-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Dính kế “ve sầu thoát xác”CafeF-Thứ 4, 01/08/2012, 17:40 Sau vài tuần gần làm nản lòng các nhà đầu tư (NĐT) kiên định còn bám sàn, thị trường tiếp tục giáng thêm một cú đánh mạnh khi lộ diện các chiêu trò tinh vi thoát hàng của hàng loạt công ty.
Việc trần tình của ông Võ Duy Đạo, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) mới đây gây ấn tượng mạnh trong giới. Tân Tổng giám đốc SBS chủ động bộc bạch: “tình trạng tài chính của SBS không còn đủ khả năng để trang trải cho những chiến lược kinh doanh hào nhoáng, tham vọng và mạo hiểm một lần nữa bộc lộ những mảng tối bị cố tình che đậy trong một thời gian dài”.
Được thành lập vào năm 2006, SBS thuộc nhóm các công ty trẻ nhưng sớm khẳng định vị thế nhờ sự chống lưng của ngân hàng (NH) mẹ Sacombank. Bộ ba SBS, SSI, Thăng Long (nay là Công ty Chứng khoán MB) tạo thành thế lực vững chắc thay phiên nhau giữ các thứ hạng cao nhất về môi giới.
Cách đây một năm, mảng tối bắt đầu xuất hiện ở SBS khi quý II/2011, công ty báo lỗ 163 tỷ đồng. Cuối năm, con số nâng lên 610 tỷ đồng và sau kiểm toán, công ty chính thức lỗ 788 tỷ đồng. Đến quý I/2012 các cổ đông SBS tiếp tục té ngửa khi bị báo lỗ thêm 660 tỷ đồng, tức trung bình 7,3 tỷ đồng/ngày.
Lúc này, trên một loạt các đầu báo về tài chính, ông Nguyễn Hồ Nam, cựu Chủ tịch HĐQT SBS, nói rằng, SBS đang nỗ lực tái cấu trúc tài chính, khi phục hồi, chắc hẳn SBS sẽ có 600 tỷ đồng tiền mặt gửi NH, từ quý II/2012, công ty bắt đầu kinh doanh có lãi...
Nhiều tranh cãi xảy ra sau đó cổ phiếu SBS lại được quan tâm và săn đón trở lại. Kết quả, SBS tăng trần nhiều phiên liền trong niềm hân hoan của không ít cổ đông trung thành. Thế nhưng, khi vẽ ra viễn cảnh tươi sáng thì chỉ trong vài tuần đầu tháng 4, tháng 5 các sếp lớn tại SBS thoái sạch vốn.
Hơn 2 tháng sau, trong đại hội cổ đông thường niên bị trì hoãn tổ chức tới ba lần, các cổ đông dài hạn mới nhận ra đã bị ăn một cú lừa ngoạn mục khi các VIP này đồng loạt từ nhiệm, rời ghế. Cuối cùng, sự thật con số thua lỗ lũy kế của SBS cũng được phơi bày là nó đã ăn gần hết vốn chủ sở hữu.
Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT mới của SBS, đề cập tình trạng tài chính của SBS hiện be bét đến mức không loại trừ khả năng hủy niêm yết!
Tương tự, mới đây thị trường lại phát hiện một loạt các cổ đông nội bộ của Công ty CP Đức Long Gia Lai (DLG) sử dụng chiêu trò. Theo đó, cuối tháng 6, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Ban lãnh đạo đăng ký mua vào 7 - 8 triệu cổ phiếu DLG trong 1 tháng. Chồng tuyên bố mua, nhưng vợ đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu.
Cùng lúc, Phó tổng giám đốc Phan Xuân Viên và thành viên HĐQT Đỗ Thanh cũng đăng ký thoái vốn từ vài chục tới vài trăm ngàn cổ phiếu. Sau công bố của ông Bùi Pháp, DLG được nhiều NĐT săn đuổi và bắt đáy. Kết quả, khối lượng chuyển nhượng cổ phiếu DLG cao đột biến, khối lượng DLG dư mua lớn, đẩy giá tăng trần.
Sự việc chỉ vỡ lẽ khi cuối tuần qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố thông tin một loạt cổ đông nội bộ và người thân với cổ đông nội bộ thoát hàng trước khi đăng ký với cơ quan quản lý.
Từ những câu chuyện trên mới thấy độ minh bạch của thị trường vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu sau 12 năm hoạt động. Bên cạnh sự thua lỗ do thị trường chung sụt giảm, giới đầu tư trong nước liên tục thua lỗ với các cổ phiếu dỏm được chính lãnh đạo doanh nghiệp (DN) bơm vá như: DVD, BBT, SBS, SHN và VKP... Và còn nhiều, nhiều nữa những cổ phiếu chưa lộ diện.
Tính đến nay, chưa có dấu hiệu nào nhận biết sớm các mặt hàng kém chất lượng đang được bày bán công khai. Chỉ có các NĐT nhiều kinh nghiệm mới đúc rút ra 5 dấu hiệu chính dễ nhận biết một cổ phiếu dỏm. Gần như các cổ phiếu dỏm lộ diện thời gian qua đều hội tụ đủ hoặc gần đủ các dấu hiệu trên.
Thứ nhất, sau đà giảm giá bất thường, một loạt các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, tổ chức tư vấn vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi cổ phiếu đó, chấp nhận bán lỗ.
Thứ hai, lãnh đạo DN nắm cổ phần lớn và trong quá khứ quá chú trọng đến giao dịch cổ phiếu, lướt sóng thường xuyên kiếm tiền nóng thay vì lo phát triển công ty.
Thứ ba, DN tăng trưởng nhanh, thậm chí có lợi nhuận cao nhưng lại không được các đồng nghiệp cùng ngành tín nhiệm và tin tưởng. Thứ tư, DN gặp các vấn đề rắc rối với luật pháp, sa đà vào các vụ kiện tụng kéo dài.
Thứ năm, DN niêm yết chậm trễ hay trì hoãn các nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc như: báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, tổ chức đại hội cổ đông.
Theo TLam
Doanh nhân Sài Gòn