ngày 29/5/2012
Kts. Vũ Tuấn Dũng |