THẾ NÀO LÀ THAM VỌNG QUYỀN LỰC?
- 15:14 - Thứ 5, 17/08/2017
-
Không tham vọng thì thi đấu vào BCT, ngồi ghế TBT làm gì nhỉ?
Lòng tham và dục vọng của con người là vô đáy. Và lòng tốt (tham hay không tham) chỉ là một trạng thái tinh thần không bền vững phụ thuộc nhiều vào thể trạng và hoàn cảnh nên mong chờ vào lòng tốt tự nguyện của quan chức với người dân và đất nước chỉ là chuyện hên xui, phập phù. Rất khó đánh giá thế nào là tốt vì khi đã có lý luận thì nói gì cũng đúng cả, có tham vọng thì cũng thành không có tham vọng, chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ không có gì. Ở đâu có quyền lực ở đó phải có giám sát. Nên để đảm bảo một hệ thống chính trị tốt đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, cho đất nước thì phải có giám sát tốt chứ kêu gọi xuông thì chỉ là câu chuyện tiếu lâm để mụ mị lẫn nhau.
Nhưng thế nào là giám sát tốt ? Để một hệ thống chính trị luôn hoạt động có hiệu quả thì cần phải có 3 sự giám sát. Thứ nhất là giám sát của lực lượng đối lập đúng theo triết học Mac đã dẫn đường (mâu thuẫn để phát triển) nhưng Việt Nam không có. Thứ 2 là giám sát của cấp trên với cấp dưới, nhưng tự hệ thống giám sát nội bộ nên hiệu quả giảm đi nhiều, thậm chí lên đến đỉnh thì chỉ mang tính hình thức, vì trên đỉnh chỉ có trời, chẳng ai biết Thiên với Tử làm trò gì trên đấy. Thứ 3 là giám sát của người dân và các tổ chức xã hội, ở Việt Nam hầu hết các tổ chức xã hội đều ăn lương nhà nước nên "ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày" không những không có tính giám sát mà còn mang tính a dua, theo đóm ăn tàn, thậm chí mất cả nhân cách làm méo mó xã hội. Chỉ một lực lượng duy nhất có tính giám sát đúng nghĩa là người dân. Nhưng người dân đơn giản chỉ là phó thường dân không có "cây súng và hòm phiếu" nên dù muốn giám sát thì cũng "lực bất tòng tâm", vì vậy cuộc sống, vận mệnh của đất nước, dân tộc hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn hên xui của số ít, vô tình có được lãnh đạo tốt thì tốt, gặp phải người xấu thì coi như "số" đen.
"Dưới ánh sáng mặt trời sẽ không có chỗ cho quỷ sa tăng." (dungkq)
Hiện nay với những gì đang có Việt Nam chưa thể cho phép xuất hiện lực lượng chính trị đối kháng, nhưng hệ thống hoàn toàn có thể nâng cấp chất lượng lên một tầm cao mới khi chấp nhận đưa quyền lực ra ánh sáng để tăng cường tính giám sát của người dân. Một ví dụ rất nhỏ như thế này: ở nơi tiếp dân chỉ cần ghim một cái biển thật to tất cả các quyền lợi, chức năng, nhiệm vụ, quy định cần thực thi của công chức và hình thức kỷ luật khi vi phạm. Để dựa trên những tiêu chí đó người dân sẽ giám sát được công chức và cấp trên của công chức. Nếu công chức phạm lỗi thì kỷ luật thế nào, thời hạn bao giờ thực thi, đến thời hạn vẫn chưa thấy bị kỷ luật thì tức là cấp trên làm sai, cấp trên phải tiếp tục bị kỷ luật. Chỉ có minh bạch mới chống được tham vọng chính trị, vì để trở thành UVBCT thì ai cũng cần lá phiếu, và khi cần lá phiếu người ta sẽ giao dịch đánh đổi sự tham nhũng và tội lỗi của cấp dưới, thế là trên dưới đều như nhau, tất cả quay về điểm xuất phát. Chỉ có sự minh bạch mới ngăn ngừa bớt được những vụ giao dịch ma này.
Nếu quyền lực không được công khai thì rồi sẽ đến lúc người dân hiểu ra rằng chuyên chính chỉ là để cho "dễ chia".