-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Khó kiếm sống, lao động lại đổ về quêCafeF - Thứ 7, 07/07/2012, 09:05Kinh tế khó khăn, ngành xây dựng gần như "chết yểu", những gánh hàng rong ngày một thưa khách... , sống chật vật ở Thủ đô với thu nhập bấp bênh khiến lao động tỉnh lẻ tiếp tục tìm đường về quê.
Nhiều lao động bán rong quyết định bỏ nghề về quê kiếm sống (ảnh minh họa - timnhanh)Cứ 3h sáng, khi mặt trời chưa mọc, khu trọ dành cho người bán hàng rong trên đường Hàm Tử Quan, gần bãi sông Hồng, bắt đầu nhộn nhịp kẻ ra, người vào, chuẩn bị lên đường bắt đầu một ngày lao động mới.
Thế nhưng hôm nay, anh Trần Hoàng Điệp, quê ở Hưng Yên lên Hà Nội bán hoa quả rong, không dậy sớm như mọi khi. 6h sáng, mang hơn chục quả bưởi còn sót lại vì ế ẩm, anh Điệp cho biết đây sẽ là chuyến hàng cuối cùng. Sau khi bán hết số bưởi này, anh sẽ về quê.
"Xa nhà, xa vợ con lên đây để kiếm tiền nhưng mà khó khăn quá. Phơi mình ra đường từ sáng đến tối, đi khắp các ngõ ngách mà tính ra chỉ kiếm được vài chục đến hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Hôm nào bị công an phạt thì coi như mất toi 2 ngày công. Giờ về quê trông vào mấy sào ruộng cũng không ổn, nhưng tạm thời cứ về rồi bàn tính tiếp, ít ra còn được ở gần vợ con", anh Điệp tâm sự.
Đồng cảnh ngộ như anh Điệp, chị Trần Thị Trang ở Cát Quế, Hoài Đức, cũng đang có ý định bỏ nghề. Đi bán hàng rong ở Hà Nội được gần 10 năm, chị Trang kể rằng chưa bao giờ lâm vào tình cảnh khó khăn như lúc này.
"Tiền hàng, tiền chi phí sinh hoạt, đi lại, ăn ở ngày càng cao trong khi đó nhu cầu mua của người dân ngày càng giảm. Mấy hôm nay, thời tiết lại thay đổi thất thường, lúc mưa lúc nắng, thành ra mua vào thì đắt, buổi tối phải bán rẻ hòa vốn. Mấy loại quả mau hỏng có khi phải bán lỗ vốn cho hết hàng", chị than thở.
Anh Điệp, chị Trang chỉ là hai trong số nhiều lao động ngoại tỉnh đang có ý định rời bỏ Thủ đô để về quê kiếm sống. Phần lớn những người này đều túng thiếu, chỉ làm ruộng nên không thể đủ ăn. Họ lên Hà Nội hy vọng có "đồng ra, đồng vào". Với vốn ít, họ lựa chọn những nghề buôn bán nhỏ hay lao động chân tay là chính như bán hoa quả dạo, bán rau, hay nhận làm chân thợ xây, phụ hồ,...
Song, tế khó khăn, ngành xây dựng gần như "chết yểu", những gánh hàng rong ngày một thưa khách... , sống chật vật ở Thủ đô với thu nhập bấp bênh khiến lao động tỉnh lẻ tiếp tục tìm đường về quê.
Anh Trần Văn Chung (Kiến Xương, Thái Bình) vừa về quê sau nhiều năm vật lộn trên Thủ đô với đủ thứ nghề, từ phụ hồ đến khuân vác... Anh Chung cho biết, trước đây anh là công nhân trong một nhà máy gạch gần nhà. Làm được một thời gian, nhà máy phá sản, anh cùng nhóm thanh niên trong làng lên Hà Nội làm nghề phụ hồ. Tuy nhiên, nửa năm trở lại đây, nhu cầu xây dựng nhà cửa gần như không có. Nhà thuê, điện, nước và các khoản chi tiêu đều tăng lên. Nhận thấy không thể trụ lại tại Hà Nội, anh Chung quyết định về lại Thái Bình.
Ở quê, ngoài việc giúp vợ chuyện đồng áng, anh Chung còn mở thêm một cửa hàng bán tạp hóa nhỏ. Cuộc sống tuy vất vả nhưng vẫn đỡ chật vật hơn ở Thủ đô. "Giờ chỉ mong Nhà nước hay doanh nghiệp nào đấy mở một công ty hay xí nghiệp sản xuất ở gần nhà rồi tuyển mình làm công nhân, như vậy mình cũng được ở gần vợ con, lại không phải lên Hà Nội kiếm tiền vất vả là được rồi", anh ao ước.
Không chỉ lao động ngoại tỉnh, ngay cả những công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp cũng phải đắn đo.
"Những tưởng lên phố sẽ đổi đời, vì nếu tính ra, lương công nhân cao hơn nhiều so với ở quê làm ruộng. Nhưng lên đây rồi mới biết, khổ trăm bề. Lương không đủ sống nói gì đến tiết kiệm hay gửi về quê", Lê Thị Hải Yến, quê ở Hà Nam, than thở.
Làm công nhân thời vụ tại một công ty tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) được hơn 2 tháng thì Yến nghỉ. "Làm không được ngồi mà phải đứng cả ngày, đến khi họp cũng phải đứng. Lương mỗi tháng được 2 triệu đồng, trả tiền nhà và những khoản chi tiêu hằng ngày thì hết nhẵn, chẳng tiết kiệm được đồng nào. Công việc vừa vất vả vừa lặp lại nhàm chán, giờ em muốn về quê kiếm việc nào lương thấp hơn cũng được", Yến nói. Hai người bạn cùng chỗ trọ với Yến cũng đang có ý định tương tự.
Tình trạng lao động tự do không kiếm việc làm trở về quê không phải làm hiếm. Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ một dãy nhà trọ ở làng Hậu, Đông Anh, nói rằng bà đã quá quen cảnh lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm sống, sau một thời gian lại tìm đường về quê.
"Với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, mất mấy trăm nghìn đồng tiền nhà, công việc lại không ổn định nên nhiều người bỏ về quê", bà Ngọc cho hay.