Mạng xã hội, công cụ và tuyên truyền
- 09:29 - Thứ 6, 03/11/2017
-
Cách đây không lâu, cùng anh bạn đến chơi với một bác ở Bộ TTTT, (bác này mình biết từ khi còn là Cục trưởng, mình đánh giá là thẳng thắn, dễ chịu, sạch, lên chức không mất tiền vì hệ thống cần người làm được việc, nên mình cũng tự nhiên) nói chuyện một hồi thì đề cập đến mối lo về thông tin báo chí và mạng xã hội, có ý kiến là cần phải đóng cửa một số trang báo đang thu hút được nhiều người đọc, siết chặt quản lý mạng xã hội...Mình nói với bác ấy là, "các anh không nên làm thế, mạng xã hội như Facebook, hay báo chí nó chỉ là công cụ, không tốt không xấu, quan trọng ai là người biết sử dụng công cụ này giỏi hơn. Mạng xã hội có mặt trái thì cũng có mặt phải, nếu sử dụng tốt nó là công cụ tuyên truyền tuyệt vời đối với các chính quyền mà không cần tốn kém. Rõ ràng các anh được đào tạo có trình độ, nhân lực đông đảo, có ngân sách lớn, nắm nhiều thông tin, nắm luật pháp trong tay mà tại sao lại lo sợ mạng xã hội, lẽ ra phải biến nó thành công cụ hiệu quả mới đúng chứ. Facebook loanh quanh chắc cũng chỉ vài chục tay chơi có tiếng làm sao so được với cả hệ thống truyền thông của nhà nước.
Nhưng chính quyền sợ tức là các chính quyền kém, hoặc các anh có vấn đề. Những Trương Huy San, Hương Trà, hay Bùi Thanh Hiếu...có sức hấp dẫn là nhờ cầy xới trên mảnh đất mờ ám và dối trá của chính quyền chứ nếu các anh cứ nói thật và minh bạch tối đa những gì có thể minh bạch thì bọn họ làm gì còn sức hấp dẫn nữa. Nếu những gì các facebooker viết mà người dân cũng đã được đọc trên báo chính thống thì ai còn quan tâm. Minh bạch thông tin trên báo chí chính thống thì Quan làm báo, Dân làm báo, facebooker tuyên truyền nhảm sẽ tự chết hết, người dân sẽ tin vào báo chí chính thống chứ ai còn tin vào thông tin lề trái. Các anh cứ nói các anh yêu nước, nhưng việc lợi ích để nâng cao dân trí thì các anh có làm đâu, chỉ thấy tập trung bảo vệ lợi ích của chế độ, mà bảo vệ lợi ích của chế độ tức là bảo vệ lợi ích cá nhân, vậy thì công tác tuyên truyền đã thua ngay từ khi chưa bắt đầu rồi, có cấm vẫn thua".
Lý do mình nói như vậy là vì, để thực hiện mục đích tuyên truyền nhưng không phải sự thật thì người ta sẽ phải sử dụng một trong hai loại người. Một là những kẻ nhiệt tình nhưng ngu dốt hoặc vô đạo, chỉ cần tiền, chúng ra sức tuyên truyền một cách thô thiển những điều chính bản thân chúng cũng không biết đúng sai, nhưng những kẻ này thường chỉ có nhiệt tình chứ nhận thức kém nên kiến thức không đủ chuyên sâu không phân biệt được đâu là sự thật đâu là dối trá, chỉ đơn giản làm theo chỉ đạo vì vậy sẽ không có sức hấp dẫn lớn đối với quần chúng, tuyên truyền một thời gian bị phản biện nhiều là nổi xung chửi bới như đám lưu manh ngay, sẽ không đạt được mục đích tuyên truyền. Hai là sử dụng những trí thức có trình độ để thực hiện công tác tuyên truyền, nhưng nghiệt một nỗi là những người có trình độ thì cũng là những người có nhận thức tốt, mà có nhận thức tốt sẽ biết phân biệt đúng sai, nên sau một thời gian nói theo chỉ đạo thì lương tri sẽ thức tỉnh nên họ mất dần sự nhiệt tình dẫn đến sức hút đối với quần chúng cũng giảm đi, và dễ trở nên tha hóa, tham nhũng do nói dối nhiều nên không còn nhận ra đâu là lý tưởng, là mục đích cao đẹp, thậm chí họ sẵn sàng bỏ việc, quay bút phản đối chính quyền, nên cũng không đạt được mục đích tuyên truyền.
Bộ trưởng bộ tuyên truyền của Đức Quốc Xã Paul Joseph Göbbels đã từng nói rằng "Khi sự dối trá đủ lớn và được lặp đi lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành sự thật" và điều này đã được nhiều bộ máy tuyên truyền trên thế giới học theo. Tuy nhiên chính người Đức cũng có một câu khác là "Nói dối thì ngắn chân" (Lời nói dối không đi được xa) hoặc ngay ở Việt Nam cũng có đúc kết "Thật thà là cha quỷ quái" nên học cách tuyên truyền của Nhà nước phát xít Đức thì cũng phải học sự tử tế của người dân Đức. Tuyên truyền chỉ thực sự có sức mạnh lớn khi kết hợp trí thức và sự thật. Khi chính quyền nói thật nhiều nhất có thể thì mạng xã hội sẽ trở thành công cụ tuyên truyền tuyệt vời, còn khi chính quyền tìm cách hạn chế mạng xã hội thì tức là vẫn còn muốn kéo dài sự dối trá hoặc sẽ dối trá. Chế độ nào thì cũng từ cái gốc là dân tộc và tổ quốc sinh ra, nên bảo vệ chế độ tốt nhất là vun trồng cái gốc cho tốt bằng cách nâng cao dân trí. Trước đây dân trí thấp quá nên mặc dù nghe tuyên truyền láo nhưng vẫn theo, còn bây giờ thế giới ngày càng phát triển, dân trí cũng đã được nâng lên, thành phần trí thức đô thị nhiều hơn thì không thể áp dụng các phương cách quản lý xã hội kiểu cũ nữa. Xã hội ngày càng nhiều bức xúc kiểu "giơ chân cao, gạt tay trúng má, nuôi lợn, buôn chổi đót", nếu không để cho người dân được mở miệng trên mạng xã hội thì người ta sẽ ra đường đánh nhau xả stress, điều đó còn nguy hại hơn. Nếu tiếp tục bảo vệ chế độ theo cách của mấy chục năm trước thì sẽ khiến cho quốc gia bị lệ thuộc. Hãy cởi mở và nói sự thật để nâng tầm chế độ.
Nguyên lý "Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối" cũng đúng với tuyên truyền, khi anh quen nói chuyện một mình rồi thì sẽ đến lúc anh nói nhảm. Muốn không nói nhảm thì hãy mời mọi người cùng nói chuyện.