Tương lai nào cho dân chủ ở Myanmar? (P3)
- 20:34 - Thứ 4, 16/03/2016
-
ông U Htin Kyaw (giữa) lái xe của bà Aung Suu Kyi , 69 tuổi, giành 360/652 phiếu trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống diễn ra tại Quốc hội Myanmar - Ảnh: New York Times/Reuters.
“Tôi đã trở thành Tổng thống nhờ thiện chí và lòng nhân hậu của người chị gái Aung San Suu Kyi”, ông U Htin Kyaw phát biểu trước các nhà báo khi rời khỏi tòa nhà Quốc hội Myanmar sau cuộc bỏ phiếu. (theo Economy : 16:49 - Thứ Ba, 15/3/2016)
Phát biểu này của ông U Htin Kyaw đã vô tình cho thấy thành quả của cuộc “cách mạng dân chủ” ở Myanma đang có dấu hiệu bị cưỡng đoạt. Vì rõ ràng để có 1 tổng thống dân sự đầu tiên kể từ năm 1962 thì không phải chỉ có sự đấu tranh của riêng bà Aung Suu Kyi mà đó còn là thành quả đấu tranh lâu dài của nhiều tầng lớp nhân dân ở Myanma cũng như sự đổi mới về tư duy của chính quyền quân sự Myanma. Nhưng khi một tổng thống trong buổi họp báo quan trọng điều đầu tiên chỉ biết đến công lao của thượng cấp thì vô thức thể hiện tổng thống đó chưa đủ tầm để điều hành quốc gia. Có thể xuất phát điểm lái xe của ông không phải là yếu tố quan trọng để xem xét cương vị tổng thống nhưng tầm tư duy của ông là yếu tố quyết định sự phát triển quốc gia. Sắp tới Myanma có thể như một cỗ xe ngựa chỉ biết “nhẩy nhót” dậm chân tại chỗ cho đến mệt mỏi bởi sự “dân chủ đến thế là cùng”. Ông U Htin sẽ bị mắc kẹt giữa ý chí và lợi ích của quân đội (vì theo Hiến pháp Myanma, lực lượng quân đội trong Chính phủ vẫn có quyền phủ quyết), với lợi ích và ý chí của chính Đảng dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, và mắc kẹt trong chính ý chí và lợi ích của “cái tôi” cá nhân lãnh đạo được hình thành do vị trí tổng thống mà ông U Htin ngồi. Nếu như trước đây ở vị trí phụ tá, chưa là Tổng thống ông U Htin dễ dàng thuận theo ý chí của bà Aung Suu Kyi, nhưng khi đã là Tổng thống có quyền được ra lệnh, được tung hô thì ý chí và lợi ích của ông U Htin sẽ khác, sự mâu thuẫn với bà Aung Suu Kyi là không thể tránh khỏi, tất yếu xảy ra tranh chấp nội bộ thì làm sao tập trung cho vấn đề quốc gia. Còn nếu như ông U Htin cứ nhất nhất theo ý bà Aung Suu Kyi thì liệu rằng với tư duy kiến thức của một người phụ nữ nhiều năm bị giam lỏng và quán tính của ý chí kiên định sau nhiều năm đấu tranh là sự bảo thủ, cố chấp có giúp được Myanma phát triển?
Một đạo quân được chỉ huy bởi một viên tướng dốt còn mạnh hơn một đạo quân được chỉ huy bởi 2 viên tướng giỏi. Nay lại có những 3 vị tướng và nếu mỗi người một ý thì chắc chắn Myanma không có kết quả tốt. Myanma chỉ có thể tốt hơn nếu như cả 3 lực lượng này đều có chung một ý chí hướng đến lợi ích của nhân dân. Nhưng điều đó e rằng khó được lâu bền, vì ý chí và lợi ích là khác nhau.
Nếu xét một cách khách quan, cuộc “cách mạng dân chủ” ở Myanma thành công được không phải là nhờ sự đấu tranh của bà Aung Suu Kyi và đảng Dân chủ. Mà nó thành công được là vì sự thay đổi tư tưởng của ông Thein Sein cũng như vì lợi ích nhóm của lực lượng quân đội Myanma. Với một chính quyền quân sự độc tài chuyên chính nắm trong tay mọi sức mạnh và nguồn lực mà còn bảo thủ thì cho dù bà Aung Suu Kyi có đấu tranh đến chết cũng không thay đổi được thực tại của Myanma. Nên nếu như ông Thein Sein không sớm tỉnh ngộ vì lợi ích của quốc gia dân tộc, cũng như các đồng chí của ông ta không cần tiền thì Myanma cũng sẽ không khác gì Triều Tiên hiện nay và đừng nói đến bầu cử, hay tổng thống dân chủ. Cởi mở với bên ngoài, nới lỏng quản lý bên trong đã được chủ động triển khai bởi chính quyền quân sự của Thein Sein từ 5 năm trước chứ không phải chờ đến khi bà Aung Suu Kyi và đảng Dân chủ thắng lợi sau bầu cử. Nhưng điều đó chưa đủ hấp dẫn để xóa bỏ nghi ngờ lo lắng của các dòng vốn tư bản từ bên ngoài cũng như thỏa mãn ý chí của phương Tây, Myanma cần thể hiện rõ ràng hơn. Một Myanma giàu tài nguyên, thị trường tiêu dùng chưa được khai phá, xã hội ổn định, dân chúng về cơ bản là hiền lành, tuân thủ luật pháp thì luôn hấp dẫn các nhà đầu tư, vấn đề chỉ là cơ chế đã thực sự đáng tin. Nên Aung Suu Kyi và tân tổng thống được bầu cử dân chủ là ván cờ được bầy ra.
Không thể phủ nhận được giá trị của “dân chủ” sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Myanma nhưng lợi ích mà “mô hình dân chủ” đem lại lớn nhất chưa phải dành cho nhân dân Myanma. Khi “dân chủ” mời gọi được các nguồn tư bản tràn vào thì đầu tiên là giúp cho các đồng chí của ông Thein Sein “chốt lời” kiếm tiền hưởng thụ, cho con cái đi du học…sau đó mới đến quần chúng nhân dân. Nhóm lợi ích nào đang nắm giữ nhiều quyền lực nhất Myanma để thông qua các dự án? nhóm lợi ích nào đang nắm giữ nhiều đất đai, tài nguyên, tài sản nhất ở Myanma? Nhiều đất nhiều tài sản thì sẽ bán được nhiều, bán được nhiều thì sẽ có nhiều tiền, có nhiều tiền thì sẽ vẫn có quyền. Và thế là một thế hệ các “tư bản xanh” hình thành dựa trên việc mua bán tài sản quốc gia được xây dựng tích lũy qua nhiều thế hệ dân chúng. Bài toán lợi ích đã rõ ràng thế thì ai mà không muốn “dân chủ”. Còn Myanma có thực sự dân chủ hay không thì cứ nhìn vào Hiến pháp là biết, nếu thực sự dân chủ thì quân đội không nhất thiết phải giữ quyền phủ quyết, vị trí tổng thống không ngăn cấm bà Aung Suu Kyi. Có thể ngay trong hàng ngũ đảng Dân chủ của bà Aung Suu Kyi cũng đa phần là người của chính quyền quân đội “cài cắm” để âm thầm điều chỉnh “dân chủ” đi đúng hướng, và có lẽ đó cũng là giải pháp hợp lý của ông Thein Sein để đạt được các giá trị khi tự diễn biến dân chủ trong hòa bình.
Với nền tảng xuất phát không cao, lại đóng cửa lâu dài với bên ngoài thì nhược điểm dân chủ ở các quốc gia chưa phát triển như Myanma là quần chúng nhân dân thường có trái tim nóng giàu nhiệt tình cách mạng nhưng lại thiếu cái đầu lạnh nên cho dù cách mạng dân chủ hay chuyên chính quân sự thì cách mạng càng thành công rực rỡ bao nhiêu nguy cơ phải gánh chịu hậu quả do bị lừa gạt càng thảm khốc bấy nhiêu. Nên ở các quốc gia độc tài, chuyên chính như Myanama dân chủ hay không là phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo độc tài có muốn hay không chứ không phụ thuộc vào mong muốn của quần chúng nhân dân. Hạnh phúc cho một dân tộc khi có lãnh đạo yêu dân yêu nước, còn ngược lại thì đó là nỗi bất bất hạnh kéo dài, Triều Tiên là một ví dụ. Có thể Myanma đang tiến đến thời kỳ sáng sủa hơn khi Thein Sein và các đồng chí của ông ta thay đổi. Mặc dù sự thay đổi này theo tôi là nửa vời, (vì có vẻ như ông Thein Sein đang quá cầu toàn khi vừa muốn có tiền phát triển quốc gia, lại vừa muốn giữ quyền lực hoặc có thể sâu sắc hơn là do ông ta lo sợ người dân của mình chưa thích nghi kịp với mô hình dân chủ dẫn đến bị kích động gây bạo loạn phá vỡ đất nước) nên về cơ bản các dòng tiền đầu tư vào Myanma sẽ phải đối mặt với thực tế là “tiền vào thì dễ nhưng ra thì khó”. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam, nếu không tỉnh táo HAGL sẽ sớm là một ví dụ thực tiễn sớm.
Định nghĩa một cách ngắn gọn thì "dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, lãnh đạo làm thuê". Nhưng dân muốn làm chủ được thì trình độ dân trí phải cao mới không bị người làm thuê lừa, nếu trình độ dân trí thấp thì sẽ bị người làm thuê cướp đoạt hết và tất sẽ nảy sinh độc tài, chuyên chính. Khi đã có độc tài, chuyên chính thì nguy cơ quần chúng bị "ngu dân" là khó tránh vì có như thế chế độ độc tài mới bảo vệ được lợi ích nhóm của mình. Nên nếu kiến trúc thượng tầng dân chủ là ngọn, trình độ của quần chúng nhân dân là gốc thì muốn dân chủ thực sự bắt buộc phải vun đắp gốc cho tốt, gốc to ngọn mới vươn cao được.
Để gốc ngày càng vững thì cũng không khó, các nhà lãnh đạo thực sự yêu nước, yêu dân chỉ cần làm tốt hai việc: thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, cởi mở truyền thông, thông tin xã hội, tự do ngôn luận để tri thức được giao lưu trao đổi, từ đó tri thức từ nơi cao lấp dần khoảng trống ở nơi thấp tất nền tảng dân trí sẽ được nâng cao, nguyên khí quốc gia sẽ phát lộ; Thứ 2, luật pháp phải cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo không có khoảng trống cho các nhóm lợi ích luồn lách, tùy tiện theo ý chí chủ quan của cá nhân và khi luật pháp cụ thể chặt chẽ thì cũng đồng thời đảm bảo được tính giám sát của người dân. Tất yếu dân chủ sẽ dần phát triển lên cấp độ cao. Nếu cố tình không làm tốt 2 việc này tức là người ta không muốn có dân chủ. Nên cứ bình tĩnh quan sát, nếu chính quyền của bà Aung San Suu Kyi ở Myanma làm được nửa yêu cầu là cũng cho phép các mạng xã hội như facebook phát triển như ở Việt Nam thì mới có hy vọng về một nền dân chủ tiến hóa cho dù còn sơ khai. Còn như thực tế những gì đang diễn ra, với việc đề cử một Tổng thống lệ thuộc giống như con khỉ phía trước, người chủ phía sau giật dây thì rõ ràng cái chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đang như đánh giá của tôi ở bài trước là một gánh xiếc nhếch nhác, rẻ tiền, mà dân chủ kiểu đó thì chỉ làm đất nước tan nát. Nên nếu nhìn nhận một cách đúng đắn thì Thein Sein mới là kiến trúc sư trưởng của tiến trình dân chủ đang diễn ra ở Myanma, còn Aung Suu Kyi và các đồng sự chỉ là gương mặt được chọn. Nếu Myanma cứ từng bước phát triển và ông Thein Sen chìm dần vào quên lãng thì ông Thein Sein là người rất vĩ đại, còn ngược lại khi Myanma bị xào xáo rối ren thì ông Thein Sen và các đồng chí cũng chỉ là sự tầm thường của con người, đó là nỗi bất hạnh của Myanma.