Rùa Hồ Gươm chết nên mừng hay lo?
- 13:23 - Thứ 4, 20/01/2016
-
Theo truyền thông thì “cụ rùa” Hồ Gươm đã chính thức viên tịch hồi 16h30 ngày 19/1/2016. Thời điểm phát hiện ra cái chết của rùa Hồ Gươm ngay trước ngày đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 là khá nhạy cảm, vì vậy đã xuất hiện nhiều thông tin đánh giá xung quanh hiện tượng này. Tuy nhiên, những thông tin đó hoàn toàn là cảm tính chứ không hề mang tính khách quan và không có sự dẫn dắt của một nguyên lý nào cả. Việc mượn cái chết của rùa để đoán điềm nọ, điềm kia mang tính thần bí cũng chỉ là câu chuyện “mượn mồm thánh nhân” để biến mình trở nên quan trọng hoặc có động cơ trục lợi cá nhân.
Về bản chất cái chết của rùa Hồ Gươm cũng chỉ là câu chuyện “có sinh thì có diệt” , người già cũng phải chết nữa là rùa. Nhất là trong giai đoạn môi trường ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay thì cái chết của rùa hồ Gươm là tất yếu. Nếu như trước đây muốn cải tạo triệt để hồ Gươm thì có khi bị cản trở vì những tư duy bảo thủ, mê tín dị đoan với lý do người ta đưa ra là sợ làm ảnh hưởng đến “linh vật” của thủ đô. Nhưng chính điều đó đã làm cản trở sự phát triển của Hà Nội, cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường xã hội của người dân cả nước, vì Hồ Gươm luôn là nơi trung tâm dân cư đông đúc và tăng lên hàng vạn người mỗi khi có sự kiện lớn. Đã từ lâu vì sợ ảnh hưởng đến loài rùa mà lòng hồ không được cải tạo một cách triệt để, nên người dân đã phải sống chung với ô nhiễm mặc dù tiền thuế vẫn phải đóng đều. Mặc dù rùa Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết dựng nghiệp của vua Lê, với nhiều sự kiện của đất nước vì vậy đã trở nên thân thuộc với người dân thủ đô cũng như cả nước. Nhưng hiện nay có lẽ nó đã trở nên thoái hóa khi không chỉ hồ Gươm bẩn như cái ao tù mà ngay bản thân “cụ rùa” cũng đã bệnh tật đầy mình. Vạn vật luôn có 2 mặt nên không phải cứ thấy mất mát là xấu. Cái gì tốt mất đi thì đáng tiếc, nhưng cái gì đã xấu, đã bẩn mà mất đi thì nên vui. Và cái chết này sẽ giúp giải tỏa nhiều vấn đề tồn tại, hứa hẹn sự may mắn, sạch sẽ đối với môi trường cũng như con người. Môi trường ra sao con người như vậy, nên Hồ Gươm được làm sạch thì tất yếu xã hội cũng sẽ sạch hơn, tư tưởng bớt bảo thủ hơn, tư duy tích cực hơn.
Còn để giải thích cho việc rùa Hồ Gươm thường xuất hiện trùng khớp với những sự kiện lớn của quốc gia thì cũng không có gì phức tạp. Đó chỉ là nguyên lý “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” giữa môi trường và vạn vật. Mỗi khi quốc gia có biến cố, có sự kiện lớn thì tất yếu môi trường cũng có biến động, và khi môi trường biến động thì không chỉ người mà vạn vật cũng đều có sự nhận biết, thay đổi. Người thì tụ họp, rùa thì nổi lên mặt nước khi có sự kiện lớn là sự trùng hợp ngẫu nhiên theo nguyên lý thống nhất. Điều này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà có ở bất cứ đâu trên thế giới, miễn là con vật đó sống đủ lâu để linh giác gắn kết sâu với môi trường, hoặc là con vật đó do sự ngẫu nhiên của tạo hóa mà sinh ra đã có linh giác tốt hơn bình thường để nhận biết sự vận động khách quan của thế giới thực tại rồi phản ánh lại nó, ví dụ điển hình hơn cả rùa Hồ Gươm là chuyện lạc đà tiên tri đội bóng ở World Cup 2014. Rùa hồ Gươm có lẽ đã sống đủ lâu để cùng chung nhịp cảm ứng môi trường với con người thủ đô nên các phản ứng của rùa hồ Gươm đã vô tình trở thành lý do cho những niềm tin mù quáng, những ý đồ trục lợi và mê tín dị đoan của cả chính quyền lẫn người dân quá khích.