Triều cường vượt kỷ lục, TP.HCM ngập nặng
Thứ Năm, 18/10/2012, 07:34 (GMT+7)
TT - Ngày 17-10, triều cường trên sông Sài Gòn đã vượt qua mốc lịch sử 1,59m (năm 2011), đạt 1,64m, khiến nhiều khu vực tại TP.HCM ngập nặng.
"Đỉnh triều tại Vũng Tàu chỉ cao thêm vài mm/năm trong khi tại TP.HCM đỉnh triều cao gấp 5-6 lần nên không thể đổ thừa cho tình trạng biến đổi khí hậu, mà phải thấy chủ yếu là do tác động của con người" Ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM) |
Khoảng 17g ngày 17-10, tại đường Bến Phú Định, P16, Q.8, nước sông dâng cao và tràn ồ ạt lên đường. Chỉ sau khoảng 30 phút, cả con đường này bị nhấn chìm trong nước. Hàng trăm người dân trên đường đi làm về phải bì bõm lội trong nước sâu hơn nửa mét. Nhiều mảng bèo từ sông trôi dạt vào lòng đường khiến xe cộ đi lại càng khó khăn. Đến 18g cùng ngày, đường ngập khoảng 0,7m, hàng trăm xe bị chết máy. Nhiều người dắt xe đi bộ đến nửa đường thì nước ngập quá sâu phải quay đầu xe lại để tìm lối khác.
Hàng loạt tuyến đường khác như Bến Bình Đông (Q.8), Dương Tử Giang (Q.5), Lương Định Của (Q.2), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (Q.7)... cũng bị ngập sâu trong nước.
Sáng cùng ngày, triều cường biến quốc lộ 1 (đoạn P.Tân Tạo, Q.Bình Tân kéo dài đến huyện Bình Chánh) thành... sông. Có nơi nước ngập gần đến yên xe máy khiến hàng ngàn xe cộ nối đuôi nhau ùn ứ kéo dài khoảng 2km. Người dân hai bên đường phải dùng bao cát, ván chắn trước cửa nhà nhưng cũng không ngăn nổi nước tràn vào nhà mỗi khi có ôtô chạy qua. Mặt đường ở khu vực này có nhiều ổ gà nên người dân phải dùng rào chắn để cảnh báo. Đường Dương Đình Cúc, một phần quốc lộ 1 (H.Bình Chánh), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân)... cũng ngập nặng.
Triều cường cũng tấn công Trường mầm non Vành Khuyên ở xã Phước Lộc (H.Nhà Bè) liên tục mấy ngày qua khiến hơn 360 trẻ của trường phải sinh hoạt trong cảnh nước ngập.
Do san lấp mà ra
Theo ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, triều cường cao do tác động cộng hưởng từ việc xả lũ hồ Dầu Tiếng. Mặc dù hồ Dầu Tiếng đã ngưng xả lũ từ ngày 15-10, nhưng trước đó có thời điểm hồ này xả hơn 100m3 nước/giây và lượng nước này khoảng hai ngày sau mới tới TP trùng với triều đang lên. Gió mùa đông bắc đẩy mạnh nước biển dồn về các cửa sông cũng là một trong những yếu tố làm triều cường cao hơn.
Trong khi đó, ông Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc xả nước hồ Dầu Tiếng, thủy điện Trị An và tác động của gió mùa đông bắc chỉ ảnh hưởng một phần đến đỉnh triều tại TP.
“Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do san lấp quá nhiều trong thời gian qua. Việc san lấp đã lấy đi diện tích khổng lồ để chứa nước. Nhiều nơi đã xây bờ bao kiên cố nên hết ngập nhưng việc này đã góp phần làm đỉnh triều trên sông rạch cao hơn, những khu vực còn ngập sẽ bị ngập nặng hơn” - ông Phi nói.
Ông Phi cũng cho biết Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu đã chạy thử mô hình trong điều kiện đô thị TP của những năm 1985 với tình hình triều cường như hiện nay thì đỉnh triều cao nhất chỉ đạt khoảng 1,4m chứ không cao đến 1,6m như hiện nay.
Triều cường “lịch sử” kết hợp mưa đã làm nhiều khu vực trước đây cơ bản hết ngập nay tái ngập. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (Trung tâm chống ngập) TP, ngày 16-10 có trận mưa 50mm (chỉ tập trung khu vực Q.5, Q.6) và đỉnh triều cường đạt 1,59m, gây ngập 16 điểm (nhiều hơn một điểm so với trận mưa 60-76mm kết hợp triều cường đạt 1,5m ngày 1-10). Trong đó, hàng loạt tuyến đường xung quanh bến xe Chợ Lớn (Q.5) và khu vực bến Bình Đông (Q.8) bị tái ngập.Nhiều khu vực tái ngập
Ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm chống ngập TP, cho biết trong khi chờ đợi dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 triển khai để chống ngập cho khu vực bến xe Chợ Lớn, Trung tâm chống ngập TP đã thực hiện giải pháp giảm ngập cấp bách bằng bảy dự án cải tạo cống thoát nước cho khu vực này từ năm 2010. Sau khi triển khai dự án, đến nay chỉ ghi nhận có trận mưa gây ngập là trận mưa ngày 1-10 lên đến 70mm. Riêng trận mưa ngày 16-10, tuy chỉ 50mm nhưng cùng lúc triều cường đạt đỉnh 1,59m khiến nước không thể thoát nhanh ra sông rạch.
Ngoài việc mưa kết hợp với triều cường, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP, cho biết việc người dân đổ rác vào các miệng hố ga thu nước cũng là nguyên nhân gây tái ngập khu vực này.
“Tôi cùng anh em xuống hiện trường móc rác tại các hố ga thoát nước trên các tuyến đường xung quanh bến xe Chợ Lớn. Chúng tôi đã mời các tổ dân phố tới chứng kiến việc này. Trên một tuyến cống thiết kế 10 miệng hố ga thu nước mà có tới một nửa bị rác lấp làm sao nước thoát nhanh cho được” - ông Dũng nói.
Còn chuyện tái ngập trên đường Bến Bình Đông, ông Long cho biết tuyến đường này trước đây được xây dựng bờ tường dọc theo sông và lắp van ngăn triều (nước thoát ra cống được nhưng không vào được). Tháng 5-2012, Trung tâm chống ngập TP đã bàn giao lại cho Ban quản lý đầu tư công trình giao thông đô thị (Ban quản lý đại lộ Đông Tây cũ) để xây lại bờ tường cho kiên cố bằng cừ bêtông. Quá trình thi công, đơn vị này đã tháo các van ngăn triều nên mất tác dụng chống ngập khi có triều cường. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư công trình này khắc phục” - ông Long cho biết.
Trả lời câu hỏi vì sao TP đã chi tiền tỉ cho công tác chống ngập nhưng ngập vẫn hoàn ngập, ông Long cho rằng việc chống ngập không thể nói một ngày là xong mà cần có lộ trình hạn chế, xóa dần. Hiện nhiều khu vực bị ngập thường xuyên đã có các dự án chuẩn bị triển khai.
“Với điều kiện hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện như hiện nay thì không thể chịu đựng nổi khi gặp “tổ hợp bất lợi” là mưa to + triều cường cao + xả lũ và còn thêm vấn nạn rác thải nữa” - ông Long nói.
Q.KHẢI - H.KHOA - Q.DUY - N.ẨN
Trung tâm TP Thủ Dầu Một ngập nặng Sáng 17-10, triều cường dâng cao trên sông Sài Gòn kết hợp với việc xả lũ hồ Dầu Tiếng từ nhiều ngày trước đã gây ngập nặng khu vực chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương). Người dân địa phương cho biết đây là đợt triều cường cao nhất từ trước đến nay. Nước lên đột ngột đã ảnh hưởng đến việc buôn bán của các tiểu thương. Các khu dân cư gần chợ Thủ Dầu Một cũng bị ngập nặng (P.Chánh Nghĩa ngập gần nửa mét) khiến việc sinh hoạt và đi lại của người dân rất khó khăn. Trước đó, từ ngày 13 đến 15-10, triều cường dâng cao khiến một số đoạn bờ bao bị tràn nước đã gây ngập cục bộ tại một số nơi thuộc xã Bình Nhâm, P.Lái Thiêu và P.Vĩnh Phú (thị xã Thuận An). NG.NAM |
-------------------------------------------------------------------------------
Không cần biết vì lý do gì, nhưng hệ quả là vấn đề ngập lụt sẽ còn tiếp tục đe dọa TPHCM dài dài.