Đó là nội dung báo cáo đăng trên chuyên san Journal of Consumer Research, do một nhóm chuyên gia Mỹ thực hiện, cho rằng những người tin vào cảm giác của mình có thể liên tục dự đoán những sự kiện trong tương lai chính xác hơn những người không tin vào cảm giác của mình, một phát hiện được gọi là hiệu ứng tiên tri cảm xúc.
Phát hiện này được dựa trên 8 nghiên cứu, trong đó những người tham gia được yêu cầu dự đoán nhiều kết quả khác nhau trong tương lai, từ bầu cử tổng thống Mỹ, sự thành công của nhiều bộ phim, cuộc thi American Idol, những biến động của chỉ số Dow Jones, người chiến thắng giải vô địch bóng bầu dục dành cho các trường đại học và thậm chí cả thời tiết.
Bất kể phương pháp được sử dụng để nghiên cứu là gì, các chuyên gia thuộc Trường kinh doanh Columbia và Đại học Pittsburgh (Mỹ) đều nhận thấy những người tin tưởng vào cảm giác của mình dự đoán chính xác hơn so với nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu giải thích kết quả này thông qua giả thuyết “cửa sổ đặc quyền”.
Ông Michel Tuấn Phạm, giáo sư Trường kinh doanh Columbia và là thành viên của nhóm nghiên cứu, giải thích: Khi dựa vào cảm giác của mình, chúng ta đã tóm lược tất cả các kiến thức, thông tin thu thập được một cách có ý thức và vô thức về thế giới xung quanh. “Theo nghĩa nào đó, cảm giác giúp chúng ta tiếp cận được cửa sổ đặc quyền về kiến thức và thông tin. Đó là cửa sổ mà sự lý luận, phân tích sẽ ngăn chúng ta hình thành nó”.
Theo giả thuyết cửa sổ đặc quyền, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng dường như người tham gia thử nghiệm cần có một số kiến thức liên quan để có thể dự đoán chính xác hơn về tương lai. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu dự đoán thời tiết. Tuy những người tin vào cảm giác của mình cũng đưa ra dự đoán tốt hơn về thời tiết nhưng họ chỉ có thể làm như vậy trong nơi sinh sống của mình.
Giáo sư Leonard Lee giải thích điều này là do họ “không có nền tảng kiến thức giúp thực hiện những dự đoán”. Một ví dụ khác, chỉ những người tham gia có kiến thức nền tảng về mùa bóng bầu dục hiện tại và tin vào cảm giác của mình mới dự đoán chính xác người thắng cuộc tại Giải bóng bầu dục quốc gia dành cho các trường đại học của Mỹ (BCS).