Không chỉ những CTCK thua lỗ, nợ nần chồng chất mới khổ sở mà ngay cả CTCK nhiều tiền cũng rơi vào thế khó. Động đậy là “chết”Quý III-2012, CTCK Kim Long (KLS) lỗ hơn 90 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán lên đến gần 120 tỷ đồng. Tại thời điểm 30-6-2012, giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của KLS chỉ ở mức xấp xỉ 650 tỷ đồng (dự phòng giảm giá hơn 110 tỷ đồng) nhưng đến 30-9 đã lên đến gần 960 tỷ đồng (dự phòng giảm giá hơn 230 tỷ đồng).
6 tháng đầu năm 2012, giá trị đầu tư ngắn hạn của CTCK Xuân Thành (VIX) đã tăng gần 3 lần, từ hơn 80 tỷ đồng lên gần 220 tỷ đồng và công ty lãi gần 20 tỷ đồng.
Sang đến quý III, VIX tiếp tục gia tăng đầu tư ngắn hạn từ 220 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng, nhưng các khoản dự phòng giảm giá của VIX còn gia tăng mạnh hơn khi từ 15 tỷ đồng (cuối quý II) tăng lên gần 95 tỷ đồng. Điều này khiến VIX bị lỗ gần 80 tỷ đồng.
KLS là một trong những CTCK có lượng tiền mặt lớn nhất, trong khi VIX vẫn đẩy mạnh tự doanh trong những tháng qua cũng không phải “tay vừa”. Thực tế, hoạt động tự doanh của hầu hết CTCK nếu không án binh bất động cũng gần như tê liệt trong 1-2 năm qua, chính vì vậy mới thấy được sự “dũng cảm” của KLS và VIX như thế nào.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, rủi ro dành cho hoạt động tự doanh còn lớn hơn cả lợi nhuận, thậm chí càng “đổ” nhiều tiền càng lỗ lớn. Nói như một người có thâm niên trong ngành chứng khoán, nếu số tiền CTCK giải ngân từ trăm tỷ đồng trở lên, dù thị trường không giảm, cửa có lãi cũng rất khó khăn.
Ngồi không cũng “chết”Với diễn biến của TTCK từ tháng 5 đến nay, nếu CTCK tự doanh không bị thua lỗ mới là chuyện lạ, còn lỗ như VIX hay KLS là chuyện bình thường. Đến đây sẽ có ý kiến cho rằng nếu biết thị trường rủi ro tại sao lại không “ngồi yên” đem tiền gửi ngân hàng?
Rõ ràng việc doanh nghiệp đem tiền gửi ngân hàng không phải là động thái tích cực cho lắm. Ở đây cũng không thể đòi hỏi KLS hay VIX tập trung vào hoạt động môi giới, vì không phải là sở trường của họ.
Và giả sử 2 công ty có ý định tập trung cho môi giới thì chi phí bỏ ra để đuổi theo các đối thủ đã bỏ xa mình không hề đơn giản. Suy cho cùng, doanh nghiệp phải hoạt động và đối với KLS, VIX, việc tập trung cho tự doanh vẫn khả dĩ nhất trên phương diện… tiêu tiền.
NĐT trông chờ những giải pháp mạnh quản lý hoạt động tự doanh của CTCK.
Nhưng đến đây lại xuất hiện một loạt vấn đề khác phức tạp hơn. Việc KLS và VIX vẫn tiến hành tự doanh ngoài kỳ vọng kiếm lời còn có tác dụng duy trì độ nhạy với thị trường để có thể sẵn sàng bắt kịp khi xu hướng phục hồi xuất hiện. Tuy nhiên, khi chi phí để duy trì “độ nhạy” được đẩy lên quá giới hạn, thua lỗ nhiều hơn, tất yếu doanh nghiệp sẽ phải lui về thế phòng thủ.
Và giả sử khi các CTCK “đuối”, lại là lúc thị trường phục hồi, thì sẽ như thế nào? Khả năng CTCK từ chỗ mạnh dạn trở nên e ngại thua lỗ, mất tiền nên không dám giải ngân, dẫn đến mất cơ hội sinh lời hoàn toàn có thể xảy ra.
Lúc này thay vì giải ngân, CTCK lại đem tiền gửi ngân hàng, đó là một sự lãng phí không chỉ ở khía cạnh hiệu quả doanh nghiệp mà thị trường cũng mất đi một nguồn tiền đáng kể. Đến khi không kìm được lòng tham, quyết định “vung tiền”, có thể đó lại là đỉnh của thị trường và nguy cơ thua lỗ sau đó rất lớn.
Vòng tròn kém hiệu quả này chỉ được hóa giải với 2 yếu tố. Thứ nhất, các CTCK nếu tiếp tục lựa chọn tự doanh làm hoạt động chính sẽ phải có sự thay đổi lớn. Kiểu giải ngân “võ biền” phải thay đổi, như việc tìm CP dưới sàn rồi tư vấn niêm yết lên sàn, đẩy giá lên cao rồi xả hàng sẽ khó lòng lặp lại.
Những sự thay đổi này sẽ diễn ra trong thời gian dài chứ không chỉ trong vài tháng hay vài quý để đạt được hiệu quả. Thứ hai, các cơ quan quản lý sẽ có giải pháp như thế nào với các CTCK lựa chọn tự doanh làm hoạt động chính. Tự doanh vốn dĩ rủi ro, mà càng rủi ro càng phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo vệ cổ đông cũng như bảo vệ thị trường.
Ở đây, tác động của các cơ quan quản lý không chỉ có tác dụng “siết” những CTCK tự doanh, mà còn có tác dụng định hướng CTCK. Rõ ràng, khi CTCK được áp những chuẩn quản lý chặt chẽ hơn, tự bản thân hoạt động của CTCK sẽ ít rủi ro và bài bản hơn.
Theo Nguyễn Minh Hà (TPHCM)
Sài gòn đầu tư tài chính