Thời điểm HD 981 xuất hiện trên biển Đông ngay sau khi Mỹ - Trung vừa có cuộc Đối thoại cấp cao và trước chuyến thăm Mỹ của TBT chắc chắn không phải là một sự ngẫu nhiên trùng hợp. Liệu Trung Quốc và Mỹ có thỏa thuận trên lưng chúng ta như năm 1972 hay chỉ là đòn tung hỏa mù gây sức ép với Việt Nam của Trung Quốc.
Xét về thời cuộc thì rõ ràng câu chuyện 1972 hoàn toàn có thể xảy ra khi Mỹ mặc dù mạnh mồm chỉ trích Trung Quốc nhưng thực tế bên trong họ thừa hiểu rằng kẻ thù nguy hiểm hơn là Nga, vì Trung Quốc tuy tiền nhiều nhưng sức mạnh nền tảng quyết định vị thế của một quốc gia là sức mạnh quân sự thì Nga mới thực sự là mối đe dọa với Mỹ cũng như đối với Châu Âu.
Và khi Nga đang sa chân vào khó khăn nhưng TT Putin vẫn cứng rắn thì việc phân rẽ các đối tác của Nga để khiến Nga lâm vào khủng hoảng giúp triệt tiêu nguy cơ sẽ lại là ưu tiên trước mắt của Mỹ. Trung Quốc cũng hiểu rõ điều này, thậm chí chắc chắn họ cũng biết rằng nếu Nga tử thương thì sớm muộn gì cũng đến lượt Trung Quốc nhưng trước những nhu cầu bức thiết trong nước và sức ép của Mỹ thì Trung Quốc vẫn sẽ lựa chọn giải pháp tránh đối đầu, thỏa hiệp với Mỹ những điều khoản bất lợi với Nga để đổi lại những giá trị khác mà trong đó không thể thiếu những "giá trị cốt lõi" của họ ở biển Đông. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có nhiều bạn bè hơn thời điểm 1972, quan hệ ngoại giao đa dạng hơn nhưng nếu Việt Nam không thoát ra được bài toán của các nước lớn thì khi Nga còn phải lo thân, sự giúp đỡ của các nước Asean chỉ mang tính tham khảo, sợ rằng trước sức ép của Trung Quốc vòng quay của lịch sử sẽ lặp lại với chính chúng ta.
Tuy nhiên, thời thế hiện nay tuy về hình thức thì có giống nhưng bản chất thì khác nhiều so với 1972 ở những điểm sau:
- - Thứ nhất, năm 1972 Nga vẫn còn đang rất mạnh, giữa Nga và Trung Quốc mâu thuẫn nghiêm trọng vì “cái Tôi” dân tộc của cả 2 đều lớn, kẻ nào cũng muốn trở thành lãnh đạo. Và Trung Quốc năm 1972 còn rất nghèo đói, tiềm lực yếu nên chỉ cần Mỹ bơm tiền là Trung Quốc sẽ bán rẻ đồng minh và sau đó chỉ có một con đường là tuân thủ cam kết. Còn hiện nay do thế và lực đã mạnh nên “cái Tôi” dân tộc của họ Tập cũng rất lớn do đó Trung Quốc sẽ phải tính toán hơn thiệt về lâu dài chứ không thỏa hiệp dễ dàng và điều đó cũng sẽ khiến cho Mỹ và các đồng minh không tin tưởng những cam kết của Trung Quốc. Nên dù họ có cam kết gì trong giai đoạn hiện nay thì cũng chỉ là hình thức và đã tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ trong ngắn hạn. Ngay cái việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông để gây sức ép trước chuyến đi Mỹ của TBT cũng có thể hiểu rằng họ chưa đạt được thỏa thuận gì quan trọng với Mỹ trong giai đoạn mới nên họ cần phải thể hiện sức mạnh để chắc chắn về láng giềng Việt Nam trước khi Việt Nam bàn chuyện với Mỹ.
- - Thứ 2, 1972 Trung Quốc chưa thể hiện dã tâm bành trướng nên không gây lo lắng cho các đồng minh của Mỹ ở Châu Á, nhưng ở thời điểm 2015 thì điều đó đang diễn biến ngược lại và sẽ khiến Mỹ phải cân nhắc việc tuân thủ các cam kết đã thỏa thuận với Trung Quốc.
- - Thứ 3, giai đoạn 1972, Nhật Bản, một kẻ thù có nhiều ân oán với Trung Quốc vẫn đang trong thế bị kìm kẹp nên mối thâm thù giữa Nhật Bản và Trung Quốc không có nguy cơ bùng phát và gây lo ngại. Nhưng thế kỷ 21 đã khác, Nhật Bản đang vượt lên mạnh mẽ để thoát khỏi nỗi nhục quốc thể, cũng như tính trước mối nguy Trung Quốc. Nên hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc đều như 2 con hổ đang mài vuốt để tranh cơ nên cả hai kẻ đó đều phải cần kết đồng minh, tạo ảnh hưởng vây hãm lẫn nhau. Trong một rừng không thể có 2 hổ nên sớm muộn chúng sẽ cắn nhau vấn đề chỉ còn là thời gian. Trung Quốc vừa mâu thuẫn lợi ích với Mỹ lại vừa mâu thuẫn dân tộc với Nhật Bản thì khác nào một Rồng đấu với cả Hổ và Đại Bàng nên sớm muộn sẽ có thảm bại.
Tuy việc thỏa hiệp với Mỹ là việc sẵn sàng được tính đến mỗi khi gặp thách thức lớn không chỉ vì tiềm lực vẫn yếu hơn mà còn vì kế sách “xa thì giao hảo, gần thì tấn công” áp dụng hàng nghìn năm của Trung Quốc. Nhưng nếu xét về mức độ tin cậy và lợi ích đan xen trong tình thế hiện nay thì khi cần phải lựa chọn Mỹ sẽ chọn Nhật chứ không chọn Trung Quốc. Và xét trên sự biến động của thời thế thì Nhật Bản sẽ là mấu chốt trong ván cờ ở Châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 (khi nào thấy samurai Nhật rút kiếm thì khi đó sẽ có chiến tranh thế giới). Mà kẻ thù của kẻ thù sẽ là bạn, Nhật Bản và Việt Nam đang rất gần nhau trong tình thế mới nên nếu ngoại giao Việt Nam đánh một đòn vu hồi vào lưng Trung Quốc qua Nhật Bản bằng một thỏa thuận với Nhật Bản yêu cầu Mỹ cân nhắc các lợi ích giữa Nhật Bản với Mỹ, và giữa Mỹ với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông thì rắc rối sắp tới với giàn khoan HD981 sẽ được giải quyết ổn thỏa. Vì Mỹ có thể không quan trọng Việt Nam nhưng nếu cộng cả Nhật Bản vào thì sẽ là một đối trọng với quả cân Trung Quốc.
(Những phân tích trên chỉ để tham khảo cho có logic chứ còn dựa trên sự biến động của địa hình tôi thấy rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đến Hà Nội sẽ tiếp tục suy giảm.)