Thế giới tìm giải pháp quản lý nguồn nước
4:08 PM, 13/03/2012 (Chinhphu.vn) – Tại “Diễn đàn thế giới về Nước lần thứ 6” diễn ra ở Marseille (Pháp), 20.000 đại biểu 140 nước và vùng lãnh thổ sẽ trao đổi để tìm ra các giải pháp quản lý hiệu quả nguồn nước. Diễn đàn do UNESCO và Hệ thống quốc tế các Tổ chức lưu vực sông (RIOB) phối hợp tổ chức. Theo các số liệu báo cáo, hàng năm, trên thế giới có khoảng 447.900 km3 nước bốc hơi từ các đại dương và 70.700 km3 từ đất liền (chiếm 14%). Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, đi liền với đó là dân số ngày càng tăng trong khi nước sạch ngày càng ít đi. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đến năm 2030, nhu cầu toàn cầu đối với nước sẽ vượt quá mức cung cấp đến 40%. Hiện 2 tỷ người sống ở các nước đang căng thẳng về nước và đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới sẽ phải sống trong những nước hoặc khu vực chịu căng thẳng về nước. Báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) cho rằng nguy cơ đói nghèo, an ninh năng lượng và những bất đồng có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề nước. Đói nghèo càng trở nên tồi tệ thêm khi người nghèo thiếu nước; rồi vấn nạn ô nhiễm trên các ao hồ, sông suối, vùng ven bờ... đã hủy hoại hệ sinh thái. Ngoài ra, ô nhiễm là một hệ quả đáng sợ nhất của quá trình phát triển công nghiệp và làm tổn hại nghiêm trọng đến nguồn cung nước sạch trên thế giới. Tổng cộng có khoảng 263 con sông xuyên biên giới chảy qua vùng đất của 145 nước. Những sông lớn như Amazon, Nile, Rhine và Mekong đều chảy qua 5 quốc gia trở lên. Sự chia sẻ nguồn nước này có thể là nguyên nhân của các cuộc tranh luận song phương hoặc đa phương. Địa hình của nguồn nước xuyên biên giới cũng đặt ra không ít khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, tầm quan trọng của mối liên hệ thủy lực giữa các mạch nước ngầm và nguồn nước trên bề mặt các sông hồ dẫn đến việc cần phải có một bộ luật quốc tế để kết nối các hệ thống nước ngầm. Tuy nhiên, đến nay những lưu vực sông có những thỏa ước chính thức vẫn chỉ là một con số khiêm tốn, khoảng 117/263 lưu vực. Hơn thế, các thỏa thuận chính thức đó thường có những điều khoản mơ hồ đối với các vấn đề quan trọng, không xem xét đến việc phân phối nước sạch, thiếu các cơ chế kiểm soát việc tuân thủ của các quốc gia. Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ đề cập nhiều vấn đề cấp bách về quản lý nguồn nước như: Tăng cường các chính sách và thực thi các nguyên tắc pháp luật quốc tế, khu vực và địa phương hiện nay về nước trong cộng đồng quốc tế; ký kết các văn bản mới để nâng cao chất lượng quản lý nước trên mặt đất và nước ngầm; tạo lập cơ chế tài chính bền vững cho các tổ chức xuyên biên giới; soạn thảo các văn bản hợp tác kết nghĩa giữa các tổ chức có lưu vực sông, ngòi, hồ ao; phát triển việc chia sẻ thông tin và dữ liệu trong lĩnh vực này. Phương Anh | |