-------------------------------------------------------------------------------------
Trung Đông trong nước sôi lửa bỏngCafeF-Thứ 2, 28/11/2011, 09:39Tình hình tại Trung Đông những ngày qua sục sôi với những diễn biến phức tạp. Những sự đối đầu từ bên trong và bên ngoài biến khu vực này thành một điểm nóng khiến cả thế giới phải dõi theo.
Từ Cairo tới Damascus, từ Tehran tới Sanaa, ở đâu người ta cũng thấy những mầm mống bạo lực và chiến tranh đang được nhen lên từng ngày. Sau "Mùa xuân Arab" ở Bắc Phi, thế giới đang nín thở chờ xem điều gì sẽ xảy ra tại Ai Cập, Syria, Iran và Yemen.
Bất ổn leo thangMối quan hệ căng thẳng giữa Israel và Iran châm ngòi cho giai đoạn bất ổn của cả khu vực Trung Đông. Từ đầu tháng này, Tổng thống Israel Shimon Peres, Thủ tướng Benjamin Netanyahu rồi Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak lần lượt tuyên bố về khả năng tấn công Iran cũng như bày tỏ việc không e ngại thương vong nếu phải thực hiện hành động quân sự nhằm vào Tehran.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) càng "đổ thêm dầu vào lửa" khi công bố bản báo cáo mới về chương trình hạt nhân của Iran, trong đó nhấn mạnh quốc gia Hồi giáo đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân và chưa bao giờ tiến gần việc chế tạo bom nguyên tử như hiện nay. Như thường lệ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad bác bỏ thông tin trên và tuyên bố Tehran sẽ không lùi một bước nào khỏi con đường đã chọn.
Ngày 12/11, một vụ nổ bí ẩn xảy ra tại một căn cứ quân sự gần thủ đô Tehran. Ít nhất 17 người thiệt mạng trong vụ việc này, bao gồm các binh sĩ và cả một số quan chức phụ trách chương trình tên lửa của Iran. Cho tới nay, Tehran vẫn chưa có thông báo chính thức nào về nguyên nhân vụ nổ, nhưng báo chí Israel từng đưa tin với ngụ ý chính phủ nước họ đứng sau vụ việc này.
Khi căng thẳng Israel và Iran tạm lắng xuống trong những ngày qua, sự chú ý của dư luận lại dồn cả cho làn sóng bạo lực mới tại Ai Cập. Bùng phát từ ngày 19/11, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Những thanh niên Ai Cập, thành phần chủ chốt cho cuộc cách mạng dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Hosni Mubarak hồi tháng 2, một lần nữa xuống đường biểu tình với đòi hỏi những lãnh đạo quân sự ở đất nước này rút lui.
Trước sức ép quá lớn, các thành viên của nội các được thành lập thời hậu Mubarak đã đồng loạt đệ đơn từ chức và được giới quân sự chấp thuận. Chính các Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang Ai Cập (SCAF) sau đó cũng phải tuyên bố không có tham vọng nắm giữ quyền lực và sẵn sàng chuyển giao nếu người dân mong muốn. Hôm 24/11, SCAF chỉ định ông Kamal Ganzouri làm thủ tướng mới của Ai Cập.
Tuy nhiên, những động thái của các lãnh đạo quân sự không khiến người biểu tình hài lòng. Họ muốn SCAF rút lui ngay lập tức để một chính phủ dân sự được thành lập tại Ai Cập. Bạo lực vì thế vẫn tiếp diễn tại thủ đô Cairo, với tâm điểm là quảng trường Tahrir, và nhiều thành phố lớn khác.
Syria cũng "góp lửa" cho "vạc dầu" Trung Đông vốn đang sôi sùng sục. Tổng thống Bashar al-Assad vẫn giữ vững lập trường và quyết không từ chức, bất chấp những sức ép ngày một gia tăng cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Không chỉ Mỹ và các nước phương Tây, Liên đoàn Arab giờ đây cũng vào cuộc với việc áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt đối với Syria. Bạo lực vẫn leo thang từng ngày ở Syria, với thống kê về số người thiệt mạng liên tục tăng lên.
Tình hình tại Yemen được coi là ít nóng nhất tại Trung Đông lúc này, sau khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh chấp nhận từ bỏ quyền lực, mở ra một trang mới trong lịch sử quốc gia. Với quyết định từ chức theo kiểu "hẹn giờ" trong 90 ngày tới, ông Saleh là nhà lãnh đạo thứ tư tại Bắc Phi và Trung Đông phải chia tay quyền lực tối cao, sau các ông Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ben Ali ở Tunisia và Moammar Gadhafi ở Libya. Thế nhưng, Yemen vẫn còn những nguy cơ bất ổn, trong bối cảnh bạo lực vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn dù ngày bầu cử tổng thống đã được ấn định là 21/2/2012.
Nguy cơ xung đột và chiến tranhThế đối đầu Israel - Iran, tình hình căng thẳng ở Syria cùng với những động thái của các quốc gia ngoài Trung Đông khiến người ta lo ngại xung đột và chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Mỹ hôm 12/11 điều các hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush và USS John C. Stennis vượt qua eo biển Hormuz để vào vịnh Ba Tư. Hai tàu sân bay này sau đó thả neo ở vị trí đối diện bờ biển Iran. Động thái quân sự này diễn ra đúng vào ngày xảy ra vụ nổ ở căn cứ quân sự gần thủ đô Tehran của quốc gia Hồi giáo.
Không lâu sau khi Mỹ "động binh", Nga hôm 17/11 điều 3 tàu hải quân tới Địa Trung Hải và nhằm thẳng hướng bờ biển của Syria. Bốn ngày sau, các nguồn tin thân cận của tổng thống Syria tại thủ đô Damascus cho biết 3 tàu chiến của Nga đã vào tới lãnh hải nước này, và neo đậu phía ngoài cảng biển Tartus, nơi có một căn cứ quân sự của Nga.
Ngoài Mỹ và Nga, Canada mới đây cũng tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện của tàu khu trục HMCS Vancouver tại Địa Trung Hải cho tới đầu năm 2012, do nhận thức rõ tình hình bất ổn ở Syria, Toronto Sun đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay còn cho hay sự hiện diện của hải quân nước này tại Địa Trung Hải sẽ kéo dài tới cuối năm sau. Khu trục hạm HMCS Charlottetown sẽ "đổi gác" cho HMCS Vancouver trong năm 2012.
Tình hình tại Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khi Mỹ mới đây điều siêu tàu sân bay USS George H.W. Bush vòng ngược từ vịnh Ba Tư ra Ấn Độ Dương rồi qua kênh đào Suez vào Địa Trung Hải, để neo đậu ngoài khơi Syria. Gần như ngay lập tức, hàng không mẫu hạm Kuznetsov của Nga được nhìn thấy tại Địa Trung Hải và đang trên đường tiến gần tới lãnh hải của Syria.
Các nguồn tin khác nhau cho biết hải quân Nga và quân đội Israel sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung vào tuần tới gần vùng đặc quyền kinh tế của Síp, cách không xa bờ biển Syria. Cuộc tập trận này dự kiến diễn ra từ ngày 28/11 và kéo dài trong một tuần. Giới quan sát cho rằng động thái này của Nga được nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Moscow có những lợi ích ở khu vực này, và sẽ bảo vệ những lợi ích đó.
Người ta bắt đầu hình dung một kịch bản dành cho Syria tương tự như những gì đã xảy ra tại Libya. Liên đoàn Arab và Pháp nỗ lực vận động việc thiết lập một vùng cấm bay tại Syria. Các lệnh trừng phạt vừa được Liên đoàn Arab đưa ra dành cho quốc gia 23 triệu dân. Mỹ và nhiều nước khác khuyến cáo công dân rời Syria. Bạo lực leo thang tại Syria khi các phe đối đầu không chịu lùi bước. Tất cả những diễn biến này khiến dư luận nghĩ về viễn cảnh một "Libya thứ hai". Syria đang đứng bên miệng vực chiến tranh.
Bên cạnh sự đối đầu Israel - Iran và điểm nóng Syria, làn sóng bạo lực tại Ai Cập cũng khiến tất cả phải quan tâm. Không ai có thể chắc chắn khi nào tình trạng bất ổn ở đất nước này mới chấm dứt, khi những cuộc biểu tình và đụng độ cứ liên tiếp diễn ra từ ngày này qua ngày khác. Ngày hôm nay sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Ai Cập thời hậu Mubarak, nhưng diễn biến dân chủ này được đánh dấu ngay từ đầu bởi lời đe dọa của các nhà cầm quyền quân sự, rằng họ sẽ bắn những người bị cho là "gây rối". Và ngay cả khi một chính phủ dân sự nếu được thành lập, cũng chưa có gì đảm bảo rằng đó sẽ là đoạn kết có hậu cho đất nước của những Kim Tự Tháp. Ai Cập đã biến đổi rất nhiều sau "Mùa xuân Arab".
Theo Phan Lê
VnExpress