VẤN NẠN CHÁY NỔ CHUNG CƯ HIỆN ĐẠI Ở VIỆT NAM
- 18:40 - Thứ 4, 28/03/2018
-
Những năm gần đây trong nhiều bài viết tôi luôn đề cập đến 3 vấn nạn lớn của xã hội Việt Nam mà chúng ta đang và sẽ phải đối mặt: ung thư và tai nạn giao thông, là hai vấn đề đã đang tàn phá xã hội, còn cháy nổ chung cư thì bây giờ mới chỉ bắt đầu với những sự vụ đơn lẻ nhưng nếu không cân nhắc lại nó sẽ là vấn nạn lớn trong tương lai không xa. Ba vấn nạn này chính là hệ quả tất yếu của nền tảng "gia phong" chưa vững nhưng lại theo đuổi con đường làm giàu nhanh chóng của quốc gia.
Khi đất nước phát triển, dân số tăng, phương thức sản xuất thay đổi, mật độ dân ở đô thị tập trung đông thì nhu cầu về nhà ở chung cư gia tăng là tất yếu.
Tuy nhiên từ nền tảng nghèo đói về vật chất và ngột ngạt về chính trị, chúng ta hồ hởi hòa nhập thế giới bằng tư duy thuyền thúng, búa liềm để "đi tắt đón đầu" mà không có những nghiên cứu nghiêm túc về sự tương hợp giữa con người Việt Nam với thế giới vật chất, với xu hướng công nghệ của thế giới để đưa ra định hướng đúng, chủ thuyết đúng. Từ đó dẫn đến việc chấp nhận dập khuôn những hình mẫu quy hoạch thiết kế nhà cửa tiên tiến của nước ngoài nhưng không Việt hóa cho phù hợp. Mỗi một mô hình, một phương pháp đều được hình thành từ những môi trường cụ thể để phục vụ những nhu cầu của môi trường đó, mang từ chỗ này áp dụng dập khuôn vào chỗ kia thì tất sẽ lệch lạc.
Ví dụ, xét về sự phù hợp của công năng, đa phần những quốc gia phát triển đều có khí hậu ôn đới, lạnh, ăn nhiều đồ nguội, hạ tầng kỹ thuật tốt, thì thiết kế bếp ở gần cửa ra vào hoặc bất cứ đâu trong căn hộ cũng có thể chấp nhận được nhưng với khí hậu nóng ẩm, xào nấu nhiều dầu mỡ, nhiều đồ tươi sống như Việt Nam mà thiết kế bếp ngay cửa ra vào gần với hành lang, xa cửa sổ thoáng khí là bất hợp lý. Dù có làm vách hay bật quạt hút mùi 24/24h thì cũng không thể ngăn cản được khí nóng, mùi thức ăn, và hơi dầu mỡ lan khắp căn hộ, tràn ra hành lang chung, nhất là những căn hộ thiết kế được bao bọc bằng kính. Hoặc nhà vệ sinh là nơi chứa dư khí của căn nhà luôn cần phải có cửa sổ để đảm bảo thông thoáng tránh tù đọng, lây lan ngược thì trong các căn hộ hiện đại luôn bị nhét vào góc khuất không cửa sổ, không ánh sáng tự nhiên, hoàn toàn lệ thuộc vào quạt thông gió và đèn điện, nhưng những thiết bị này cũng không bao giờ hiệu quả bằng một ô cửa sổ nhỏ. Quá chú trọng ưu tiên cho tiện ích của phòng khách tầm nhìn đẹp, hào nhoáng để hấp dẫn người mua hướng đến cuộc sống hưởng thụ mà coi nhẹ các công năng căn bản liên quan trực tiếp đến điều kiện khí hậu và lối sống bản địa chính là "tham bát bỏ mâm" (vì cái lợi nhỏ mà bỏ cái lợi lớn). Hệ thống cửa sổ, cửa ra ban công thiết kế tiết kiệm để giảm chi phí dẫn tới hiện tượng mở ra thì bị lộng gió, đóng vào thì bí; hành lang, cầu thang thoát hiểm, hệ thống thông gió không khoa học nên không mở thì bí, mở thì vi phạm quy định an toàn PCCC. Vì vậy các căn hộ luôn đối mặt sự hao tốn năng lượng lớn, quạt, điều hòa thường xuyên phải bật hết công suất, cả tòa nhà lúc nào cũng như một nồi hơi thì tất yếu sẽ dẫn đến trục trặc kỹ thuật, thiết bị xuống cấp nhanh, không gian sống bí bách, ô nhiễm. Nguy cơ hỏa hoạn cũng từ đây sinh ra.
"Môi trường ra sao, con người như vậy", sự tương tác của môi trường đến con người vừa lâu dài nhưng cũng vừa tức thì. Một ví dụ nhỏ, nếu như ở ngoài đường bạn có thể vứt rác, khạc nhổ tùy tiện thì khi bước vào nơi sạch sẽ như trung tâm thương mại, sảnh khách sạn 5 sao tự nhiên không ai bảo nhưng ngay lập tức môi trường sẽ điều chỉnh hành vi vứt rác hay khạc nhổ của bạn một cách hợp lý hơn. Nên khi chuyển đến một môi trường mới bạn có thể không tự ý thức về lối sống của bạn đang thay đổi, nhưng thực tế là nó đã thay đổi rất nhiều. Vài năm đầu mới dọn vào ở, hạ tầng, thiết bị kỹ thuật, dịch vụ còn mới thì sức khỏe, lối sống của người ở vẫn còn tạm ổn nhưng điều đó không kéo dài được lâu. Với việc sống từ năm này qua năm khác trong những căn hộ không khí lưu thông kém thì cũng giống như dòng nước bị tù đọng, con người cũng trở nên dễ mệt mỏi, tùy tiện, bất tuân nguyên tắc. Hỏa hoạn sẽ không xảy ra nếu như chuông báo cháy không bị trẻ con đập vỡ, hoặc dây điện sẽ không chập cháy gây ra hỏa hoạn nếu như người lớn tắt điều hòa khi ra ngoài. Hỏa hoạn sẽ không xảy ra nếu như người ta không mang bếp than vào chung cư, bếp ga được bảo dưỡng định kỳ hoặc đi sửa cái xe máy bị chảy xăng trước khi cho vào hầm chung cư...Thiệt hại về nhân mạng cũng sẽ không lớn nếu như người ta không chèn cửa thoát hiểm hoặc đỗ xe che mất họng cứu hỏa...Tuy nhiên với những mô hình sống "hiện đại" học của phương Tây nhưng chất lượng kiểu Việt Nam như hiện nay thì hỏa hoạn là nguy cơ nhìn thấy vấn đề chỉ còn là thời gian. Cho dù có thể ngày hôm nay nhìn đám cháy ở tòa nhà khác người ta rút ra bài học này, mai thấy đám cháy ở tòa nhà kia rút ra bài học kia nhưng rồi đâu cũng vào đấy cả vì không ai chống lại được sự ảnh hưởng của môi trường từ năm này qua tháng khác. Không phải bây giờ mới xảy ra cháy ở chung cư, trước chung cư Carina Plaza đã có nhiều vụ cháy và nhiều kinh nghiệm đã được rút ra, nên nếu Carina không cháy bây giờ thì nó cũng sẽ cháy vào lúc khác bởi chính những tất yếu về kỹ thuật và ý thức dân cư của nó. Cũng giống như khi ta đọc một quyển sách tâm đắc, những điều viết trong sách tác động đến ta hừng hực nhưng sau khi đóng quyển sách lại thì nhuệ khí giảm đi chút ít, sau 1 ngày giảm đi một phần, sau 1 tuần giảm đi kha khá, sau 1 tháng thì nhuệ khí không còn nhiều, sau 1 năm có khi chẳng nhớ đã đọc nó như thế nào. Người ta nghĩ rằng có thể thoát nạn bằng cách rèn luyện kỹ năng này, thiết bị nọ hoặc rà soát lại toàn bộ hệ thống PCCC, tăng khung hình phạt nhưng việc đó cũng chỉ như đọc sách, gập quyển sách vào là lại coi thường tất cả. Dù ngày hôm nay người ta rút ra bài học thiệt hại lớn về nhân mạng ở Carina do cửa thoát hiểm bị chèn dẫn đến khói tràn lên phía trên, nhưng vài tháng nữa bài học đó sẽ bị lãng quên ngay vì nhu cầu cần thoáng khí cho hành lang. Hỏa hoạn không xảy ra khi người ta đã thành thạo các kỹ năng hay khi các thiết bị kỹ thuật còn tốt, mà hỏa hoạn luôn xảy ra vào những thời điểm bất ngờ nhất, là khi người ta bấn loạn vì các vấn đề cuộc sống quên hết các kỹ năng, khi các mặt nạ phòng độc, các họng báo cháy không có tác dụng. Không thể cứ mãi ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ chung cư ở VN bằng kinh nghiệm và các bài học rút ra trên sinh mạng của người dân vì không bao giờ học hết bài mà phải ngăn ngừa bằng cách kiến tạo các mô hình không gian sống phù hợp với môi trường và lối sống của người Việt Nam.
Còn xét sâu hơn nữa từ góc độ phong thủy, theo nguyên lý "môi trường sẽ quyết định tất cả những hình thái phát triển trên đó", với những không gian căn hộ hiện đại dập khuôn thiết kế từ nước ngoài như đã nói ở trên sẽ hướng con người ta lối sống hào nhoáng, hình thức, dễ vay mượn, thích hưởng thụ, chú trọng quan hệ xã hội, coi nhẹ gia đình. Càng ở lâu thì các mối quan hệ gia đình càng trở nên lỏng lẻo, mâu thuẫn gia tăng; nhiều tham vọng, nhiều kế hoạch nhưng đa phần là dựa trên nền tảng vay mượn và kết quả tất yếu là sẽ đến ngày đổ vỡ, bệnh tật. Không những thế, một nguy cơ lớn hơn mang tầm vĩ mô, đó là các căn hộ chưng cư kiểu mới này đang là xu hướng tìm đến của đa số thành phần trung lưu trí thức, và công chức thi hành của bộ máy Nhà nước. Đây là thành phần có vai trò liên kết truyền chuyển động giữa người dân bên dưới với thượng tầng kiến trúc và ngược lại. Nhưng khi tầng lớp này bị cuốn theo lối sống vật chất hình thức, tư duy tùy tiện, vướng vào nợ nần thì dẫu cụ Tổng, rồi đến cụ Lý miệt mài "đốt lò" cũng không thể ngăn cản được tham nhũng và sự đổ vỡ hệ thống, diệt đồng chí này sẽ lại có đồng chí khác, các đồng chí ấy mọc nhanh như căn hộ chung cư ở Hà Nội. Trước đây chỉ vài dự án, vài nghìn căn hộ kiểu mới thì không sao, là hay là lạ, nhưng khi đã thành xu hướng lớn thì đó là bất ổn. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề ung thư, ngoại tình ở đô thị, nợ công ngày càng tỷ lệ thuận với sự gia tăng của các căn hộ hiện đại.
Các mô hình chung cư hiện đại phù hợp với các nước phát triển không chỉ bởi vì lối sống, môi trường khí hậu khô lạnh mà còn vì nền tảng kinh tế xã hội của họ đã rất tốt nên các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình an toàn luôn vận hành chặt chẽ. Và vì nền tảng xã hội tốt nên họ nếu có phải vay mượn hay trả góp thì cơ hội để họ kiếm được việc làm duy trì ổn định việc trả nợ không phải khó. Vay mượn không xấu nếu nó phát huy được giá trị và luôn duy trì được các nghĩa vụ tài chính trên nền tảng kinh tế xã hội ổn định. Nhưng một quốc gia còn đang phát triển, kinh tế - xã hội còn thiếu tính ổn định từ hạ tầng cho đến luật pháp như Việt Nam mà đại trà theo đuổi lối sống của phương Tây, kỳ vọng quá nhiều vào các kế hoạch tài chính vay trả thì nhiều khi chỉ là may rủi. Áp lực tài chính sẽ tham gia vào nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực.
Việc biết mình đang ở đâu rất quan trọng, Hà Nội và Việt Nam vẫn còn giống như một cái làng nhỏ trong cái làng lớn, pháp luật không áp dụng cho tất cả nên nếu cứ tiếp tục học theo kiểu phương Tây thì thảm họa cháy nổ tiếp diễn chỉ là vấn đề thời gian.
Con người là trung tâm của vạn vật nhưng chúng ta chưa thực sự hiểu rõ chúng ta như thế nào thì đi tắt sẽ lao vào bụi rậm, đón đầu sẽ rơi xuống vách núi. Nếu xét tương quan lịch sử phát triển của quốc gia thì với đà này chúng ta đang tiến rất nhanh đến bụi rậm và vách núi.
(phần 2: Vấn đề nhà lối phố)