Câu chuyện chữ Hán!
- 17:59 - Thứ 3, 20/09/2016
-
Câu chuyện chữ Hán!
Cách đây không lâu, trên một chuyến bay, nhân bàn về vấn đề dạy và học chữ Hán, anh bạn nói với tôi một phát hiện rất hay là “ông có để ý không, mặc dù các nhà chép sử trước đây đã cố tình nhào nặn để tách bạch với Trung Quốc nhưng lại quên những lỗi sơ đẳng nhất là các chuyến đi của vua quan nước mình sang Trung Quốc và chuyện sứ thần của Trung Quốc sang Việt Nam không bao giờ thấy sử đề cập đến vấn đề phiên dịch. Điều đó có nghĩa là chỉ những người chung một nước mới có thể nói chuyện với nhau mà không cần phiên dịch”.
Tôi cũng đồng thuận với phát hiện của anh bạn đó, nhưng tôi nhìn ở góc độ rộng hơn chứ không đơn thuần là về mặt ngôn ngữ. Vì với hàng nghìn năm “giao lưu” núi liền núi sông liền sông trong quá khứ thì chuyện hiểu nhau về mặt ngôn ngữ không phải là vấn đề quá khó hiểu. (Trong những tác giả viết về văn hóa Việt Nam đã từng đọc thì tôi đánh giá cao nhất GS Trần Ngọc Thêm với tác phẩm “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”. Không quá đi vào chi tiết vụn vặt mà có tính khái quát cao và có hệ thống một cách logic. Sau này khi đã hiểu thêm về những nguyên lý vận động của tự nhiên và con người thì tôi càng thấy tính đúng đắn trong những nghiên cứu của ông ấy).
Và có thể hiểu rằng Việt Nam của chúng ta ngày nay có nguồn gốc là những dân tộc ưu việt trong khối cộng đồng Bách Việt ở phía Nam sông Trường Giang (Dương Tử). Ngày đó với điều kiện địa hình ít bình nguyên, nhiều đồi núi, nhiều đồng bằng nhỏ hẹp cộng đồng Bách Việt đã lựa chọn phương thức sản xuất nông nghiệp trọng tĩnh, ít di chuyển, và từ đó có điều kiện phát triển được một nền văn hóa rực rỡ với nhiều thành tựu còn để lại di sản đến ngày nay như triết học, đông y, sản xuất nông nghiệp, thiên văn, âm lịch...Nhưng mặt trái của nền văn hóa nông nghiệp là trì trệ, tính chiến đấu kém, không mạnh về cơ bắp, thể lực. Nên khi cuộc sống trở nên trù phú thì cộng đồng Bách Việt đã trở thành đích ngắm thôn tính và cướp bóc của các bộ lạc man rợ nhưng cơ bắp, quyết liệt, tàn bạo từ phương Bắc, nơi có khí hậu khô lạnh, khắc nghiệt thích hợp với cuộc sống du mục, chăn thả, thiên về vận động. Sau khi đã thôn tính xong các tộc người ở phía Bắc sông Trường Giang lại tiếp tục lấn xuống phía Nam. Do địa hình đồi núi phân tán thiếu tính liên kết mạnh, phương thức sản xuất nông nghiệp trọng tĩnh, kém phát triển về cơ bắp và ý chí chiến đấu nên dần dần cộng đồng Bách Việt bị thôn tính thành Trung Hoa ngày nay, trừ tập hợp của những dân tộc ưu việt phương Nam ở hạ lưu Sông Hồng, nổi trội là dân tộc đến bây giờ gọi là Kinh. Do điều kiện sống khắc nghiệt nên ý chí mạnh mẽ và được sự bảo vệ của những thành lũy tự nhiên hiểm trở nơi biên giới phía Bắc đã không chấp nhận bị khuất phục (đó là tổ tiên của chúng ta ngày nay). Ngày xưa các cụ lấy tên nước Việt Nam có lẽ là mang nghĩa đó, Việt là người Việt, Nam là phía Nam. Việt Nam có nghĩa là người Việt ở phương Nam. Vừa là chỉ địa danh nhưng cũng là để phân biệt với người Việt ở phía Bắc.
Người phương Bắc tuy thôn tính được phía nam sông Trường Giang về mặt lãnh thổ và quyền lực chính trị nhưng chính họ lại bị đồng hóa ngược về mặt văn hóa theo nguyên lý “nước ở nơi cao chẩy tràn xuống nơi thấp, từ nơi đặc thẩm thấu vào nơi rỗng, từ chỗ đầy chẩy sang chỗ vơi”. Cơ bắp của phương Bắc nó mạnh nó tràn được xuống phương Nam nhưng văn hóa phương Nam đậm đặc đã lấp đầy các khoảng trống của phương Bắc. Đó chính là lý do tại sao chúng ta thấy văn hóa Trung Hoa lại có nhiều nét tương đồng với văn hóa Đại Việt đến tận ngày nay. Lý do không phải là chúng ta bị Hán hóa mà Hán đã bị Bách Việt hóa và chúng ta là một bộ phận của cộng đồng Bách Việt nên giờ vẫn thấy sự tương đồng. Chứ độc lập cả hơn nghìn năm nay rồi, “nước non bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác - NT” thì Hán nào mà hóa được. Câu chuyện 1000 năm Bắc thuộc chưa hẳn đã hoàn toàn chính xác như ghi chép của sách vở. Và truyền thuyết “đồng bào” trong bọc trăm trứng phải bao gồm cả những người anh em Bách Việt chưa giành được độc lập vẫn đang còn phải sống trong sự cai trị của chính quyền Bắc Kinh.
“Môi trường ra sao con người như vậy”
Môi trường ra sao con người như vậy, khi môi trường có sự tương đồng thì tất sẽ nảy sinh những hình thái phát triển tương đồng. Không phải ngẫu nhiên mà khi sang Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy càng gần ở phía Nam nhiệt đới thì càng thấy rõ sự gần gũi về hình thể, phương thức sản xuất, văn hóa, giữa người mang quốc tịch Trung Quốc với người Việt Nam. Còn ngược lại càng tiến lên phía Bắc Kinh lạnh lẽo thì sự khác nhau càng nhiều hơn. Môi trường tương đồng là nguồn gốc của mọi sự tương đồng chứ không phải chúng ta bị Hán hóa, mà người Hán đã bị Việt hóa khi ở trong môi trường của người Việt. Có ý kiến cho rằng chúng ta hiện nay có nguồn gốc là người Trung Quốc vì đã bị Bắc thuộc trong nhiều năm, nhưng tính như thế thì chẳng lẽ coi Châu Âu bây giờ cũng là người Mông Cổ hay sao. Khi Thành Cát Tư Hãn thiết lập đế chế thì có chỗ nào ở Châu Âu mà con cháu ông ta đặt chân đến lại không tiêu diệt bớt đàn ông bản địa và truyền giống mới. Mông Cổ là Mông Cổ, lọt giữa Trung Quốc và Nga; Châu Âu là Châu Âu, trung tâm văn hóa hiện đại.
Môi trường sẽ quyết định tất cả các hình thái phát triển ở trên đó. Nếu coi đất là khuôn, người là nước, nước đổ vào khuôn thì nước phải theo khuôn. Môi trường Việt Nam thì tất cả những thứ tồn tại trên đó cũng sẽ mang hình thái Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trải qua nhiều thế kỷ chính quyền Bắc Kinh muốn thâu tóm phương Nam nhưng vì lý do này lý do khác cuối cùng thì Đại Việt vẫn quyết tâm độc lập. Dải đất này tuy đã có nhiều sự phát triển nhưng nó vẫn như nồi nấu phở, sẽ ninh nhừ tất cả những gì bỏ vào trong đó để cho ra một thứ bản sắc văn hóa đặc trưng là “cái tôi dân tộc to lớn” đi liền với “chiến tranh nhân dân”.
Và kể cả người phương Bắc khi định cư ở phương Nam cũng dần trở thành người Việt Nam chứ không còn là người phương Bắc. Tôi có những người bạn mà tổ tiên từ thời nhà Minh bên Trung Hoa chạy sang định cư ở Việt Nam nhưng giờ họ luôn tự hào coi mình là người Việt, tài sản của họ để ở Việt Nam, họ cống hiến xây dựng Việt Nam chứ không hề mang tâm thế “ăn cây táo, rào cây sung”. Nên cho dù chúng ta có học chữ Hán hay không học chữ Hán mà sống trên dải đất hình chữ S này thì vẫn là Việt Nam chứ không có chuyện bị Hán hóa.
Lựa chọn tiếng Hán hay tiếng Anh?.
Học tiếng Hán để hiểu thêm về di sản của tổ tiên. Cho dù với bất cứ lý lẽ nào để phản đối thì cũng không thể phủ nhận việc các di sản văn hóa hàng nghìn năm nay của tổ tiên trên dải đất hình chữ S và của những người anh em trong cộng đồng Bách Việt cũng như của những tộc người phương Bắc đã bị Bách Việt hóa đa phần đều được ghi chép bằng chữ Hán. Biết mình biết người thì muốn đánh mới thắng được.
Học để dung nạp, để gần hơn mà giúp đỡ các anh em trong cộng đồng Bách Việt ở phương Bắc khi cần.
Có triết gia nào đó từng tổng kết rất đúng là, ngôn ngữ hay chữ viết đều là cái vỏ vật chất của tư duy, nó phản ánh tư duy của một cộng đồng, một dân tộc. Chúng ta cũng không cần phân tích cụ thể tư duy mà chữ viết phản ánh là như thế nào, cứ nhìn vào sự phát triển để quyết định lựa chọn. Người Hán thì chưa bao giờ là một dân tộc mạnh, nó luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn bên trong và luôn bị ức hiếp từ ngoài. Ngay kể cả bây giờ, khi Trung Quốc đang được coi là một cường quốc thứ 2 thế giới thì nó cũng chỉ giống như một trọc phú có túi tiền to nhưng mang đầy bệnh tật. Còn “Mặt trời đã từng chưa bao giờ lặn trên đất của Vương Quốc Anh”, và hầu hết tất cả các quốc gia lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính đều là những quốc gia mạnh có nhiều thành tựu phát triển về kinh tế, khoa học, kỹ thuật và xã hội văn minh. Điều đó chứng tỏ tư duy của người Anh là tư duy của kẻ mạnh, của kẻ thống trị, quyết liệt, đơn giản, rõ ràng, mạch lạc. Học ngôn ngữ của người Anh để học cách tư duy của thế giới văn minh. Đấy là những thứ mà Việt Nam đang cần.
Vì vậy nếu định hướng trở thành cường quốc thì Việt Nam cần tiếp tục phổ cập tiếng Anh, lấy tiếng Anh làm ngoại ngữ chính cho toàn dân. Còn nếu lựa chọn bảo tồn thì phát triển phong trào học chữ Hán.
Giải pháp hợp lý là song song với việc phát triển phổ cập tiếng Anh thì triển khai dậy và học chữ Hán có chừng mực. Nhưng không nên đưa tiếng Hán vào chương trình đào tạo phổ thông khi chưa cải cách giáo dục loại bớt môn học để học sinh không bị thêm áp lực học hành.
Bàn thêm về sự “thoát Trung”.
Hiện nay người ta cứ nói nhiều về cái sự “thoát Trung” qua việc loại bỏ chữ Hán nhưng nếu bình tĩnh nhìn vào thực tế thì đó là việc vô nghĩa, khó khả thi. Vì đơn giản không chỉ là ngôn ngữ mang nhiều màu sắc Hán mà các di sản văn hóa từ văn tự, công trình cho đến tinh thần đều mang dấu ấn của chữ Hán, thậm chí người ta dùng bùa chú để bắt ma cũng bằng chữ Hán. Hoặc hơn thế nữa, ngay cả trong phòng làm việc của nhiều quan chức thì không chỉ có tượng Hồ Chủ Tịch mà còn có cả tượng Quan Công, Khổng Minh, hoặc những đồ vật như Tỳ Hưu, ngọc Như Ý…cũng toàn những thứ mang màu sắc “Hán”, vậy thì việc loại bỏ chữ Hán có khả thi và thực sự có ý nghĩa “thoát Trung” được không?. Tại sao không thay vì tư duy thoát Trung bằng tư duy “nạp Trung” để hành động khác đi, hãy coi những người anh em ở phía Nam sông Trường Giang, những người đang mang danh người Trung Quốc nhưng có nhiều sự tương đồng về văn hóa, chữ viết với chúng ta là những “đồng bào” yếu đuối cùng trong bọc trăm trứng năm nào vẫn còn đang chịu sự nô dịch của tộc người phương Bắc để gần gũi mà có ngày giúp họ độc lập hoặc “đón” họ trở về với đúng nghĩa của tổ tiên Bách Việt. Theo xu thế vận động như hiện nay thì điều đó hoàn toàn có thể, vấn đề chỉ là thời gian. Tư duy “thoát Trung” là tư duy của kẻ yếu, tư duy “dung nạp” mới là tư duy của kẻ mạnh. Đồng hóa hay không đồng hóa vấn đề chỉ nằm ở tâm thế, nếu chúng ta coi mình là thượng đẳng, là ưu việt thì sẽ biến “khách thành chủ” thâu nạp luôn cả những anh em đang mang quốc tịch Trung Quốc mà không cần phải “thoát” đi đâu cả, còn nếu vẫn mang tư tưởng “thoát Trung” thì lúc nào cũng bối rối và dẫn đến kỳ thị cả những người dân nước mình. Nước Nhật là một ví dụ, họ không cần thoát Hán, mà họ biến văn hóa Hán trở thành một phần văn hóa của Nhật nên họ đã từng nô dịch cả Trung Quốc. Hoặc như nước Đức, Hitle đã làm cho dân Đức thấy mình là thượng đẳng nên đã chinh phạt được khắp Châu Âu và làm cả thế giới kinh sợ.
Cần phải thay đổi tư duy để thay đổi luôn cả cách viết sử và hành xử.