Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), từ trường yếu đi 9% trong hai thập kỷ qua. Một vùng từ trường đặc biệt yếu đi đáng kể từ năm 1970. Mang tên Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương, nó nằm giữa châu Phi và Nam Mỹ. Trong 50 năm qua, vùng từ trường này ngày càng phát triển và dịch chuyển xa hơn về phía tây ở tốc độ khoảng 19 km mỗi giờ. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, một phần vùng dị thường này dường như tách thành một khối mà ESA gọi là "trung tâm cường độ tối thiểu thứ hai" nằm ở tây nam châu Phi.
Từ trường Trái Đất sinh ra từ chuyển động bên trong lõi sắt nóng chảy của hành tinh. Từ trường trải rộng vào không gian và cung cấp lớp bảo vệ ngăn cách Trái Đất với bức xạ có hại từ Mặt Trời. Khi mạnh hơn, từ trường ngăn được nhiều bức xạ hơn. Nhưng nếu từ trường yếu đi, ngày càng nhiều bức xạ sẽ chiếu tới bề mặt hành tinh. Từ trường thường xuyên xê dịch, mạnh lên và yếu đi trong chu kỳ biến động thông thường.
Jürgen Matzka, người phụ trách các quan sát địa từ trường ở Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất GFZ của Đức, là một trong những nhà khoa học theo dõi Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương. Ông và các nhà khoa học khác sử dụng quan sát trên mặt đất kết hợp với dữ liệu từ chùm vệ tinh Swarm của ESA để hiểu rõ hơn những thay đổi ở từ trường.
"Việc theo dõi thay đổi rất quan trọng bởi trước hết, chúng ta sử dụng từ trường để định vị, lập bản đồ địa từ trường chính xác sẽ giúp định vị chính xác hơn. Thứ hai, dữ liệu cho chúng ta biết nhiều về các quá trình xảy ra ở tầng thượng quyển và trong không gian, có thể liên quan tới vận hành vệ tinh và mạng lưới điện. Thứ ba, nghiên cứu cấu trúc lõi Trái Đất và những quá trình vật lý liên quan tới sản sinh địa từ trường có ý nghĩa thiết yếu đối với việc tìm hiểu Trái Đất cũng như các hành tinh khác", Matzka chia sẻ.
Theo Matzka, Vùng dị thường Nam Đại Tây Dương được tạo ra bởi phần lõi Trái Đất nằm dưới Nam Phi, Nam Đại Tây Dương và Nam Mỹ, nơi địa từ trường dịch chuyển sai hướng. Matzka cho biết vùng từ trường mới phát triển không gây lo ngại trên mặt đất bởi khí quyển vẫn che chắn cho chúng ta trước bức xạ của Mặt Trời. Tuy nhiên, các vệ tinh có thể cần nhiều lớp bảo vệ hơn trong tương lai bởi từ trường yếu hơn làm gia tăng lượng bức xạ, dẫn tới nhiều trục trặc kỹ thuật hơn.
Nathan Case, phó giáo sư ở Khoa Vật lý thuộc Đại học Lancaster, Anh, chuyên gia nghiên cứu tương tác giữa từ trường Trái Đất và gió mặt trời, cho biết hiện nay, từ trường Trái Đất yếu đi khoảng 5% mỗi thế kỷ. Tuy nhiên, ngay cả khi từ trường ở khu vực này yếu đi, nó vẫn đủ mạnh để ngăn bức xạ có hại chiếu tới bề mặt Trái Đất. Nhưng những vệ tinh và tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo ở độ cao hàng trăm kilomet có thể tiếp xúc nhiều với bức xạ hơn.
An Khang (Theo Newsweek)