Chủ tịch SSI: Năm 2012, giá trị dòng tiền sẽ nhân 4 lần sức mạnh Thứ 5, 29/12/2011, 11:28
Giá trị của tiền có thể thấy rõ khi với 1 tỷ đồng lúc này nếu đầu tư có thể sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 4-6 tỷ đồng chỉ cách đây 3 năm trước. Những khó khăn vĩ mô của kinh tế thế giới và Việt Nam đã khiến TTCK suy thoái nghiêm trọng hơn 2 năm qua và chưa rõ dấu hiệu phục hồi ổn định trong năm tới, 2012. Nhưng trong cách nhìn của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, thì chính sự suy giảm quá đà đó khiến cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp tốt đang ngày càng lộ diện. Sức mạnh của dòng tiền đang ngày càng rõ nét khi giá trị 1 tỷ đồng lúc này nếu đầu tư có thể sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 4-6 tỷ đồng cách đây 3 năm. Năm 2011 khép lại với rất nhiều khó khăn, rất nhiều trăn trở. Nếu nói về một điểm sáng của năm 2011, ông sẽ nói điều gì? Ông Nguyễn Duy Hưng: Điểm sáng lớn nhất của năm 2011 là nền kinh tế đã không để xảy ra sự đổ vỡ đáng kể nào. Đó là một nỗ lực lớn đáng ghi nhận, khi Chính phủ điều hành nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát rất cao (gần 19%) và lãi suất lên tới 18-26%/năm. Năm 2012, Chính phủ đã công bố thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát xuống dưới 10%, giảm lãi suất và phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP 6-6,5%. Mục tiêu này sẽ tiếp tục là một thách thức, vì thực tế, dù đã có dấu hiệu cải thiện hơn vào những tháng cuối năm 2011, nhưng khả năng cân đối được các chỉ tiêu kinh tế lớn vẫn là một câu hỏi ngỏ chờ lời giải đáp vào năm 2012. Như ý ông thì sang năm mới, nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức cũ? Ông Nguyễn Duy Hưng: Đúng vậy. Năm 2011, để thực hiện mục tiêu giảm lạm phát, Chính phủ đã kiên quyết thắt chặt chính sách tiền tệ. Lãi suất ngân hàng tăng quá cao trong năm ngoái đã làm suy giảm nghiêm trọng hiệu quả hoạt động của đại đa số doanh nghiệp. Năm 2012, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, nên cũng đã phát đi thông điệp sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt. Từ định hướng này có thể thấy nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, sẽ vẫn khó tiếp cận được dòng vốn tín dụng từ ngân hàng. Thị trường bất động sản vì thế có thể sẽ còn suy giảm và có thể sẽ khó khăn hơn cả năm 2011 khi chưa thấy có dấu hiệu cải thiện căn bản về tính thanh khoản và giá bất động sản trong năm này. Nếu nói thị trường bất động sản của năm 2011 và năm 2012 là suy thoái và suy thoái chưa thấy điểm dừng, thì TTCK nên được nhìn nhận như thế nào, thưa ông? Ông Nguyễn Duy Hưng: Cũng như các TTCK quốc tế, diễn biến của TTCK Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các tín hiệu kinh tế vĩ mô. Năm 2011, hai chỉ số chứng khoán tại Việt Nam đã suy giảm rất mạnh, VN-Index giảm 34%, còn HNX-Index giảm trên 50%, khiến giá cổ phiếu, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, đang trở nên quá rẻ. P/E của TTCK Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2011 chỉ còn 5 lần, là mức thấp nhất so với các TTCK quốc tế. Sự khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu cộng với chính sách thắt chặt tín dụng tại Việt Nam khiến dòng tiền đầu tư năm 2012 là rất hạn chế, nhưng tôi cho rằng, năm 2012 là thời điểm dòng tiền thật có cơ hội chọn lọc và quay trở lại những doanh nghiệp tốt trong các ngành kinh tế cơ bản của Việt Nam. Cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt trong các ngành cơ bản như nông nghiệp, thủy sản, tiêu dùng, viễn thông... vẫn có khả năng hút vốn và phục hồi. Dòng tiền thật ở đâu, thưa ông? Vì sao ông tin rằng, dòng tiền này sẽ chảy vào chứng khoán? Ông Nguyễn Duy Hưng: Dù trải qua một năm 2011 nhiều khó khăn, nhưng không phải tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đều cạn kiệt. Dòng tiền vẫn còn rất nhiều, tại những chủ thể có khả năng cân đối tài chính và không chịu áp lực vốn vay. Giá trị của tiền có thể thấy rõ khi với giá trị 1 tỷ đồng lúc này nếu đầu tư có thể sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 4-6 tỷ đồng chỉ cách đây 3 năm trước. Tôi tin dòng tiền sẽ chảy vào chứng khoán, vì nếu chọn được doanh nghiệp tốt - những doanh nghiệp đứng vững ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất - thì việc đầu tư là an toàn và có khả năng sinh lợi là cao khi thị trường hồi phục. Thông điệp từ Bộ Tài chính cho biết, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, năm 2012 sẽ là năm tái cấu trúc toàn diện TTCK Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng thị trường và bước thực thi quá trình tái cấu trúc này? Ông Nguyễn Duy Hưng: Hiện trạng TTCK đang ở mức đáng lo ngại, không chỉ vì giá cổ phiếu suy giảm quá đà, mà điều quan trọng nhất, TTCK đã không thực hiện tốt chức năng là kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Năm 2012, việc TTCK có thực hiện được chức năng này hay không là một thách thức, không chỉ bởi bản thân các doanh nghiệp, vì môi trường kinh doanh khó khăn nên không đủ sức hấp dẫn, mà còn bởi niềm tin của nhà đầu tư đang bị suy giảm nặng nề. Bước vào năm 2012, việc Bộ Tài chính phát đi thông điệp tái cấu trúc toàn diện TTCK là rất cần thiết, để khôi phục những chức năng cơ bản của thị trường này và lấy lại niềm tin của công chúng. Tuy nhiên, theo tôi, quá trình tái cấu trúc sẽ chỉ thực sự hiệu quả nếu được thực hiện một cách minh bạch và quyết liệt trên cơ sở pháp luật nghiêm minh và rõ ràng. Tái cấu trúc là phải chấp nhận cho đổ vỡ những thực thể đáng đổ vỡ mới có thể tránh việc lây lan cả hệ thống, mới có thể khuyến khích những chủ thể tốt nhân rộng và vươn lên. Xin cảm ơn ông! Theo Tường Vi NDHMoney | |