TRUNG QUỐC VÀ CUỘC CHIẾN QUYỀN LỰC TOÀN CẦU (TƯ DUY TOÀN CẦU P2)
- 15:21 - Thứ 2, 11/09/2023
-
Hiện nay kinh tế và xã hội Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có, giảm phát, khủng hoảng bất động sản, phá sản doanh nghiệp, vỡ nợ tài chính…và sự sụp đổ của Trung Quốc sẽ được quyết định bởi hai tử huyệt là thất nghiệp và năng lượng.
Thứ nhất là thất nghiệp. Thế mạnh của Trung Quốc là dân số đông, nguồn nhân công giá rẻ dồi dào, nhờ khai thác tốt thế mạnh này Trung Quốc đã trở thành “công xưởng thế giới” thu hút được nguồn tiền lớn để đầu tư phát triển kinh tế, chính trị vươn lên vị thế thứ 2 thế giới. Nhưng thế mạnh này giờ đây đang trở thành gánh nặng thất nghiệp khi chính phủ Mỹ kéo các dòng tiền rời Trung Quốc bằng "chiến tranh thương mại", còn FED liên tục rút tiền chủ động đánh chìm con thuyền kinh tế thế giới khiến thị trường xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sụt giảm. Mọi việc diễn biến quá nhanh, lại thêm việc “chống dịch” man rợ như thú vật làm mất lòng tin của các nhà đầu tư lại càng khiến “công xưởng Trung Quốc” thất nghiệp ở quy mô lớn, kinh tế lâm vào tình thế khó khăn "chưa từng thấy trong nhiều chục năm qua" mà không kịp chuyển hướng.
Nhiều năm phát triển liên tục đã giúp Trung Quốc vươn lên thành cường quốc kinh tế, nhưng cũng chính vì thế mà các mô hình cũ đã bị phá vỡ, mô hình mới dựa vào nguồn tiền từ xuất khẩu hàng hóa để vay nợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển BĐS lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới, không thể cơ cấu lại trong thời gian ngắn. Cho dù ông Tập Cận Bình đã lên tivi kêu gọi các doanh nghiệp tập trung cho thị trường trong nước, nhưng trong quá trình tập trung quyền lực trước đó, ông Tập đã có nhiều chính sách khiến người dân sợ hãi, mất niềm tin, tầng lớp tinh hoa và các dòng tiền lớn của người giầu vẫn tiếp tục rời khỏi Trung Quốc nên không cứu vãn được tình trạng đổ vỡ sản xuất hàng loạt. Thất nghiệp tràn lan là tất yếu, và điều đó sẽ biến thế mạnh dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, công nông, thanh niên trí thức đông đảo thành lực lượng cách mạng có sức tàn phá lớn ngay từ bên trong. Hiện nay Trung Quốc rộng, tiềm lực lớn nên khuất phục Trung Quốc bằng sức mạnh từ bên ngoài là khó khả thi, nhưng khiến chính thể hiện nay ở Trung Quốc diệt vong từ bên trong là hoàn toàn có thể vì nó đã có rất nhiều nhưng thiếu một chủ thuyết đúng đắn nên đi lạc hướng không quay đầu được nữa.
Về hình thức, khủng hoảng kinh tế, BĐS ở Trung Quốc hiện nay có nhiều biến số phức tạp nhưng bản chất chỉ đơn giản là dòng chảy tài chính đang cạn, như cơm sôi bị rút củi đáy nồi.
Với thị trường nội địa lớn, năng lực sản xuất tốt, Trung Quốc vẫn kỳ vọng có thể đối phó được với cuộc chiến thương mại và chính sách tiền tệ của FED. Nhưng tư tưởng và đường lối quản trị xã hội bất công, khoảng cách giầu nghèo lớn sẽ là tác nhân khiến các giải pháp phục hồi kinh tế bị vô hiệu. Cú đánh tiếp theo về dầu mỏ sẽ đẩy cao giảm phát rồi đến lạm phát và khủng hoảng của đất nước hơn 1 tỷ dân này.
Tử huyệt thứ 2 của Trung Quốc là năng lượng. Hơn 30 năm liên tục phát triển với mức GDP bình quân trên 10% đã giúp Trung Quốc mở rộng quy mô sức mạnh trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, cho đến quân sự, ngoại giao...nhưng nền tảng để đảm bảo cho sự phát triển của Trung Quốc hiện nay vẫn là dầu mỏ. Khác với các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc không có nguồn dầu mỏ dồi dào mà phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nên khi quy mô và tham vọng phát triển càng lớn thì mối lo về năng lượng cũng càng tăng thêm. Để giảm bớt áp lực này trong nhiều năm qua Trung Quốc đã nỗ lực tạo ảnh hưởng, bồi đắp, xâm lấn những quốc gia, những vùng đại dương có tiềm năng về dầu mỏ (ví dụ như biển Đông), đặt kế hoạch tấn công Đài Loan (đồng nghĩa với việc sẽ kiểm soát một vùng thềm lục địa và cửa biển giao thương rộng lớn hơn). Song song phát triển các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, năng lượng mặt trời, pin, xe điện... mà đỉnh cao của việc phát triển công nghệ năng lượng thay thế này có lẽ là dự án "mặt trời nhân tạo" đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm xây dựng lò phản ứng nhiệt hạt nhân chi phí thấp như Trung Quốc mới công bố.
Nhưng tất cả những cố gắng phát triển năng lượng thế chỗ cho dầu mỏ vẫn đều vô nghĩa nếu như thế giới không đạt được sự đột phá về công nghệ dự trữ, (công nghệ Pin). Chỉ khi nào điện thoại, xe ô tô, robot, xe tăng, tàu ngầm...chỉ cần cắm sạc 1 lần dung vài tháng hoặc cả năm mới phải thay giống như đồng hồ điện tử thì lúc đó việc mở rộng quy mô phát triển của Trung Quốc mới thoát khỏi vòng kim cô năng lượng dầu mỏ. Theo tiên lượng của tôi thì trong khoảng 50 năm nữa điều đó cũng chưa xảy ra. Vì vậy để đảm bảo tiếp tục phát triển thì Trung Quốc vẫn sẽ phải dựa nhiều vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, Trung Đông...Nhưng vấn đề đặt ra là Trung Quốc không kiểm soát được những nguồn cung này và không đủ lực bảo vệ các tuyến đường hàng hải thương mại, tiếp liệu từ bên ngoài đến do chưa phát triển được sức mạnh quân sự ngang tầm với các quốc gia tiên tiến, nhất là khi Mỹ chặn nguồn chip công nghệ cao cần trong chiến tranh hiện đại, thứ mà Trung Quốc vẫn chưa tự làm được. Nên rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào nếu như Mỹ thắt chặt nguồn cung và các tuyến vận chuyển hàng hải. Hiện tại cũng như tương lai, nguồn cung cấp năng lượng ổn định và an toàn nhất cho Trung Quốc là từ Nga khi 2 nước có chung đường biên giới trên đất liền và chung mục đích đối kháng vị thế với Mỹ. Nhưng cuộc chiến Nga - Ucraina đang đạt được mục đích vừa triệt hạ Nga, bảo vệ hòa bình cho Châu Âu, giữ giá trị đồng USD, vừa phá hoại nguồn cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc khi kinh tế - chính trị của Nga đổ vỡ. Trung Quốc cũng biết sau Nga là đến lượt mình nhưng họ không làm gì được hơn như hiện nay vì chính những vấn đề bất ổn nội tại đang tiềm tàng. Cuộc chiến Nga – Ucraina khởi phát năm 2022 có thể tránh được, nếu như Trung Quốc không vội vàng bộc lộ tham vọng bá quyền và người Nga khôn ngoan không để ông Putin nắm quyền quá lâu. Tuy nhiên sự hợp tác giữa hai quốc gia này sẽ không bền vững bởi hai xã hội khác nhau về Đức tin nên khi triều đại của ông Putin đổ vỡ thì lúc đó người Nga quay lưng lại với Trung Quốc.
Nhìn một cách toàn diện và logic các sự kiện thì có thể thấy người Mỹ nắm rõ các tử huyệt của Trung Quốc và họ đang tuần tự triển khai việc thắt dần các thòng lọng xung quanh. Nên cho dù UEA, một nguồn cung cấp dầu mỏ lớn tham gia vào BRIC thì cũng chỉ là cách làm phân tâm mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc để đợi thời điểm mà thôi.
Tổng kết lại thì xu hướng diễn biến tình hình thế giới trong những năm tới sẽ vẫn tiếp tục chìm sâu vào suy thoái kinh tế, lương thực và các thảm họa thiên nhiên. Các quốc gia sẽ có xu hướng co cụm bảo hộ lợi ích riêng càng làm “rạn nứt” xu thế toàn cầu hóa về thương mại, sản xuất khiến giao thương suy giảm.
Cho dù kinh tế toàn cầu suy thoái thì giá dầu mỏ vẫn từng bước tăng vượt đỉnh cũ đã thiết lập năm 2008 bởi nguồn cung bị thu hẹp. Đây là một giải pháp để reset lại nền kinh tế thế giới cũng như Trung Quốc. Lựa chọn đầu tư vào các công ty khai thác dầu mỏ, logistics là xu hướng của tương lai gần.
FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất và giữ ở mức cao cho đến ít nhất là hết năm (....) cho dù kinh tế có ra sao, vì vị thế quốc gia sẽ quyết định kinh tế. Người Mỹ bớt giàu nhưng nhiều quốc gia khác sẽ nghèo đói. Những quốc gia dựa vào BĐS, nhân công giá rẻ để tăng trưởng, xuất khẩu như Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, khó khăn, và lần này đổ vỡ sẽ sâu sắc, vì không chỉ khủng hoảng tài chính mà khủng hoảng mọi mặt từ niềm tin cho đến sản xuất.
Trong ngắn hạn người Trung Quốc vẫn cố tháo gỡ, nhưng về dài hạn thì xu thế đổ vỡ đã định hình. Xét về vận khí, 2029, 2033, 2049 sẽ là những năm có biến động lớn về kinh tế - xã hội kết hợp với thảm họa tự nhiên (đặc biệt là hạn hán ảnh hưởng đến nguồn nước sạch) thách thức sự tồn tại của chính thể ĐCS ở Trung Quốc hiện nay.
Cuộc chiến Nga - Ucraina sẽ còn tiếp diễn cho đến khi Nga chấp nhận thất bại và lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội. Đây là “sân khấu trình diễn chính nghĩa" và công nghệ cao của Mỹ và Phương Tây làm nản lòng những quốc gia có ý định thù địch với họ để xác lập trật tự thế giới mới nên chưa đạt được mục đích sẽ chưa dừng.
Biển Đông sẽ xảy ra xung đột vũ trang khi Trung Quốc kiên quyết lấn chiếm những khu vực có tiềm năng dầu mỏ lớn và chuyển hướng mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài. Có thể sẽ có những thỏa thuận ngầm với người “đồng chí” phương Nam. Tuy nhiên với sự vụ lợi của chủ nghĩa vô thần thì dù cam kết hay thỏa thuận gì rồi cũng sẽ bị phế bỏ khi thời thế thay đổi, nên nhìn về dài hạn xung đột là tất yếu lịch sử.
Nếu như thất nghiệp và năng lượng không làm cho Trung Quốc đổ vỡ thì tiếp theo sẽ là chiến tranh khi nước Mỹ và đồng minh cùng tham gia cô lập Trung Quốc bằng quân sự với lý do bảo vệ hòa bình và các tuyến hàng hải quốc tế.
Hà Nội, 1/9/2023
Kiều Quang Dũng